Khó chấm dứt tình trạng “găm” ngoại tệ
Tình trạng “găm” ngoại tệ trên tài khoản của các nhà nhập khẩu vẫn tồn tại và gia tăng trước xu hướng nhập siêu tăng và kỳ vọng tỷ giá sẽ còn đi lên, trong khi đó nhu cầu USD của DN nhập khẩu không giảm.
Một cán bộ cấp cao của ABBank cho biết, cung ngoại tệ tại NH này vẫn khó đáp ứng được cầu. Bởi nhà xuất khẩu chưa muốn bán ngay ngoại tệ sau khi có nguồn thu. Ngược lại, nhà nhập khẩu chỉ vay VND sau đó tìm cách mua ngoại tệ thanh toán.
Tổng giám đốc một NH khác trên địa bàn TP. HCM cũng cho hay, khó có thể đáp ứng được nhu cầu về ngoại tệ cho các nhà nhập khẩu trong lúc này. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn ngoại tệ qua đường mua - bán không còn “chảy” vào NH như trước. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra nhiều biện pháp chấn chỉnh thị trường, trong đó đáng chú ý là hoạt động của các quầy thu đổi ngoại tệ. Nhiều quầy thu đổi ngoại tệ đã bị rút giấy phép, do không làm đúng quy định. Cụ thể, tại TP. HCM từ số lượng trên 500 quầy thu đổi ngoại tệ, nay chỉ còn hơn 70 quầy.
Trên thực tế, tỷ giá trên thị trường chợ đen luôn cao hơn giá niêm yết trong hệ thống NHTM đến 400 - 450 VND/USD. Tỷ giá hối đoái niêm yết tại Eximbank trong ngày 2/7 là 17.800 VND/USD, áp dụng cho cả mua và bán. Thế nhưng, theo ông Đào Hồng Châu, Phó tổng giám đốc Eximbank, trong thời gian qua vẫn khó thu hút được lượng ngoại tệ từ bên ngoài vào.
Đối với nhà xuất khẩu, tâm lý kỳ vọng tỷ giá tăng nên chưa muốn bán lại cho NH. Ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc NHNN - Chi nhánh TP. HCM cho biết, chỉ tính riêng các NH trên địa bàn đến cuối tháng 6/2009 lượng tiền gửi bằng ngoại tệ đã đạt 7 tỷ USD, trong đó phần lớn thuộc về các tổ chức kinh tế. Theo ông Hạnh, nếu lượng ngoại tệ này được bán ra thì cầu về USD sẽ được đáp ứng, thị trường không còn mất cân đối như hiện nay.
Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Công ty Chế biến thủy sản Út Xi (Sóc Trăng) cho biết, các nhà xuất khẩu và bản thân Út Xi thời điểm này chưa muốn bán ngay ngoại tệ sau khi có nguồn thu từ đối tác nhập khẩu.
Một trong những lý do được đưa ra là nhiều khả năng tỷ giá còn tăng và nếu điều này xảy ra sẽ rất có lợi, cho dù chỉ cao hơn 1 đồng so với hiện nay. Sáu tháng đầu năm 2009, nhập siêu vẫn vào khoảng 2,1 tỷ USD. Do đó, theo ông Tuấn Anh, trong lúc này nếu có nhu cầu về vốn chưa hẳn các nhà xuất khẩu đã vội bán ngoại tệ, cho dù họ phải đi vay.
Các nhà nhập khẩu cũng chỉ chọn vay tiền đồng, sau đó tìm cách mua ngoại tệ thanh toán, cho dù lãi vay USD đã giảm xuống mức tối đa được các NH áp dụng hiện nay là 3%/năm. Điều này dẫn đến nguồn ngoại tệ mua - bán ngày càng khan hiếm và thời gian gần đây có hiện tượng một số NH được phép hoạt động mua - bán ngoại hối mua bán USD với khách hàng vượt mức tỷ giá trần theo quy định (tức ngoài giá niêm yết). Do đó, để hoạt động mua - bán ngoại tệ trên thị trường của các tổ chức tín dụng thực hiện đúng quy định của pháp luật, ngày 1/7, NHNN đã có Công văn số 4941/NHNN-QLNH tiếp tục chấn chỉnh hoạt động mua - bán ngoại tệ.
Theo công này, Thống đốc NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối phải thực hiện nghiêm các quy định hiện hành tại Pháp lệnh Phí và Lệ phí. Các NH không được phép thu phí thông qua các hợp đồng dịch vụ và hình thức khác như: chi trả hoa hồng, phí quản lý tiền mặt…, khiến tỷ giá ngoại tệ thực tế vượt tỷ giá trần theo quy định. Thống đốc giao tổng giám đốc (giám đốc) các NH được phép hoạt động ngoại hối có trách nhiệm rà soát, kiểm tra việc thực hiện nội dung nêu trên và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra vi phạm.
Ngoài ra, Thống đốc NHNN cũng kêu gọi các NH, DN phản ánh kịp thời hiện tượng thông qua các hình thức để mua - bán USD vượt mức tỷ giá trần quy định về đường dây nóng của NHNN theo các số điện thoại sau: Văn phòng NHNN: 04.38266344 và 0122 637 6735; Thanh tra NHNN: 04. 22239 521 và 0122 626 8579.
Vân Linh
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|