Thận trọng với rủi ro lãi suất
Lãi suất cơ bản trong tháng 7 tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng ở mức 7%/năm, không thay đổi so với đầu năm. Trong khi đó, các ngân hàng vẫn tăng nhẹ lãi suất huy động. Mức cao nhất đối với lãi suất tiền gửi hiện nay được áp dụng tại HDBank là 10,1%/năm cho kỳ hạn 36 tháng. Ngoài ra, nhiều ngân hàng gia tăng khuyến mãi, quà tặng và tiền mặt kèm với chương trình huy động tiết kiệm, nhằm thu hút tiền nhàn rỗi. Chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra của các ngân hàng đang dần bị thu hẹp, nguy cơ rủi ro lãi suất đã được nhắc đến.
Các ngân hàng cho biết, tăng lãi suất huy động để đẩy mạnh cho vay (kể cả hỗ trợ lãi suất và tín dụng tiêu dùng). Bởi lẽ, từ tháng 4 đến nay, nguồn vốn huy động về luôn tăng trưởng thấp hơn tỷ lệ cho vay. Tổng dư nợ cho vay toàn hệ thống ngân hàng 6 tháng đầu năm tăng 17% so với tỷ lệ dư nợ được NHNN kiểm soát trong năm nay là dưới 30%.
Tín dụng tăng trưởng nhanh được các chuyên gia ngành ngân hàng đánh giá sẽ khó tránh nguy cơ lạm phát. Vì vậy, rủi ro về lãi suất khi nguy cơ lạm phát tái bùng phát là điều cần được quan tâm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 vừa được Tổng cục Thống kê công bố tăng 0,55%, cao hơn mức tăng 0,44% của tháng 5 và mức tăng 0,35% của tháng 4. CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 10,27% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đánh giá của ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc NHNN - Chi nhánh TP. HCM, tín dụng tăng trưởng là phù hợp với chủ trương kích cầu của Chính phủ, song nếu tốc độ tăng trưởng quá nhanh cũng không tốt, nên ngân hàng không thể mãi theo đuổi mục tiêu tăng trưởng, mà lơ là việc kiểm soát rủi ro.
Ông Hạnh cho biết, một trong những nội dung quan trọng mà NHNN tập trung kiểm tra, thanh tra hoạt động tín dụng là xem xét ngân hàng có nới lỏng điều kiện cho vay hay không, bởi nới lỏng điều kiện tín dụng trong lúc này rất nguy hiểm.
Thực tế thời gian qua, một số ngân hàng đã nới lỏng điều kiện tín dụng, nhất là đối với tín dụng tiêu dùng cá nhân khi có ngân hàng cho vay mà không yêu cầu khách hàng chứng minh mục đích sử dụng vốn. Đặc biệt, khi TTCK tăng điểm, bất động sản thu hút khách hàng trở lại…, nhiều ngân hàng mạnh tay "bơm" vốn cho nhà đầu tư, kéo dài thời gian trả nợ, lấy vốn ngắn hạn cho vay dài hạn. Năm ngoái, rủi ro về lãi suất đã ảnh hưởng mạnh đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng khi lạm phát bùng phát và ngân hàng phải chạy đua hút vốn.
Một cán bộ ngành ngân hàng nhận định, giai đoạn hiện nay thách thức nhiều hơn cơ hội. Thách thức có thể là rủi ro của sự biến động nhanh và phức tạp của thị trường mà ngân hàng khó có thể nhận diện. Chẳng hạn, một doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thuận lợi, vay trả tốt, nhưng sự biến động của nền kinh tế có thể khiến doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn. Trong khi, các ngân hàng không chỉ chịu áp lực của rủi ro thị trường, rủi ro lãi suất, vận hành…, mà còn chịu rủi ro khi chọn sai khách hàng.
Chính vì vậy, trong chiến lược phát triển hiện nay, đòi hỏi các ngân hàng phải đặt công tác quản trị rủi ro lên hàng đầu, cải tiến cơ chế quản trị rủi ro. Ông Hạnh cho rằng, các ngân hàng nên cân nhắc bài toán điều chỉnh lãi suất đầu vào. Bởi lẽ, mặt bằng lãi suất tiền gửi bình quân hiện nay là 8,2%/năm, sau khi trừ đi mức dự trữ bắt buộc và các chi phí khác, cho vay 10,5%/năm thì lợi nhuận thu về khá khiêm tốn.
NHNN cho biết, sẽ tiếp tục điều hành các công cụ chính sách tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt, nới lỏng một cách thận trọng, phù hợp với chủ trương kích cầu để ngăn chặn suy giảm kinh tế, chủ động kiểm soát lạm phát. Theo đó, tổng phương tiện thanh toán và tín dụng trong năm 2009 được kiểm soát dưới mức 30%; tỷ giá, lãi suất theo hướng ổn định.
Thùy Vinh
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|