Thu hẹp đối tượng cho vay hỗ trợ lãi suất
Với việc tính toán thời điểm ngừng gói kích cầu, Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp chống sốc cho các doanh nghiệp.
Tính đến thời điểm này, gói hỗ trợ lãi suất 4% đã giải ngân được hơn 350.000 tỉ đồng. Dự kiến 70.000 tỉ đồng còn lại sẽ được giải ngân trước thời điểm cuối cùng là ngày 31-12.
Nên kết thúc sớm
Đó là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước về gói kích cầu của Chính phủ. Bởi khi nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi, tiếp tục hỗ trợ lãi suất sẽ tạo mặt bằng lãi suất không thực tế, làm méo mó thị trường tiền tệ.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh (Viện Nghiên cứu và Phát triển - IDS) cho biết Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đang “có sự phân vân rất nghiêm túc” về gói kích cầu thứ hai của VN (hỗ trợ lãi suất vay vốn trung và dài hạn theo Quyết định 443 của Chính phủ, từ ngày 1-4-2009). Gói kích cầu này có quá nhiều biện pháp và có nguy cơ dẫn đến bội chi ngân sách lớn.
Theo tính toán của WB, gói kích cầu thứ hai có thể đẩy bội chi ngân sách Nhà nước lên 8,5% so với GDP. “Như vậy, Chính phủ cần xem xét thận trọng vì các tổ chức quốc tế và Quốc hội đề nghị giới hạn bội chi ngân sách năm 2009 của VN không nên quá 7% GDP”. WB cũng đưa ra một số phân tích để thấy rằng việc đưa ra gói kích cầu là một giải pháp có thể biện minh trước sự suy giảm của xuất khẩu. Nhưng mức thâm hụt quá lớn có thể dẫn đến nguy cơ đẩy các doanh nghiệp tư nhân ra xa hơn là hỗ trợ họ. Vào thời điểm đã có những dấu hiệu phục hồi rõ rệt, lạm phát thấp và suy thoái sắp chấm dứt thì một mức thâm hụt ngân sách quá lớn là không thể biện hộ được.
Cùng quan điểm này, TS Lê Đăng Doanh cho rằng kích cầu luôn có hai mặt, giống như uống thuốc chữa bệnh. Uống đúng thuốc vào đúng thời điểm thì khỏi bệnh nhưng uống không đúng sẽ sinh bệnh khác. Bệnh mới ở đây là lạm phát nếu kích cầu quá đà.
Chuyển hướng
Từ dấu hiệu phục hồi tích cực của nền kinh tế và ý kiến của các chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hiện đang xem xét chính sách thu hẹp đối tượng được vay hỗ trợ lãi suất. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho biết đi kèm với việc tính toán thời điểm ngừng gói kích cầu, NHNN sẽ có biện pháp chống sốc cho các doanh nghiệp. Ở một số địa phương, tỉ lệ cho vay hỗ trợ lãi suất chiếm đến 30% tổng dư nợ tín dụng nên khi không được hỗ trợ, doanh nghiệp có thể trở tay không kịp.
“Chính sách kích cầu đã bắt đầu có sự chuyển hướng”, TS Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, nhận xét. Thay vì đẩy vốn cho vay với mức độ giải ngân ngày càng nhanh như giai đoạn đầu, đến nay, cơ chế cho vay sẽ có thay đổi. Đối tượng cho vay sẽ bị thu hẹp vì điều kiện cho vay sẽ rất chặt chẽ, chỉ giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp có dự án thực sự khả thi, có thể hoàn thành ngay trong năm nay, sử dụng nhiều lao động, tạo thu nhập và có đầu ra. Khi thu hẹp đối tượng, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn thuộc diện được ưu tiên nhưng NHNN sẽ tính toán kỹ lĩnh vực nào cần tiếp tục hỗ trợ, lĩnh vực nào có thể giảm. Về bản chất, đây là cơ chế kiểm soát chặt chẽ, tránh cho vay dễ dãi châm ngòi cho lạm phát.
Về khả năng ngừng gói kích cầu trước ngày 31-12, TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng phải căn cứ vào ba yếu tố: tổng dư nợ tăng lên hằng năm, số lượng tiền đã giải ngân để kích cầu và khả năng phục hồi của kinh tế trong và ngoài nước. Đến nay, cả ba yếu tố này đều chưa hội tụ đủ.
Phương Anh
NGƯỜI LAO ĐỘNG
|