Nghịch lý USD: mua khó, vay dễ
Trong khi nhiều doanh nghiệp nhập khẩu kêu khó vì không không vay được USD thì các ngân hàng lại cho biết phần lớn doanh nghiệp không muốn vay mà chỉ muốn mua. Đâu là lý do?
Theo Ngân hàng nhà nước kể từ ngày 1/6, sau khi các ngân hàng thương mại đồng loạt hạ lãi suất USD xuống còn 3% năm đối với lãi suất cho vay và 1,5% năm đối với lãi suất huy động, dư nợ bằng ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại đã bắt đầu tăng lên. Đây là động thái nhằm giải tỏa tình trạng găm giữ USD trên tài khoản của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, sau một tháng hạ lãi suất USD, mặc dù khoảng cách giữa vay USD và tiền đồng đã khá lớn nhưng phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa muốn vay USD mà chỉ muốn mua đứt, bán đoạn vì lo ngại tỷ giá sẽ tăng cao trong thời gian sắp tới.
Theo tính toán của một chuyên gia tài chính: Tính đến tháng 6/2009, biến động của VNĐ/USD vào khoảng hơn 3% so với cuối năm 2008, Như vậy, với mức giá ngoại tệ mà ngân hàng thương mại đang công bố là 17.804 đồng/ USD, nếu cuối năm tăng lên gần 18.000 đồng/USD thì giá một USD sẽ tăng thêm 196 đồng. Vậy là khoản nợ của doanh nghiệp ngoài phần lãi suất sẽ phải trả thêm cả phần chênh lệch tỷ giá. Với các khoản vay lên đến hàng triệu USD thì khoản tiền phải trả thêm này quả là không nhỏ.
Còn theo một doanh nghiệp nhập khẩu, nếu cộng cả các chi phí khi doanh ngiệp thực hiện các hoạt động thanh toán thì giá USD của ngân hàng thương mại cũng tương đương với giá USD trên thị trường tự do. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng không thể gom lẻ USD ngoài thị trường rồi lại lo hợp thức hóa để thanh toán cho khách hàng.
Dù những khó khăn của doanh nghiệp là có cơ sở nhưng theo ý kiến của đại diện một ngân hàng thì họ cũng không thể rộng cửa bán USD, đặc biệt là cho các doanh nghiệp nhập khẩu vì hầu hết nguồn USD tại các ngân hàng thương mại đều có từ huy động nên ngân hàng cũng chỉ có thể cho vay.
Trước tình trạng hạn hẹp nguồn ngoại tệ nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp đã tự tìm cách gỡ rối cho mình. Đại diện Công ty CP Việt Nam cho biết: Công ty đã cân đối nguồn ngoại tệ sẵn có từ việc xuất khẩu các mặt hàng thủy sản đông lạnh và tăng lượng nguyên liệu mua trong nước, giảm lượng nguyên liệu nhập khẩu
Theo một chuyên gia tài chính, sự lo ngại của các doanh nghiệp về tỷ giá sẽ tăng với tốc độ phi mã trong thời gian sắp tới bắt nguồn từ tâm lý kỳ vọng tỷ giá sẽ tăng của doanh nghiệp xuất khẩu và ngân hàng khi thấy nhập siêu đã bắt đầu tăng trở lại. Tuy nhiên trên thực tế, tính chung trong 6 tháng đầu năm, nhập siêu tuy có tăng 2,1 tỷ USD so với xuất khẩu, nhưng nhập khẩu vẫn giảm mạnh so với cùng kỳ. Như vậy mấu chốt của vấn đề là doanh nghiệp không quá kỳ vọng vào việc USD tăng giá; và Ngân hàng Nhà nước cũng cần có động thái để giải tỏa nỗi lo của doanh nghiệp.
Nguyễn Huế
Công Thương
|