Đằng sau con số lợi nhuận của ngân hàng
Mặc dù kinh tế còn khó khăn nhưng một số ngân hàng vẫn công bố lợi nhuận khá lớn.
Trong số các ngân hàng cổ phần (trừ Vietcombank và VietinBank), 4 ngân hàng có lợi nhuận lớn nhất (theo số liệu công bố 5 tháng đầu năm 2009) theo thứ tự là: ACB (900 tỉ đồng), Techcombank (789 tỉ đồng), Eximbank (674 tỉ đồng), Sacombank (660 tỉ đồng). Một số ngân hàng khác có con số lợi nhuận thấp hơn gồm: Ngân hàng Hàng hải (400 tỉ đồng), Đông Á (329 tỉ đồng), Sài Gòn (320 tỉ đồng); Liên Việt (304 tỉ đồng), Sài Gòn - Hà Nội (163,7 tỉ đồng)...
Theo tìm hiểu của Thanh Niên , các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) có lợi nhuận lớn nhất đều có chung đặc điểm: nguồn thu từ hoạt động phi tín dụng chiếm tỷ lệ khá lớn. Tại ACB, nguồn thu từ hoạt động phi tín dụng trong 5 tháng đầu năm chiếm khoảng 50%; Techcombank là 46%; Sacombank 30,5%...
Một thành viên cấp cao của HĐQT ACB cho biết: các ngân hàng cạnh tranh về lãi suất quá mạnh, chênh lệch lãi suất tín dụng rất thấp, có khoản còn bị lỗ nên khó có thể trông chờ vào lợi nhuận cao từ hoạt động tín dụng. Trong số các hoạt động đem lại lợi nhuận cao cho ngân hàng này, sàn vàng vẫn là một "con gà đẻ trứng vàng".
Vị lãnh đạo nói trên của ACB không tiết lộ cụ thể giá trị lợi nhuận có được từ sàn vàng trong 5 tháng đầu năm. Tuy nhiên, nguồn tin này cho biết, năm 2008, trong số hơn 2.500 tỉ đồng lợi nhuận của ACB thì có tới 1.000 tỉ đồng từ sàn vàng. Ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng giám đốc Techcombank, cho hay: tại ngân hàng này, ngoài việc nguồn thu từ các hoạt động phi tín dụng chiếm tỷ lệ khá cao thì lợi nhuận từ các hoạt động này còn chiếm tỷ lệ lớn hơn.
Ông Vinh tiết lộ: riêng tháng 5.2009, lợi nhuận của Techcombank là 168 tỉ đồng thì lãi từ tín dụng chưa tới 30 tỉ đồng, còn lại là từ các nghiệp vụ tài trợ thương mại, kinh doanh tiền tệ... Tuy nhiên theo ông Vinh thì hơn 70% nguồn thu của Techcombank đến từ hoạt động ngân hàng cốt lõi và lợi nhuận 5 tháng đầu năm không liên quan đến kinh doanh cổ phiếu.
Ngoài một số ít các ngân hàng TMCP lớn có lợi nhuận cao nhờ phí dịch vụ, ngoại hối, kinh doanh trên thị trường tiền tệ…, thì hầu hết ngân hàng cổ phần khác vẫn trông chờ chủ yếu vào hoạt động tín dụng. Trong bối cảnh mức lãi suất trần bị chặn trên, lãi suất huy động đầu vào tiếp tục gia tăng thì đây thực sự là một bài toán khó.
Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội nhận định: "Không phải chúng tôi không biết việc cần phải chuyển hướng sang dịch vụ và các hoạt động phi tín dụng. Tuy nhiên, việc đó không dễ và cần có thời gian". Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo: "Lợi nhuận phi tín dụng lớn đến từ hoạt động ngân hàng truyền thống thì tốt nhưng nếu là lợi nhuận bất thường quá lớn lại liên quan đến cổ phiếu thì cũng phải xem lại".
Hoàng Ly
Thanh niên
|