Sàn giao dịch vàng: Sân chơi riêng của ngân hàng?
Theo nguồn tin của ĐTCK, quy chế quản lý sàn giao dịch vàng (SGDV) đã được dự thảo lần thứ 8, nhưng mới đưa ra lấy ý kiến trong phạm vi rất hẹp vào tuần qua. Một trong nhiều nội dung quan trọng là SGDV sẽ do ngân hàng thương mại tổ chức và để được cấp phép phải tuân thủ rất nhiều điều kiện.
Vai trò của ngân hàng
Một chuyên gia tài chính cho biết, theo thông lệ trên thế giới thì SGDV nên là một pháp nhân, hoàn toàn độc lập với ngân hàng để tránh rủi ro mang tính hệ thống. Thông lệ này cũng giống như việc tách bạch giữa ngân hàng bán lẻ và ngân hàng đầu tư. Vai trò của ngân hàng chỉ là lưu ký tiền, vàng và cho vay đối với nhà đầu tư trên sàn. Việt Nam có những đặc thù riêng. Trong khoảng 15 SGDV đang hoạt động trên cả nước hiện nay, nhiều SGDV do các ngân hàng thương mại lập ra. Điều này không phù hợp với thông lệ thế giới về quản lý rủi ro và về lâu dài, cần tránh. Tuy nhiên, khi ban hành văn bản pháp lý, Nhà nước cũng nên cân nhắc thêm đặc thù mang tính quá độ này của Việt Nam , giảm thiểu thiệt hại cho SGDV.
Cần hiểu chính xác là, ngân hàng đóng vai trò thiết yếu trong hoạt động của các SGDV, nhưng đó là hỗ trợ, bổ sung dịch vụ, chứ không phải là chủ sở hữu của SGDV.
Có nên độc tôn ngân hàng?
Với thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng, trước mắt nên để ngân hàng tiếp tục duy trì SGDV của mình. Tuy nhiên, có nên quy định SGDV là sản phẩm mà chỉ ngân hàng thương mại mới có quyền sở hữu?
Ông Nguyễn Công Danh, Tổng giám đốc CTCP Vàng châu Á cho rằng, nếu chỉ cho phép ngân hàng thành lập SGDV thì không hợp lý, vì bản thân ngân hàng chỉ có chức năng thanh toán, chứ không có chuyên môn để tổ chức sàn vàng. Nếu quy định như vậy thì các đơn vị sẽ lách luật khi liên kết với ngân hàng để mở SGDV. Theo ông Danh, cần đưa ra một tiêu chí chung về vốn, đội ngũ quản lý, công nghệ (giống như sàn giao dịch hàng hóa hiện nay), sau đó trình lên cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và cấp phép thành lập SGDV.
Hiện nay, không có một ngân hàng nào đứng ra độc lập mở SGDV. SGDV Việt Nam (VGB) - một trong những sàn có tính thanh khoản cao hiện nay thì Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) cũng chỉ đóng vai trò là cổ đông sáng lập tại CTCP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam , thực hiện chức năng thanh toán, tín dụng. Việc tổ chức SGDV phải do đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên môn cao thực hiện.
Một chuyên gia về ngành vàng cho biết, cần tôn trọng thực tế hiện nay là ngân hàng thương mại bắt tay với các tổ chức để thành lập, vận hành SGDV. Điều này không chỉ phù hợp với yêu cầu của kinh doanh vàng tài khoản (ký quỹ giao dịch, thanh khoản vàng vật chất, khớp lệnh giao dịch…), mà còn chia sẻ rủi ro trong góp vốn kinh doanh giữa các bên. Mặt khác, nó cũng tạo ra sự yên tâm cho nhà đầu tư (khi có sự giám sát của nhiều bên trong vận hành sàn vàng). Vẫn theo vị chuyên gia kể trên, quản lý nhà nước đối với SGDV nên hướng vào những quy định chung mang tính nguyên tắc như tiêu chuẩn, điều kiện thành lập, tỷ lệ ký quỹ tối thiểu, quy định về quy trình khớp lệnh, chuẩn mực hợp đồng nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư; nên để một "khoảng mềm" cho mỗi sàn linh động vận dụng, tạo sự cạnh tranh lành mạnh như thời gian giao dịch, lãi suất cho vay.
Cơ quan quản lý cũng không nên đặt ra việc cấp phép dưới mọi hình thức để tránh tình trạng xin - cho, giảm phiền hà cho doanh nghiệp. Cơ quan nhà nước giám sát, kiểm soát hoạt động này, kể cả việc yêu cầu báo cáo định kỳ hoặc đột xuất.
Theo ghi nhận của ĐTCK, phần lớn ý kiến của các chủ thể đã và đang tham gia SGDV hiện nay là không nên tổ chức một SGDV tập trung; cơ quan quản lý nhà nước nên ban hành các tiêu chí chung nhất (nhiều hay ít tùy thuộc vào chủ trương thắt chặt hay nới lỏng) để các đơn vị thực hiện.
Mặc dù khởi động từ tháng 10/2008, nhưng một văn bản quản lý SGDV cũng không dễ được ban hành trong ngày một ngày hai. Vấn đề đặt ra hiện nay là chưa có bất cứ văn bản pháp lý nào quy định hoạt động của sàn vàng. Như vậy, cần có một nghị định của Chính phủ về vấn đề này. Tuy nhiên, để ban hành một nghị định, cần rất nhiều thời gian, nên Ngân hàng Nhà nước cần chọn một loại văn bản phù hợp để kịp thời quản lý SGDV. Nhà đầu tư đang kỳ vọng vào một văn bản pháp lý phù hợp với thực tiễn để thúc đẩy thị trường vàng phát triển, nhưng vẫn đảm bảo an toàn theo định hướng của Chính phủ.
Nguyên Thành
Đầu tư chứng khoán
|