Giải tỏa tâm lý áp lực ngoại tệ 6 tháng cuối năm
Tháng 6 là tháng thứ 3 liên tiếp Việt Nam nhập siêu trở lại sau 3 tháng đầu năm xuất siêu (nhờ sự tăng đột biến của kim ngạch xuất khẩu vàng), với mức nhập siêu trong tháng 6 là 1 tỷ USD. Cung - cầu ngoại tệ, tập trung ở đồng USD 6 tháng cuối năm sẽ biến động ra sao, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc quản lý ngoại hối như thế nào đang là mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp và NĐT. Tại không ít ngân hàng, giá mua và bán USD thường kịch trần 17.804 đồng/USD. Trên thị trường tự do, giá USD có xu hướng tăng, hiện đạt xấp xỉ 18.400 đồng/USD.
Diễn biến trên cộng với thông tin về nhập siêu trong tháng 6 tăng khá đang tạo tâm lý lo ngại tỷ giá tiếp tục có biến động trong nửa cuối năm. Nếu tâm lý này không được giải tỏa, rất có thể thói quen găm giữ USD sẽ trở nên phổ biến, dẫn đến nguồn cung USD có nguy cơ căng thẳng.
Để nhận định tương quan ngoại tệ thời gian tới, trước hết có thể nhìn vào diễn biến cung cầu 6 tháng đầu năm. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 27,6 tỷ USD, giảm 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch nhập khẩu tháng 6 ước đạt 5,9 tỷ USD, tăng 4,1% so với tháng 5; lũy kế 6 tháng đạt 29,7 tỷ USD, giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tổng vốn FDI cấp mới và tăng thêm trong 6 tháng đầu năm đạt 8,87 tỷ USD, bằng 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong cùng khoảng thời gian, các dự án FDI đã giải ngân được 4 tỷ USD, bằng 81,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, tính từ đầu năm đến ngày 16/6, tổng giá trị vốn ODA được ký với các nhà tài trợ đạt 1,78 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giải ngân ODA 6 tháng đầu năm ước đạt 1,27 tỷ USD, bằng 67% kế hoạch giải ngân của cả năm, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy khủng hoảng kinh tế lan rộng toàn thế giới, nhưng nguồn kiều hối 6 tháng đầu năm theo ước tính của NHNN vẫn đạt khá, ở mức 2,73 tỷ USD.
Những số liệu nêu trên cho thấy, cung cầu ngoại tệ 6 tháng đầu năm không ở mức quá căng thẳng như nhiều ý kiến lo ngại. Điều quan trọng chính là giải tỏa tâm lý găm giữ ngoại tệ ở chính khối doanh nghiệp và trong một bộ phận dân chúng.
Theo tính toán từ Bộ Công Thương, thâm hụt thương mại của Việt Nam trong năm 2009 vào khoảng 6,9 tỷ USD, giảm 60% so với năm 2008. Xuất khẩu giảm khoảng 10% so với năm 2008, đạt 56 tỷ USD nếu không tính xuất khẩu vàng và đạt 58,2 tỷ USD nếu tính xuất khẩu vàng. Nhập khẩu giảm khoảng 19% so với năm 2008, đạt 65,1 tỷ USD.
Như vậy, xét trên tổng thể cán cân lớn của nền kinh tế thì năm 2009, thâm hụt cán cân thanh toán chỉ khoảng 1 tỷ USD; khoản trả nợ vay nước ngoài năm 2009 của Chính phủ là 930 triệu USD. Với lượng dự trữ ngoại hối quốc gia là 20 tỷ USD như hiện nay, khả năng bình ổn thị trường ngoại hối là hiện thực.
Trao đổi với báo chí về định hướng điều hành tỷ giá 6 tháng cuối năm, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho biết, sẽ sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ linh hoạt, giữ tỷ giá, lãi suất theo hướng ổn định. “Không có chuyện mở biên độ, phá giá đồng tiền. Trước đây, nhiều ý kiến đề cập rằng, NHNN phải mở biên độ tỷ giá, nhưng từ ngày 31/3 đến nay chúng tôi kiên quyết không mở biên độ. Biến động trong nước không có gì, bên ngoài cũng không, như vậy tỷ giá biến động chủ yếu do một nhóm đối tượng phao tin gây ra tâm lý găm giữ ngoại tệ”, Thống đốc nói.
Đề cập đến việc ngân hàng thu thêm phí khi bán USD cho doanh nghiệp, Thống đốc cho hay, tổng giám đốc, HĐQT ngân hàng được xây dựng, quy định biểu phí, song phải theo đúng quy định và công bố công khai cho khách hàng. Ngân hàng nào thu phí cung cấp thông tin tài chính (hay còn gọi là phí tư vấn) là vi phạm pháp luật. NHNN đề nghị doanh nghiệp phản ánh nếu bị thu phí vô căn cứ như vậy để NHNN tìm hiểu, xử lý.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, năm 2009 các bộ, ngành phải phối hợp quản lý nhập siêu không quá 20% giá trị kim ngạch xuất khẩu (ước khoảng 10 tỷ USD). 6 tháng đầu năm, nhập siêu là hơn 2,1 tỷ USD, chiếm 7,6% kim ngạch xuất khẩu. Với diễn biến như hiện nay, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu khẳng định, Việt Nam hoàn toàn chủ động để quản lý nhập siêu không quá 20% tổng kim ngạch xuất khẩu, cân đối ngoại tệ do vậy ở trong tầm kiểm soát của cơ quan quản lý.
Thùy Linh
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|