Tách bảo hiểm tiền gửi khỏi NHNN: Chưa phải lúc
Đây là ý kiến của Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Cty Luật BASICO trong cuộc trao đổi với DĐDN tại buổi hội thảo “Lấy ý kiến xây dựng Luật Ngân hàng nhà nước VN (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, phối hợp với Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Ngân hàng nhà nước VN tổ chức, LS Đức đã đưa ra nhiều ý kiến phản biện về chức năng nhiệm vụ của Ngân hàng nhà nước (NHNN).
- Nhiều ý kiến cho rằng Dự thảo Luật NHNN VN (sửa đổi) vẫn chưa quy định độc lập vai trò cũng như chức năng nhiệm vụ của NHNN, vậy còn quan điểm của ông ?
Hiện nay, tại nhiều quốc gia trên thế giới NHNN độc lập với Chính phủ. Còn ở VN, NHNN đang trực thuộc Chính phủ và là một cơ quan ngang bộ. Thống đốc NHNN là thành viên Chính phủ và có hàm bộ trưởng. Về chức năng và nhiệm vụ của NHNN và Thống đốc trong Dự thảo mới cũng không có gì thay đổi. Đúng là có một số ý kiến cho rằng chúng ta cần tách NHNN đứng độc lập khỏi Chính phủ.
“Với năng lực hiện nay của các Cty chứng khoán thì rất khó có thể đáp ứng được toàn bộ hoạt động bảo lãnh phát hành”.
Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, hiện tại, chúng ta chưa cần thiết phải bàn nhiều đến vấn đề này. Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu đang diễn ra, NHNN và Chính phủ vẫn điều hành ổn định giá trị đồng tiền và đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng mới là quan trọng. Trong tương lai thế nào thì chưa nói, nhưng giai đoạn hiện nay cần phải có những biện pháp mạnh và kịp thời với hiệu lực mang tầm Chính phủ là hợp lý.
- Nhưng dự thảo Luật NHNN gần như không đả động đến Ủy ban giám sát tài chính quốc gia. Như vậy, vai trò của Ủy ban này đối với NHNN cần được hiểu ra sao, thưa ông ?
Ủy ban giám sát tài chính quốc gia là một cơ quan mới được thành lập. Xét về Luật Tổ chức Chính phủ, đây là một cơ quan ngang bộ. Tuy nhiên, thực tế hoạt động thì đây chỉ là cơ quan tư vấn cho Chính phủ về vấn đề tài chính, tiền tệ, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu đang ảnh hưởng tới VN. Việc tổ chức bộ máy của cơ quan này hiện nay cũng hết sức gọn nhẹ, chỉ bao gồm 6 phòng chức năng (tương đương 1 vụ).
Tôi đồng tình với quan điểm, Chính phủ phải xây dựng Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia thành một cơ quan xứng tầm ngang bộ. Cơ quan này có thể giám sát Bộ Tài chính và NHNN. Qua đó, tham mưu và tư vấn giúp Chính phủ đưa ra những chính sách kịp thời và mạnh mẽ hơn. Vai trò của Ủy ban này trong bối cảnh hiện nay là rất quan trọng. Tuy nhiên, đây chỉ là cơ quan mang tính thời điểm. Nếu khủng hoảng qua đi, nó có thể gọn nhẹ bộ máy trở lại.
- Chức năng bảo hiểm tiền gửi trong dự thảo mới vẫn thuộc về NHNN, quy định như vậy có phải là vừa đá bóng vừa thổi còi không, thưa ông ?
Đúng là rất nhiều quốc gia quy định, bảo hiểm tiền gửi là chức năng của cơ quan bảo hiểm. NHNN chỉ có chức năng ổn định giá trị đồng tiền và bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. Không ít chuyên gia cũng có quan điểm nên sửa luật theo hướng tách vai trò của NHNN ra khỏi chức năng này. Vì bảo hiểm tiền gửi là bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền và cần tách nó ra khỏi chức năng bảo vệ ngân hàng của NHNN.
Tuy nhiên, theo tôi, NHNN vẫn cần đảm đương nhiệm vụ này. Các cơ quan bảo hiểm của VN vẫn chưa thể đảm trách được nhiệm vụ quá sức và quá lớn đó. Hiện tại, lòng tin của người dân vẫn gửi gắm vào NHNN vào Chính phủ. Người gửi tiền hiện vẫn khó có thể đặt niềm tin vào một Cty bảo hiểm. Để huy động được tiền trong dân gửi tới các ngân hàng vẫn cần có sự bảo hiểm của NHNN, của Chính phủ. Việc giao quyền bảo hiệm tiền gửi cho ngành bảo hiểm là chuyện của tương lai.
- Việc bảo lãnh phát hành trái phiếu DN, chứng khoán hiện đang được nhiều ngân hàng thương mại thực hiện. Nhưng theo dự thảo, các ngân hàng thương mại sẽ không còn chức năng này. Như vậy, chỉ còn các Cty chứng khoán được đảm nhiệm. Ý kiến của ông thế nào về vấn đề này ?
Hiện nay, cả hai đối tượng là ngân hàng thương mại và Cty chứng khoán đều được thực hiện chức năng bảo lãnh phát hành trái phiếu DN, phát hành chứng khoán. Nhưng theo dự thảo luật mới thì lại quy định theo hướng chuyên nghiệp hóa các hoạt động. Trên thực tế, các ngân hàng thương mại đang thực hiện khá tốt việc bảo lãnh phát hành trái phiếu DN, phát hành chứng khoán. Vì năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại thường vẫn lớn hơn nhiều các Cty chứng khoán.
Tôi ủng hộ việc nâng cao tính chuyên nghiệp của các loại hình DN. Như vậy, các Cty chứng khoán phải tăng cường năng lực của mình để đáp ứng toàn bộ mảng công việc trên. Tuy nhiên, quy định này cần phải có lộ trình. Với năng lực hiện nay của các Cty chứng khoán thì rất khó có thể đáp ứng được toàn bộ hoạt động bảo lãnh phát hành. Việc phát hành trái phiếu DN, phát hành chứng khoán của nhiều TCty, tập đoàn lớn vẫn cần phải có những ngân hàng đại gia mới có thể đủ tiềm lực để bảo lãnh phát hành.
- Xin cảm ơn ông!
Bá Tú
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
|