Dự thảo Luật NHNN Việt Nam (sửa đổi) và Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi):
Vì mục tiêu phát triển bền vững
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang tổ chức lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật NHNN Việt Nam (sửa đổi) và Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Theo đánh giá của giới chuyên môn, 2 Dự thảo luật đưa ra lấy ý kiến lần này có nhiều đổi mới, đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống và nguyện vọng của các tổ chức tín dụng (TCTD).
Đảm bảo thực thi CSTT và giám sát an toàn hệ thống
Dự thảo Luật NHNN Việt Nam gồm 8 chương và 70 điều với nhiều nội dung đổi mới quan trọng, quy định rõ ràng hơn chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của NHNN. Cụ thể, với mục tiêu nâng cao hơn nữa thẩm quyền và trách nhiệm của NHNN trong việc điều hành thực hiện chính sách tiền tệ (CSTT), Dự thảo Luật NHNN (sửa đổi) đã quy định theo hướng mới về quyền hạn của Quốc hội, Chính phủ và NHNN trong hoạch định và thực thi CSTT.
Cụ thể: (1) Quốc hội quyết định định hướng chỉ tiêu lạm phát hàng năm, giám sát việc thực hiện CSTT quốc gia để đạt định hướng chỉ tiêu lạm phát; (2) Chính phủ quyết định mục tiêu điều hành CSTT quốc gia nhằm thực hiện định hướng chỉ tiêu lạm phát hàng năm; (3) NHNN xây dựng định hướng chỉ tiêu lạm phát hàng năm để Chính phủ trình Quốc hội quyết định; triển khai các định hướng, giải pháp điều hành CSTT quốc gia, chủ động sử dụng các công cụ CSTT và các giải pháp khác để thực hiện CSTT quốc gia, đạt định hướng chỉ tiêu lạm phát đã được Quốc hội quyết định".
Trên cơ sở đó, thẩm quyền cụ thể của NHNN trong việc thực thi CSTT sẽ có nhiều thay đổi mới so với Luật hiện hành. Cụ thể như, NHNN được "chủ động điều hành các công cụ CSTT, các biện pháp khác để thực hiện CSTT quốc gia; tổ chức hệ thống thống kê, dự báo tiền tệ, ngân hàng; công khai thông tin tiền tệ, ngân hàng; chủ trì lập, theo dõi và phân tích kết quả thực hiện cán cân thanh toán quốc tế" (Điều 6); "Trong trường hợp thị trường có diễn biến bất thường, NHNN quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa TCTD với nhau và đối với khách hàng theo quy định của Luật này và Luật Các TCTD". (Điều 16)... Quy định này bảo đảm cơ sở pháp lý để NHNN có thể can thiệp vào thị trường trong những trường hợp cần xử lý các diễn biến bất lợi trên thị trường khi không thể sử dụng các công cụ gián tiếp khác.
Đối với việc thực hiện chức năng giám sát an toàn hoạt động của các TCTD và an toàn hệ thống các TCTD, Dự thảo Luật NHNN Việt Nam (sửa đổi) đã mở rộng phạm vi giám sát đối với toàn bộ hoạt động một TCTD, kể cả các hoạt động thông qua các Công ty con của các TCTD. Đồng thời, khẳng định sự khác biệt giữa thanh tra, giám sát an toàn hoạt động ngân hàng với thanh tra hành chính; khẳng định vai trò của NHNN trong việc giám sát toàn diện đối với các TCTD. Thẩm quyền của NHNN trong việc can thiệp, xử lý sớm các TCTD cũng đã được quy định cụ thể hơn nhằm ngăn chặn kịp thời những khả năng đổ vỡ... Đặc biệt, để đảm bảo an toàn hệ thống, Dự thảo Luật có quy định mới về việc "NHNN quyết định mua cổ phần có thời hạn của các TCTD gặp khó khăn về tài chính, có nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống ngân hàng theo cơ chế do Thủ tướng Chính phủ quy định". Dự thảo Luật cũng đã quy định rõ 13 biện pháp xử phạt hành chính mà NHNN có thể áp dụng đối với các TCTD nhằm duy trì kỷ luật trong hoạt động ngân hàng, đảm bảo an toàn hệ thống, trong đó có cả các biện pháp: thực hiện việc sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể bắt buộc; đặt TCTD vào tình trạng kiểm soát đặc biệt; thu hồi giấy phép hoạt động...
Về bảo hiểm tiền gửi (BHTG), Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội đều có ý kiến phải bổ sung vào các Luật ngân hàng một số các quy định liên quan đến hoạt động BHTG.
Lành mạnh hoá hoạt động của các TCTD
Dự thảo Luật Các TCTD sửa đổi gồm 10 chương, 164 điều, được xây dựng nhằm mục tiêu lành mạnh hoá tổ chức và hoạt động của các TCTD, góp phần thúc đẩy hoạt động ngân hàng, đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế; luật mới phải phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, tạo cơ sở pháp lý bảo đảm sự tự chủ trong kinh doanh của các TCTD, bảo đảm sự chặt chẽ, thận trọng trong hoạt động ngân hàng, đặc biệt là nâng cao được khả năng kiểm soát, giám sát của NHNN đối với hoạt động của từng TCTD và sự ổn định, an toàn của hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, Luật Các TCTD (sửa đổi) phải khắc phục được những bất cập của Luật Các TCTD hiện hành, đồng bộ với các luật khác. Ngoài ra, phải hướng đến việc xóa bỏ sự phân biệt để tạo sự bình đẳng giữa các TCTD thuộc các hình thức sở hữu khác nhau theo nguyên tắc tạo lập một môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh và bình đẳng trong hoạt động tiền tệ - ngân hàng.
Với mục tiêu như vậy, Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) đã đưa ra những quy định rất cụ thể, rõ ràng về cấp phép như thẩm quyền cấp phép, vốn pháp định, điều kiện cấp phép đối với từng loại hình TCTD; quy định về tổ chức, quản trị, điều hành, về hoạt động cũng như về chế độ tài chính, hạch toán, báo cáo của các TCTD. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật (sửa đổi) cũng quy định về quyền đặt văn phòng đại diện và phạm vi hoạt động của văn phòng đại diện tại Việt Nam của các TCTD nước ngoài và các tổ chức khác hoạt động trên lĩnh vực ngân hàng. Đặc biệt, để đảm bảo an toàn trong hoạt động của các TCTD cũng như tạo sự chủ động cho các TCTD, Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) có hẳn 1 chương (Chương VI) quy định về các trường hợp không được cấp tín dụng, hạn chế cấp tín dụng, giới hạn cấp tín dụng, giới hạn góp vốn, mua cổ phần, tỷ lệ bảo đảm an toàn, dự phòng rủi ro...
Tuy nhiên, hiện vẫn còn có ý kiến khác nhau về phạm vi điều chỉnh. Theo quan điểm của Ban soạn thảo, Luật Các TCTD (sửa đổi) chỉ điều chỉnh tổ chức và hoạt động của TCTD. Hay nói cách khác, chỉ có các TCTD được cấp phép mới được thực hiện các hoạt động ngân hàng. Còn đối với các ngân hàng chính sách (hiện gồm Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam), hiện các vấn đề liên quan đến thành lập, tổ chức và hoạt động của các ngân hàng này đều thực hiện theo văn bản riêng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, theo quan điểm của Ban soạn thảo, việc áp dụng tất cả các quy định của Luật Các TCTD đối với các ngân hàng này là không phù hợp. Tuy nhiên, hoạt động của các ngân hàng chính sách đã chiếm 15% thị phần tín dụng của hệ thống và từ đó tác động của các ngân hàng này đến thị trường và CSTT đang lớn dần, nên Dự thảo Luật (sửa đổi) cũng đã có quy định liên quan đến vấn đề này.
Về lãi suất trong hoạt động ngân hàng (Điều 91 Dự thảo Luật), Ban soạn thảo nhất trí với loại ý kiến cho rằng cần có quy định trong Dự thảo Luật trao quyền cho TCTD và khách hàng thỏa thuận mức lãi suất trong các hoạt động ngân hàng, không phụ thuộc vào quy định của Bộ luật Dân sự vì bản chất hoạt động kinh doanh ngân hàng của TCTD khác về bản chất với hoạt động cho vay trong quan hệ dân sự thông thường. Bởi lẽ, việc áp dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận trong hoạt động ngân hàng là phù hợp với định hướng đường lối, chính sách của Đảng tại Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phương hướng, nhiệm vụ kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010. Bên cạnh đó, thực tiễn hiện nay cho thấy, việc quy định trần lãi suất như quy định tại Điều 476 Bộ luật Dân sự có ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các TCTD. Ngoài ra, hiện trên thị trường có tới 120 TCTD đang hoạt động nên mức độ cạnh tranh là rất lớn, đủ để kiểm soát hoạt động cho vay nặng lãi trong hoạt động ngân hàng. Đặc biệt, việc áp dụng trần lãi suất có thể làm cho lãi suất trên thị trường liên ngân hàng không phản ánh đúng và đầy đủ tình trạng thanh toán của các ngân hàng, qua đó đã vô hiệu hóa một tín hiệu quan trọng nhất để điều hành CSTT.
Do vậy, việc áp dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận trong hoạt động của TCTD là phù hợp. Tuy nhiên, để hạn chế những bất ổn trong cạnh tranh không lành mạnh về lãi suất giữa các TCTD trong một số điều kiện đặc biệt nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của TCTD, Dự thảo Luật Các TCTD có quy định về quyền can thiệp của NHNN vào cơ chế xác định lãi suất của TCTD tại khoản 3 Điều 91 Dự thảo Luật Các TCTD như sau:
“Trong trường hợp cần thiết, để đảm bảo an toàn của hệ thống TCTD, NHNN có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của TCTD”.
Dương Công Chiến
SBV
|