Thuế thu nhập cá nhân: nhiều điểm mới về người phụ thuộc
Có nhiều điểm mới về người phụ thuộc và hồ sơ chứng minh người phụ thuộc khi tính thuế thu nhập cá nhân. Xung quanh vấn đề này, Tuổi Trẻ đã trao đổi cùng ông Nguyễn Đình Tấn - cục trưởng Cục Thuế TP.HCM.
Ông Tấn nói:
- Theo thông tư 62 của Bộ Tài chính bổ sung thông tư 84 về thuế thu nhập cá nhân ban hành trước đó thì người lao động làm việc trong các tổ chức kinh tế, các cơ quan hành chính sự nghiệp có bố, mẹ, vợ (hoặc chồng), con và những người khác thuộc đối tượng được tính là người phụ thuộc đã khai rõ trong lý lịch thì được căn cứ vào đó để làm hồ sơ giảm trừ gia cảnh theo hai cách:
* Cách 1: Điền vào tờ khai đăng ký người phụ thuộc theo mẫu, có xác nhận của thủ trưởng đơn vị vào bên trái tờ khai. Trường hợp có thay đổi về người phụ thuộc thì đề nghị thủ trưởng đơn vị xác nhận vào tờ khai điều chỉnh. Với cách người nộp thuế tự khai và chịu trách nhiệm.
* Cách 2: Làm đầy đủ các hồ sơ thủ tục theo hướng dẫn tại thông tư 84 của Bộ Tài chính. Ví dụ nếu là con thì nộp bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao hộ khẩu, vợ hoặc chồng thì nộp bản sao hộ khẩu hoặc bản sao giấy chứng nhận kết hôn...
Trường hợp cán bộ công chức có người phụ thuộc đã khai rõ trong lý lịch nhưng chưa đăng ký người phụ thuộc thì phải làm bản đăng ký và vẫn được chọn lựa cách áp dụng hồ sơ chứng minh người phụ thuộc.
* Trường hợp người phụ thuộc là bố dượng, mẹ kế không khai trong lý lịch thì xử lý ra sao?
- Trường hợp này, người nộp thuế cần khai hai bản đăng ký điều chỉnh người phụ thuộc theo mẫu gửi cơ quan chi trả thu nhập để đăng ký bổ sung và yêu cầu thủ trưởng cơ quan ký xác nhận hoặc nộp các giấy tờ chứng minh theo quy định.
* Thưa ông, trường hợp người phụ thuộc là ông bà, chú bác... cơ quan thuế yêu cầu phải có điều kiện không có nơi nương tựa, cụ thể là như thế nào?
- Theo thông tư 62 được tính là người phụ thuộc (trừ người phụ thuộc là con) trong từng trường hợp cụ thể phải đáp ứng các điều kiện:
Nếu trong độ tuổi lao động phải thỏa mãn đồng thời hai điều kiện: bị tàn tật không có khả năng lao động, không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 500.000 đồng. Nếu ngoài độ tuổi lao động thì phải không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm không vượt quá 500.000 đồng.
Đối với người phụ thuộc là ông bà nội; ông bà ngoại; cô, dì, chú, bác, cậu ruột; anh, chị, em ruột; cháu ruột và các cá nhân khác còn phải thỏa mãn thêm điều kiện là người không nơi nương tựa mà đối tượng nộp thuế đang trực tiếp nuôi dưỡng.
* Người trong độ tuổi lao động nhưng mắc bệnh nan y không có thu nhập có được tính là người phụ thuộc không?
- Một điểm mới là người trong độ tuổi lao động mắc các bệnh mà không có khả năng lao động (bệnh AIDS, ung thư, suy thận mãn...) có bệnh án của cơ quan y tế từ cấp huyện trở lên được xem là người phụ thuộc, không cần phải có xác nhận của UBND cấp xã.
Trường hợp người phụ thuộc là người tàn tật không có khả năng lao động nhưng không có xác nhận của cơ quan y tế thì đối tượng nộp thuế tự khai theo mẫu và đề nghị UBND cấp xã nơi người phụ thuộc đang sống xác nhận những biểu hiện cụ thể về sự tàn tật của người phụ thuộc. Ví dụ như xác nhận người phụ thuộc bị cụt tay, cụt chân, mù mắt, mắc bệnh thiểu năng trí tuệ (Down), bị di chứng chất độc da cam...
* Theo Tổng cục Thuế, lý lịch đủ điều kiện làm căn cứ để thủ trưởng cơ quan ký xác nhận phải là lý lịch cán bộ công chức và phải được bổ sung hằng năm nếu có thay đổi.
* Theo quy định, đối tượng nộp thuế có thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công từ 4 triệu đồng/tháng trở xuống không phải kê khai người phụ thuộc, do đó cũng không phải nộp hồ sơ chứng minh người phụ thuộc.
A. Hồng
TUỔI TRẺ
|