Bất cập của cơ chế lãi suất
Lãi suất huy động vốn bằng tiền đồng tại một số ngân hàng đã bắt đầu cán đích 10%, trong khi lãi suất cơ bản vẫn giữ nguyên 7% và trần cho vay tối đa không quá 10,5%/năm.
Bằng phép tính đơn giản cũng có thể nhận ra rằng không có lý do gì để ngân hàng đẩy lãi suất lên gánh lấy thua lỗ, trừ phi lâm vào tình huống gặp khó khăn trong thanh khoản.
Thật ra, nguyên nhân chính ở đây là do một số ngân hàng đang chuyển hướng mạnh sang cho vay tiêu dùng theo cơ chế lãi suất thỏa thuận, với mức lãi suất bình quân từ 12-15%/năm, chênh lệch giữa đầu ra - đầu vào lên đến 4-5 điểm phần trăm/năm, một tỷ lệ thực sự hấp dẫn nếu chúng ta biết rằng trong tín dụng nếu duy trì chênh lệch khoảng 3,5 điểm phần trăm/năm là có thể tạm yên tâm về tài chính.
Việc điều hành thông qua cơ chế “hai giá”, vừa duy trì lãi suất trần vừa áp dụng lãi suất thỏa thuận, tưởng chừng là lối thoát tài chính hợp lý cho các ngân hàng thương mại, nhưng vô hình trung đã nắn dòng chảy tín dụng ngày càng trở nên bất cập. Do sức hấp dẫn của chênh lệch lãi suất, vốn tín dụng tất yếu chảy dồn vào các kênh tiêu dùng, đáng kể nhất hiện nay là bất động sản và chứng khoán.
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước vẫn đang khẳng định dư nợ cho vay chứng khoán và bất động sản hạch toán trên sổ sách nhìn chung chưa có biến động lớn vượt tầm kiểm soát, đây là ý kiến đáng lưu ý vì nhiều nhà quan sát cho rằng sở dĩ thị trường chứng khoán thời gian qua nóng lên bất thường phần lớn là do sự tiếp sức nhanh và mạnh từ các luồng tiền ngân hàng.
Với xu thế nóng lên của thị trường tiền tệ, vốn sẽ tiếp tục bị hút mạnh vào các lĩnh vực có lãi suất cao, lợi nhuận ảo, kể cả tiếp sức cho những cuộc chơi đỏ đen mang tính công khai ngày càng sôi động, như hoạt động trên các sàn giao dịch vàng chẳng hạn.
Mặc dù chính sách hỗ trợ lãi suất hiện hành đang tạo ra nhiều cơ may giúp các doanh nghiệp trụ vững, vượt qua khó khăn trước mắt, tuy nhiên nếu nguồn cung ứng vốn dần dần hạn chế thì mục tiêu hỗ trợ lãi suất sẽ không đạt yêu cầu đã đề ra.
Chiều hướng này về lâu dài sẽ tác động tiêu cực đến lĩnh vực trực tiếp sản xuất, bộ phận “kinh tế thực” đang vật lộn với nhiều thử thách do ảnh hưởng suy giảm toàn cầu có nguy cơ đối diện với tình trạng khan hiếm vốn.
Mặc dù chính sách hỗ trợ lãi suất hiện hành đang tạo ra nhiều cơ may giúp các doanh nghiệp trụ vững, vượt qua khó khăn trước mắt, tuy nhiên, nếu nguồn cung ứng vốn dần dần hạn chế thì mục tiêu hỗ trợ lãi suất sẽ không đạt yêu cầu đã đề ra. Sự không tương thích giữa mục tiêu chạy theo lợi nhuận cao bất chấp rủi ro của một số ngân hàng sẽ trở nên mâu thuẫn và bất cập với định hướng vĩ mô về chống suy giảm kinh tế và duy trì tăng trưởng.
Những bất cập của cơ chế “hai giá” về lãi suất đang ngày càng bộc lộ rõ. Giải pháp bãi bỏ lãi suất trần, quay trở về cơ chế “một giá”, điều hành lãi suất theo tín hiệu thị trường nên được cân nhắc nghiên cứu sớm. Với lãi suất thị trường, hệ thống ngân hàng có nhiều cơ hội huy động vốn tốt hơn, tạo ra nguồn lực bền vững để đáp ứng các nhu cầu tín dụng đa dạng của doanh nghiệp với các mức lãi suất cạnh tranh, hạn chế nguy cơ dồn vốn quá mức vào lĩnh vực tiêu dùng, bất động sản hoặc chứng khoán tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Bản thân các ngân hàng cũng cần phải rút kinh nghiệm đầy đủ từ bài học tăng trưởng quá nóng năm 2007 để tích cực củng cố năng lực quản trị rủi ro, điều chỉnh cơ cấu đầu tư tín dụng theo hướng an toàn và lành mạnh.
Ngân hàng Nhà nước cũng cần có thái độ rõ ràng hơn đối với chủ trương kiềm chế cho vay chứng khoán, không để thị trường chứng khoán tồn tại chủ yếu bằng nguồn cung thanh khoản từ hệ thống ngân hàng mà phải vươn lên làm đúng chức năng tập trung và phân phối dài hạn, vai trò này hiện nay còn quá mờ nhạt.
Cũng cần lưu ý thêm, năm tháng đầu năm 2009 tăng trưởng tín dụng đã bị cảnh báo là khá nóng, việc quay trở lại cơ chế lãi suất thị trường sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách có thêm một chốt chặn hiệu quả nhằm chủ động điều tiết cung cầu tiền tệ, góp phần hạn chế và đẩy lùi nguy cơ tái lạm phát.
Tâm Dân
TBKTSG Online
|