Giới đầu tư tài chính tiếp tục bi quan chờ đợi BCTC Quý II
THỊ TRƯỜNG MỸ
(Vietstock) - Mặc dù tâm lý lo ngại vẫn tồn tại trong đại đa số các nhà đầu tư Mỹ, tuy nhiên, với việc thị trường chứng khoán Mỹ đã điều chỉnh giảm xuống mức hợp lý tương đối, các nhà đầu cơ chứng khoán tại Mỹ đã bắt đầu gia nhập thị trường trở lại góp phần gia tăng sức mua và giảm bớt áp lực bán ra trên thị trường. Chính yếu tố này đã góp phần làm cho hai trong số ba chỉ số chưng khoán chính trên thị trường Mỹ có phiên hồi phục nhẹ vào ngày hôm qua, Thứ Tư 08/07/2009.
Theo đó, chỉ số công nghiệp DJIA có mức hồi phục nhẹ 14.81 điểm (tương đương 0.18%) lên 8178.41 điểm, chỉ số NASDAQ gần như không có sự thay đổi khi chỉ tăng 1 điểm (tương đương 0.06%) lên 1747.17 điểm và chỉ số S&P 500 tiếp tục mất đi 1.47 điểm (tương đương 0.17%) đóng cửa ở mức 879.56 điểm.
Tuy vậy, tính trung bình trong ngày giao dịch hôm qua, đại đa số các cổ phiếu vẫn tiếp tục tràn ngập sắc đỏ khi mà cứ hai cổ phiếu giảm giá mới có một cổ phiếu tăng giá. Cổ phiếu các doanh nghiệp thuộc ngành ngân hàng, công nghệ tiếp tục đà sụt giảm với những cái tên điển hình có thể kể đến như Bank of America, Morgan Stanley, Goldman Sachs, Intel và AMD.
Về cơ bản, giới đầu tư trên thị trường vẫn đang có những quan ngại sâu sắc về tình trạng kinh tế Mỹ cũng như nhịp độ tăng trưởng của thị trường chứng khoán kể từ khi thiết lập mức đáy vào tháng 3/2009 vừa qua, và những điều chỉnh liên tục của thị trường chứng khoán Mỹ trong khoảng 1 tuần trở lại đây đã phản ánh đúng tâm lý này. Tuy vậy, sự hồi phục nhẹ của thị trường Mỹ trong ngày giao dịch hôm qua đã cho thấy tâm lý chờ đợi và kỳ vọng khá lớn của giới đầu tư Mỹ vào đợt công bố Báo cáo tài chính lần này nhằm tìm ra một cơ sở vững chắc cho kịch bản kinh tế Mỹ nửa cuối năm 2009. Với việc hãng thông tấn Reuters nhận định lợi nhuận của các doanh nghiệp trong chỉ số S&P500 nhiều khả năng sẽ giảm khoảng 36% so với cùng kỳ năm ngoái, có vẻ như các nhà đầu tư Mỹ sẽ phải chuẩn bị tâm lý để tiếp tục đón nhận những thông tin không như mong đợi trong thời gian tới đây.
Chúng tôi cho rằng, đối với bất kỳ thị trường chứng khoán nào, việc xuất hiện các phiên điều chỉnh sau một đợt tăng nóng là hoàn toàn bình thường và cần thiết để tạo tính tăng trưởng bền vững cho thị trường, đồng thời cũng thể hiện rõ nét tâm lý hoang mang và chờ đợi của các nhà đầu tư vào những thông tin có tính chất củng cố niềm tin, nhất là trong giai đoạn mà đại đa số giới đầu tư đang rất quan tâm đến vấn đề điều gì sẽ xảy đến đối với kinh tế Mỹ trong 6 tháng cuối năm 2009.
Theo một thông tin vừa được công bố, lượng tín dụng tiêu dùng Mỹ đã giảm 3.2 tỷ USD trong Tháng 5, một sự cải thiện đáng kể so với con số âm 16.7 tỷ USD của Tháng 4. Trước đó, các nhà kinh tế kỳ vọng mức sụt giảm tín dụng tiêu dùng trong Tháng 5 sẽ rơi vào khoảng 8.8 tỷ USD.
Sau khi điều chỉnh tăng mức suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm 2009 từ 1.3% lên 1.4%, quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tiếp tục đưa ra dự báo về triển vọng kinh tế năm 2010. Theo đó, IMF cho rằng mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ vào khoảng 2.5% so với con số 1.9% được đưa ra trước đó.
Cũng trong ngày giao dịch hôm qua, lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ tiếp tục giảm mạnh từ mức 3.45% của ngày Thứ Ba xuống còn 3.31%. Giá dầu thô giao tháng 8 giao dịch tại thị trường New York tiếp tục đà sụt giảm khi mất đi 2.79$ xuống ngưỡng 60.14$/thùng.
THỊ TRƯỜNG CHÂU ÂU
Trong phiên giao dịch hôm qua, thị trường chứng khoán khu vực châu Âu đã có phiên giảm điểm thứ năm liên tiếp sau khi các nhà đầu tư tại Lục địa này tiếp tục đón nhận những thông tin cho thấy nhịp độ hồi phục của nền kinh tế không diễn ra như đã được kỳ vọng trong thời gian trước đây. Theo đó, chỉ số Dow Jones Euro Stoxx 50 đã mất đi 0.88% giá trị xuống còn 2022.8 điểm, chỉ số FTSE 100 của Anh Quốc cũng mất 1.12% xuống còn 4140.23 điểm. Bên cạnh đó, các chỉ số chứng khoán tại các quốc gia châu Âu khác như DAX 30 của CHLB Đức và CAC 40 của CH Pháp đều có mức giảm lần lượt là 0.56% và 1.27%.
|
Dẫn đầu trong phiên giảm điểm ngày hôm qua tiếp tục là cổ phiếu của các doanh nghiệp thuộc ngành ngân hàng, điển hình như HSBC, Banco Santander, UBS, BNP Paribas và AXA đều có mức giảm trong khoảng từ 1.9% đến 8.7%. Cổ phiếu các công ty thuộc ngành dầu khí cũng chịu áp lực giảm giá sau khi giá dầu thô thế giới tiếp tục đà sụt giảm. Theo đó, cổ phiếu các hãng dầu khí lớn như Royal Dutch Shell, BP, Total và Repsol có mức giảm trong khoảng 6.5% đến 1.7%.
Theo thông tin được cơ quan thống kê châu Âu công bố, kinh tế châu Âu trong 2 quý đầu năm 2009 tiếp tục suy giảm lần lượt ở mức 2.5% và 2.4%.
THỊ TRƯỜNG CHÂU Á
Cũng trong phiên giao dịch diễn ra hôm qua – Thứ Tư 08/07/2009, sắc đỏ tiếp tục bao trùm hầu như toàn bộ thị trường chứng khoán khu vực châu Á. Theo đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật tiếp tục mất 2.35% xuống còn 9420.75 điểm, chỉ số Hang Sheng của Hồng Kông giảm 0.79% xuống 17721.07 điểm và chỉ số KOSPI của Hàn Quốc giảm 0.22% xuống 1431.02 điểm.
GÓC NHÌN ĐẦU NGÀY
Dường như bài toán về nhịp độ và tính bền vững trong sự hồi phục kinh tế vẫn đang là dấu hỏi lớn đối với các nhà đầu tư trên thế giới. Trong thời điểm hiện tại, chúng tôi cho rằng, một phần những thông tin sắp được công bố trong thời gian tới đã được các nhà đầu tư chiết khấu về thời điểm hiện tại trong đợt điều chỉnh đã và đang diễn ra. Chính vì vậy, trong trường hợp báo cáo tài chính quý II sắp được công bố của các doanh nghiệp không được tích cực so với cùng kỳ năm ngoái, đà suy giảm của thị trường thế giới vẫn sẽ không đột ngột gia tăng quá mạnh. Tuy vậy, chúng tôi vẫn đặc biệt lưu ý về khả năng khác dẫn đến sự điều chỉnh mạnh của thị trường, đó là việc các nhà đầu tư bắt đầu đánh giá lại và cố tìm ra phương án trả lời cho câu hỏi phải chăng thị trường đã tăng trưởng nhanh hơn so với thực trạng kinh tế hiện tại.
Phòng Nghiên cứu Vietstock
|