Mỹ tìm cách ghìm giới đầu cơ dầu lửa
Cơ quan giám sát thị trường giao dịch hàng hóa kỳ hạn của Mỹ đang cân nhắc các quy định mới kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu cơ trong giao dịch dầu lửa và các loại hàng hóa khác bằng cách hạn chế lượng hàng mà những nhà đầu cơ lớn nắm giữ. Đây được xem là một phần trong nỗ lực của chính quyền Obama nhằm ổn định thị trường tài chính Mỹ.
Chủ tịch Ủy ban Giao dịch kỳ hạn hàng hóa Mỹ (CFTC), ông Gary Gensler, ngày 7/7 tuyên bố, trong vài tuần tới đây, cơ quan này sẽ tổ chức các phiên điều trần để tiếp thu ý kiến từ người tiêu dùng và các đối tượng tham gia thị trường kỳ hạn xem có nên áp đặt mức giới hạn đối với tất cả các hợp đồng giao dịch hàng hóa, trong đó có dầu lửa.
Hiện tại, CFTC không áp dụng mức trần về lượng hàng hóa nắm giữ đối với dầu lửa và các mặt hàng năng lượng, mặc dù áp dụng trần đối với các hợp đồng giao dịch hàng hóa nông sản.
“Phiên điều trần đầu tiên sẽ tập trung vào việc CFTC có nên áp dụng toàn quốc mức giới hạn đầu cơ đối với tất cả các loại hàng hóa mà nguồn cung là có hạn, đặc biết là những mặt hàng năng lượng như dầu thô, dầu sưởi, khí đốt, xăng và các sản phẩm năng lượng khác”, ông Gensler cho biết. Ngoài ra, CFTC cũng muốn tham khảo ý kiến của các đối tượng có liên quan về việc có nên áp dụng các hình thức miễn trừ đối với một số công ty nhất định trong việc áp dụng giới hạn đầu cơ.
Giá cổ phiếu của các sàn giao dịch kỳ hạn lớn đã sụt giảm mạnh sau tuyên bố trên của ông Chủ tịch CTFC. Giá cổ phiếu của CME Group giảm 5%, giá cổ phiếu của IntercontinentalExchange giảm hơn 12%. Ước tính, các hợp đồng giao dịch năng lượng chiếm tới 1/4 doanh thu của các sàn giao dịch này.
Tháng 7 năm ngoái, giá dầu thô đã lên tới mức kỷ lục 147 USD/thùng, giá các loại ngũ cốc cũng tăng tới mức kỷ lục. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, khi đó, những dòng tiền nóng đổ vào đã bóp méo thị trường kỳ hạn.
Tháng trước, chính quyền của Tổng thống Obama đệ lên Quốc hội Mỹ một kế hoạch rộng nhằm thắt chặt các quy định giám sát tài chính ở nước này và ngăn chặn nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng tiếp theo. Trong kế hoạch này có các điểm nhằm tăng cường giám sát các loại công cụ phái sinh.
Hiện tại, đang có rất nhiều dự luật chống đầu cơ đang được đệ trình lên Quốc hội Mỹ. Động thái đề xuất quy định giám sát mới của CFTC cho thấy sự ủng hộ của các nhà làm luật Mỹ, nhất là bên phía đảng Dân chủ, đối với việc chống đầu cơ.
“Thật dễ chịu khi thấy rằng chính quyền của Tổng tống Obama không định khoanh tay đứng nhìn khi giá dầu vượt 70 USD/thùng giữa lúc nguồn cung thừa mứa và nhu cầu thấp”, Thượng nghị sỹ Cộng hòa Carl Levin của bang Michigan nói.
Nhà phân tích Phil Flynn thuộc hãng nghiên cứu PFGBEST Research có trụ sở ở Chicago nhận định, ông Chủ tịch CTFC đang chịu các áp lực chính trị, và việc hạn chế lượng hàng hóa mà các nhà giao dịch nắm giữ sẽ chẳng đem lại hiệu quả gì, trừ phi các nhà giao dịch bị hạn chế trên phạm vi toàn thế giới. “Tôi không cho rằng hoạt động đầu cơ là nguyên nhân khiến giá dầu tăng lên 147 USD/thùng, hay giảm xuống 37 USD/thùng”, ông Flynn nói.
Nhiều khả năng, những quy định giám sát đầu cơ mới sẽ được các nhà đầu tư thị trường hàng hóa tại Mỹ hoan nghênh, vì những quy định này có thể kiềm chế hoạt động đầu cơ vốn bị xem là dẫn tới những biến động quá mạnh về giá hàng hóa, trong đó có dầu lửa, trong năm qua.
Tuy nhiên, nhiều người cũng lo ngại rằng, các quy định mới của CFTC sẽ quá cứng rắn và tác động xấu tới tất các nhà đầu tư, làm tính thanh khoản của thị trường bị sụt giảm.
“Theo tôi, CFTC nên thận trọng và cần nhớ rằng, các nhà đầu cơ là một phần quan trọng của thị trường dầu lửa. Xét cho cùng, sàn giao dịch được tạo ra bởi một nhóm người có hàng hóa đem bán và các nhà đầu cơ”, ông Jack Scoville, một nhà phân tích của công ty The Price Group nói.
Trên thực tế, không chỉ các nhà đầu tư tài chính mới thực hiện đầu cơ dầu để kiếm lời, mà các công ty khác - chẳng hạn các hãng hàng không - cũng thực hiện công việc này để đề phòng sự gia tăng của giá nhiên liệu.
“Nếu không có các nhà đầu cơ đem đến thanh khoản cho thị trường, thị trường sẽ không thể vận hành trơn tru, và người tiêu dùng thậm chí có thể phải chịu những mức giá cao hơn”, ông Mike Fitzpatrick, Phó chủ tịch công ty MF Global, nói.
MAI PHƯƠNG (Theo Reuters, BBC)
TBKTVN
|