Thứ Sáu, 03/07/2009 15:13

Độc quyền quốc doanh: Cần một đạo luật

“Việc tăng giá trong những lĩnh vực nhà nước độc quyền như xăng, điện... nhằm đảm bảo cho hoạt động kinh doanh không bị thua lỗ, bình thường đã khó chấp nhận, lại càng trái ngược với tính chất, mục tiêu của một công ty độc quyền nhà nước”, GS.TS. Nguyễn Vân Nam, Giám đốc Công ty Luật Nam Hùng đã nói như vậy khi đề xuất nên có một đạo luật quy định rõ ràng về loại hình doanh nghiệp đặc biệt này.

Sau thế chiến thứ hai và cho đến hiện nay, tại nhiều quốc gia phát triển bên cạnh khu vực kinh tế chủ yếu là tư nhân vẫn tồn tại hình thức công ty độc quyền nhà nước. Tuy nhiên, so với những doanh nghiệp bình thường thì việc hình thành và địa vị pháp lý của các công ty này có sự khác nhau rất cơ bản.Mục tiêu của doanh nghiệp bao giờ cũng vậy, là hướng đến lợi nhuận.

Nếu không vì mục tiêu này thì doanh nghiệp không có lý do gì để tồn tại và phát triển. Thế nhưng, với các công ty độc quyền được nhà nước lập nên, mục tiêu cơ bản là nhằm hoàn thành nhiệm vụ công ích thay mặt cho nhà nước.

Nói cụ thể hơn, là bảo đảm cung cấp các dịch vụ, hàng hóa thiết yếu để duy trì mức sống ổn định tối thiểu của người dân và hoạt động bình thường của toàn xã hội. Đây chính là điểm khác biệt cơ bản giữa một công ty độc quyền nhà nước với một doanh nghiệp bình thường. Câu hỏi đặt ra là vậy thì tại sao và cơ sở pháp lý nào cho phép nhà nước độc quyền làm chuyện đó?

Ai cũng biết rằng một trong những đặc điểm của nền kinh tế thị trường là quyền tự do kinh doanh của người dân luôn được bảo đảm. Tuy nhiên, không phải bất cứ lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh nào cũng đủ hấp dẫn để có thể thu hút tư nhân tham gia và cũng không phải bất cứ sự tham gia nào của tư nhân đều tốt cả. Ví dụ, có những lĩnh vực, ngành nghề tư nhân không muốn tham gia vì nếu đầu tư vào thì khả năng sinh lợi rất thấp, hoặc họ không có khả năng.

Trong giai đoạn đầu phát triển kinh tế, giá thành sản xuất trong một số lĩnh vực thiết yếu cho đời sống lại rất cao so với sức mua, vượt quá sức chịu đựng của người dân. Hay nói cách khác, thị trường tự do trong trường hợp này không đáp ứng nổi nhu cầu cơ bản tối thiểu của người dân, có thể làm nảy sinh các vấn đề gây xáo trộn xã hội. Đó là lúc thị trường bất lực trước các vấn đề xã hội.

Một mặt, vì nhà nước có nhiệm vụ bảo đảm mức sống ổn định tối thiểu cho người dân, mặt khác nhà nước phải can thiệp ở nơi và khi thị trường bất lực, nên nhà nước phải thiết lập các công ty độc quyền (và cũng chính là để hoàn thành nhiệm vụ của nhà nước mà các công ty này mới được độc quyền). Với ý nghĩa trên, ở nhiều quốc gia Tây Âu như Anh, Pháp, Đức... hiện nay nhà nước vẫn nắm giữ độc quyền kinh doanh trong một số lĩnh vực như điện, nước, giao thông công cộng, khí đốt...

Xin lưu ý thêm là khái niệm “thị trường bất lực” có thể được nhìn nhận dưới nhiều quan điểm khác nhau, tùy theo mục tiêu, nhiệm vụ của từng nhà nước. Chẳng hạn, ở Đức xổ số kiến thiết và dịch vụ cá độ thuộc những ngành nghề do nhà nước độc quyền vì nhà nước không muốn khuyến khích thói máu me cờ bạc của người dân, đặc biệt là đối với tầng lớp thanh thiếu niên (nếu để cho tư nhân tham gia thì vì mục tiêu lợi nhuận, hoạt động này sẽ được khuyếch trương, phát triển, do đó sẽ cản trở mục tiêu hạn chế của nhà nước).

Mới đây, tại Đức, công ty xổ số nhà nước bị thua kiện khi kiện một công ty cá cược nước ngoài cạnh tranh không lành mạnh ảnh hưởng đến doanh thu của công ty này. Tòa án tối cao liên bang nhận định rằng không thể áp dụng luật cạnh tranh không lành mạnh vì mục tiêu của công ty độc quyền nhà nước không thể là lợi nhuận.

Với nhiệm vụ nhà nước trao cho, các mặt hàng, dịch vụ do các công ty độc quyền nhà nước cung cấp luôn luôn phải đảm bảo sự ổn định về giá cả và phù hợp với sức mua của người dân.

Ở Đức, giá vé đi xe buýt hàng chục năm nay hầu như không thay đổi cho dù có lúc sốt giá xăng dầu trên thế giới và mỗi năm nhà nước phải bù lỗ khoảng 2 tỉ euro cho hoạt động giao thông công cộng ở thủ đô Berlin. Các công ty độc quyền không bao giờ được phép tùy tiện tăng giá, kể cả khi thị trường biến động, giá thế giới tăng hay viện cớ doanh nghiệp bị lỗ, giảm nguồn thu ngân sách. Nếu có tăng thì chỉ được phép tăng với điều kiện phải phù hợp với khả năng và sức mua tăng lên của người dân.

Mặt khác, cần lưu ý rằng công ty độc quyền nhà nước vì được lập lên để thực thi nhiệm vụ của nhà nước nên hoạt động của nó phải được xem như một hình thức hoạt động quản lý của nhà nước. Để ngăn ngừa tác động tiêu cực của hoạt động này lên quyền công dân, các công ty độc quyền phải được đặt trong sự kiểm soát chặt chẽ bởi tòa án.

Hay nói một cách cụ thể, khi công ty độc quyền nhà nước có những hành vi sai trái, ví dụ như tùy tiện tăng giá, thì người dân có quyền khởi kiện lên tòa án hành chính với tư cách công dân khởi kiện một vụ án hành chính nhằm yêu cầu chấm dứt hành vi đó.

Ở Việt Nam, hoạt động của các công ty độc quyền nhà nước còn nhiều vấn đề phải xem xét. Việc Nhà nước bảo đảm cho các công ty này luôn có lãi, chẳng hạn như gần đây cho phép các công ty kinh doanh xăng dầu tăng giá xăng vì lý do giá thế giới tăng, nếu với một doanh nghiệp bình thường đã là chuyện nghịch lý, lại càng trái ngược với tính chất, mục tiêu của một công ty độc quyền nhà nước.

Nhà nước không thể buộc người dân phải chịu thiệt khi bắt trả thêm tiền để cho các công ty nhà nước vừa được độc quyền kinh doanh, vừa được Nhà nước bảo đảm không bị thua lỗ và trở thành chỉ là công cụ tăng nguồn thu ngân sách. Cần thiết phải có một đạo luật quy định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ của loại hình doanh nghiệp này.

 

Công ty độc quyền nhà nước

Doanh nghiệp

Cơ sở pháp lý hình thành

Nhà nước có trách nhiệm can thiệp vào hoạt động thị trường khi và ở nơi mà thị trường tỏ ra bất lực trong việc bảo đảm các nhu cầu thiết yếu của người dân

Quyền tự do kinh doanh được Hiến pháp bảo đảm

Mục tiêu hoạt động

Hoàn thành nhiệm vụ công ích mà Nhà nước có trách nhiệm thực hiện

Vì lợi nhuận, vì quyền lợi của chính mình

Cách thức hoạt động

Theo cách thức thích hợp để đạt được mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ công ích và được quy định bởi luật về hoạt động, các hình thức hoạt động kinh doanh của công ty độc quyền nhà nước

Theo cách thức tùy ý của người lãnh đạo doanh nghiệp

Mức độ kiểm soát

Hoạt động kinh doanh phải được tòa án dân sự và cả tòa án hành chính kiểm soát

Tự do hoạt động kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật chung. Tòa án hành chính không có thẩm quyền kiểm soát hoạt động kinh doanh của doanh

Nguyên Tấn

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   Hợp tác kiểu “độc quyền”! (03/07/2009)

>   Bất ổn mía đường (03/07/2009)

>   Căn hộ: Ít “sóng” để lướt (03/07/2009)

>   Kinh doanh cà phê lỗ: do mạnh ai nấy làm (03/07/2009)

>   Nhà ở xã hội: Không chắc có người mua (03/07/2009)

>   Giá nhà đất bị "đẩy" lên cao: Coi chừng bẫy giăng (03/07/2009)

>   Một số hướng dẫn mới về đầu tư nhà ở xã hội (03/07/2009)

>   Quy hoạch sản xuất xi măng: Thừa hay thiếu? (03/07/2009)

>   Kiến nghị giảm 20% giá điện cao điểm sáng (03/07/2009)

>   Dăk Lăk: Doanh nghiệp không mua được cà phê để xuất khẩu (03/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật