Thứ Sáu, 03/07/2009 13:37

Quy hoạch sản xuất xi măng: Thừa hay thiếu?

Tình trạng tồn kho xi măng không phải mới xuất hiện do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới như biện minh của một số nhà quản lý, mà có nguyên nhân sâu xa là do “phong trào” phát triển ồ ạt các nhà máy xi măng

Từ đầu năm đến nay, ngành xi măng nước ta đạt tốc độ tăng trưởng hơn 12% bất chấp những khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế. Tốc độ tiêu thụ sản phẩm xi măng cũng tăng nhanh so với dịp cuối năm ngoái do thị trường vật liệu xây dựng đang ấm dần lên.

Tuy nhiên, tồn kho xi măng trong toàn xã hội vẫn còn khá lớn, và dự báo mức tồn kho này cũng sẽ giảm rất chậm do dù sức mua có tăng lên. Tại sao có tình trạng này, và khắc phục bằng cách nào là những câu hỏi đang đặt ra cho công tác quản lý quy hoạch sản xuất xi măng ở nước ta.

Tình trạng tồn kho xi măng không phải mới xuất hiện gần đây do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới như biện minh của một số nhà quản lý, mà có nguyên nhân sâu xa do phong trào phát triển ồ ạt các nhà máy xi măng từ 2, 3 năm trước đây.

Phá vỡ quy hoạch

Cách đây 2 năm, Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam do Bộ Xây dựng thiết kế cho thấy tổng công suất các nhà máy sản xuất xi măng đã, đang và sẽ hoạt động trong toàn xã hội đến năm 2010 đã đạt 60 triệu tấn/năm. Trong khi đó, dự báo nhu cầu tiêu thụ xi măng trong giai đoạn  này chỉ là 40 đến 45 triệu tấn/ 1 năm. Thế nhưng đến nay những tính toán của Quy hoạch này cũng đã bị phá vỡ.

Mặc dù, Bộ Xây dựng đã đưa ra những cảnh báo hết sức rõ ràng về nguy cơ thừa xi măng để các địa phương cân nhắc khi phê duyệt các dự án đầu tư xi măng, thế nhưng, tốc độ ra đời các dự án xi măng không hề chậm lại. Chỉ trong 2 năm từ 2007 đến 2009 đã có khoảng 40 nhà máy xi măng lớn nhỏ được khởi công xây dựng trong toàn quốc, hàng chục nhà máy xi măng lò đứng theo công nghệ Trung Quốc trước đây được chuyển đổi sang công nghệ lò quay với công suất tăng lên gấp đôi.

Đặc biệt một số địa phương đã phê duyệt ồ ạt các dự án đầu tư sản xuất xi măng mà không tính đến việc môi trường bị tàn phá, cảnh quan bị xâm hại. Điển hình là các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, chỉ riêng khu vực dọc quốc lộ 1, từ Phủ Lý đến Vinh đã có tới 11 nhà máy xi măng với tổng công suất thiết kế lên đến 23 triệu tấn/ năm.

Trong khi đó, các nhà máy xi măng lớn thuộc Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam đã quen thuộc tên tuổi với người tiêu dùng và đang chiếm vị trí thống lĩnh trên thị trường như Hoàng Thạch, Bỉm Sơn, Bút Sơn, Hoàng Mai, Nghi Sơn, Phước Sơn, Hà Tiên I, Hà Tiên II… đều đang hoặc sẽ xây dựng thêm dây chuyền mới, nâng công suất của các nhà máy này lên gần gấp đôi công suất thiết kế.

Chính vì sự phát triển không có kiểm soát này mà tồn kho xi măng càng nhiều, cho dù Chính phủ đã áp dụng nhiều biện pháp như giảm thuế, kiềm chế tăng giá xi măng để kích cầu tiêu thụ, nhưng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng xi măng nằm kho.

Điều đáng nói là, mặc dù tình hình thị trường trong nước không thiếu xi măng, nhưng vẫn có những doanh nghiệp nhập khẩu clinker và xi măng đóng bao từ nước ngoài, với lý do là xi măng nhập ngoại rẻ hơn xi măng sản xuất trong nước. Đây là một nghịch lý mà nếu không giải quyết được sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trong nước.

Đâu là lối ra?

Để góp phần giải bài toán khó này, Tổng Công ty công nghiệp xi măng Việt Nam VICEM đã nỗ lực tìm thị trường ở các nước láng giềng như Trung Quốc, Lào, Campuchia để xuất khẩu xi măng. Trong tháng 6 vừa qua, công ty xi măng Hoàng Thạch đã xuất được lô hàng đầu tiên sang Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch là một tín hiệu vui cho hướng ra này.

VICEM cũng tích cực thiết kế lại hệ thống phân phối, phân bổ hợp lý hơn hệ thống trạm nghiền để tối ưu hóa kênh phân phối, không để xảy ra cảnh nơi thì thừa xi măng, nơi thì thiếu hàng, dẫn đến sốt nóng. Thế nhưng, dù sao VICEM cũng chỉ chiếm hơn 40% thị phần, nên cho dù các động thái của VICEM có thể ảnh hưởng tích cực đến thị trường nhưng cũng khó có thể xoay chuyển tình thế nếu xảy ra khủng hoảng thừa xi măng một khi các nhà máy mới đi vào sản xuất và đạt đỉnh công suất vào năm 2015.

Đáng lo ngại hơn nữa, là đến nay, tổng công suất các dự án xi măng mới được phê duyệt đầu tư trong cả nước đã lên đến 115 triệu tấn/ 1 năm, chưa kể hàng chục dự án còn nằm chờ phê duyệt.

Có thể nói, thực trạng hiện nay cho thấy “cây gậy chỉ huy” của Bộ Xây dựng trong việc quản lý phát triển công nghiệp sản xuất xi măng vẫn còn yếu ớt, ít hiệu lực. Nguyên nhân là thực quyền điều hành và quyết định phê duyệt dự án mới vẫn chưa được trao cho Bộ quản lý chuyên ngành này. Do đó, việc phát triển các dự án đầu tư sản xuất xi măng không theo quy hoạch đã gây nên hậu quả nhìn thấy được và cũng báo hiệu một tương lai không lạc quan cho ngành sản xuất xi măng, nếu không có lời giải cho bài toán khủng hoảng thừa xi măng. Một số dự án như làm đường cao tốc, đường tuần tra biên giới, đê biển bằng xi măng có thể là hướng ra cho bài toán khó giải này, nhưng vướng mắc lớn nhất vẫn là vấn đề vốn.

Để cho ngành sản xuất xi măng phát triển một cách vững chắc thì yêu cầu đầu tiên của ngành cần nắm vững kế hoạch xây dựng của ngành Xây dựng, từ đó xây dựng kế hoạch sản xuất, tiêu thụ của mình theo chỉ số dung sai 30 – 40% so với nhu cầu của ngành./.

Thu Liên

VOV

Các tin tức khác

>   Kiến nghị giảm 20% giá điện cao điểm sáng (03/07/2009)

>   Dăk Lăk: Doanh nghiệp không mua được cà phê để xuất khẩu (03/07/2009)

>   "Nóng bỏng" thị trường chung cư cũ ở Hà Nội (03/07/2009)

>   Doanh nghiệp vận tải sẽ điều chỉnh giá cước (03/07/2009)

>   Bất động sản đứt đà tăng giá! (03/07/2009)

>   Chỉ số IIP và thực chất sản xuất công nghiệp 6 tháng qua (03/07/2009)

>   Giao thương với Campuchia: Có thể đạt 2 tỷ USD ngay trong năm 2009? (03/07/2009)

>   Chuyển đổi trên 5 hécta đất lúa phải báo cáo Thủ tướng (03/07/2009)

>   Giải pháp cho cà phê (03/07/2009)

>   Mặt bằng giá hàng hóa tăng theo xăng dầu (03/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật