Doanh nghiệp vận tải sẽ điều chỉnh giá cước
Chiều ngày 2.7, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô VN và Hiệp hội Taxi Hà Nội đã khẳng định như vậy. Tuy nhiên, hiệp hội này cũng khuyến cáo các DN không được "té nước theo mưa" móc túi người tiêu dùng.
Điều chỉnh giá cước từ 5-15%
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô VN - khẳng định, các DN sẽ phải điều chỉnh giá cước vì trong vòng 4 tháng qua, giá xăng đã tăng đến 30% và giá dầu diesel tăng hơn 20%. Thông thường, giá nhiên liệu chiếm 50% giá thành vận tải, như vậy các DN có thể điều chỉnh giá cước trong vòng 10-15%.
Tuy nhiên cho đến thời điểm này, hiệp hội chưa nhận được đề nghị điều chỉnh giá của đơn vị nào. Chiều 2.7, ông Nguyễn Tất Thành - Giám đốc Xí nghiệp quản lý bến xe khách Phía Nam của Hà Nội - cũng cho biết, hiện chưa có DN vận tải khách nào thông báo điều chỉnh giá cước.
Theo ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội: Các DN taxi cũng đang tính toán điều chỉnh giá. Trong tháng 6, một số hãng đã điều chỉnh 500 đồng/km. Đợt điều chỉnh này các hãng có thể thực hiện theo 3 mức từ 5-7% ; từ 7-10% và từ 10-12%. Mức điều chỉnh này cũng phù hợp với giá xăng tăng và nếu DN nào đã điều chỉnh thì sẽ điều chỉnh ở mức thấp hơn.
Ông Bình cũng cho biết sở dĩ trong 4 tháng qua dù giá xăng đã tăng đến 2.700 đồng /lít (gần 30%), song mới chỉ có một số hãng điều chỉnh khoảng 500 đồng/km, vì nhiều hãng cũng nghe ngóng sợ giá xăng sẽ điều chỉnh xuống thì lại mất một lần điều chỉnh, khá tốn kém. Do vậy, sau 4 tháng giá xăng liên tục điều chỉnh lên mà không xuống thì chắc chắn đợt này, đa số DN taxi sẽ điều chỉnh cước.
DN phải tuân thủ quy định về quản lý giá
Mặc dù việc điều chỉnh giá cước để bù đắp giá xăng dầu tăng của các DN vận tải là hợp lý, song Hiệp hội Vận tải ôtô cũng khuyến cáo các DN chỉ nên điều chỉnh giá cước vừa đủ bù giá xăng dầu tăng mà không được tăng quá mức để kiếm lợi nhuận, thiếu sòng phẳng và móc túi khách hàng.
Hiệp hội cũng khuyến cáo các DN vận tải khách khi điều chỉnh giá cước nên thăm dò thị trường, vì nếu tăng giá cước bất hợp lý sẽ khiến thị trường thu hẹp, năng lực vận tải bị lãng phí thì hiệu quả có thể giảm sút hơn cả so với không tăng cước.
Ngoài ra, các DN vận tải hàng hoá nên tìm hàng hai chiều, DN taxi nên điều vận xe hợp lý, tránh vòng vo giảm thời lượng xe rỗng để tiết kiệm chi phí, thay vì tăng giá cước quá cao...
Ông Hùng cũng cho biết, đã yêu cầu các DN khi điều chỉnh giá phải tuân thủ quy định theo thông tư 86 của liên bộ GTVT - Tài chính. Khi điều chỉnh giá, DN vận tải phải trình phương án báo cáo với các cơ quan quản lý địa phương và niêm yết giá công khai trước ngày điều chỉnh cho hành khách được biết.
Tăng giá xăng dầu không tuân thủ quy định của Bộ Tài chính
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng nêu bức xúc khi nhận thấy các DN kinh doanh xăng dầu đã tăng giá xăng dầu vượt quá ngưỡng quy định của Bộ Tài chính tại hướng dẫn của bộ này về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Theo đó, mỗi lần tăng không quá 500 đồng/lít xăng dầu.
Tuy nhiên, ngày 1.7 đã tăng giá xăng 700 đồng/lít và dầu diesel 600 đồng/lít. Theo ông Hùng, các DN kinh doanh xăng dầu đã vi phạm quy định này mà không thấy cơ quan quản lý "thổi còi".
Bích Liên
Lao Động
|