Mặt bằng giá hàng hóa tăng theo xăng dầu
Sau khi xăng dầu tăng giá kể từ ngày 1/7, giá nhiều loại hàng hóa thiết yếu đã nhanh chóng tăng theo.
Ngay trong ngày 1/7, các đại lý kinh doanh gas ở Thành phố Hồ Chí Minh đồng loạt tăng giá với mức trung bình 24.000 đồng cho loại bình 12kg.
Khảo sát một vòng các chợ, trung tâm buôn bán cũng cho thấy hàng loạt mặt hàng thực phẩm tươi sống, vật liệu xây dựng, vận chuyển đều đã được tăng giá, có loại tăng đến hơn 10%.
Tại chợ đầu mối bán sỉ thịt gia súc, gia cầm Phạm Văn Hai, giá bán thịt lợn đã tăng thêm từ 2.000-4.000 đồng/kg so với thời điểm cách đây hơn nửa tháng.
Tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, các tiểu thương cho biết, giá nhiều loại rau củ đã được điều chỉnh tăng thêm 500-1.500 đồng/kg tùy loại. Giá tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến mãi lực. Hiện lượng thực phẩm về chợ chỉ còn 2,5-3,3 tấn/đêm, giảm khoảng gần 100-200kg so với trước đây.
Do chi phí vận chuyển tăng, nhiều doanh nghiệp đang lo đầu ra sản phẩm cũng tăng theo. Anh Lâm Hiền Phước - Giám đốc Công ty TNHH Phát Niên Giám - lo lắng: “Hiện chi phí vận chuyển đang tăng từ 5-8% so với thời gian cách đây 1 tháng đã đẩy giá nguyên vật liệu phục vụ cho việc sản xuất tăng theo. Điều chúng tôi lo là giá tăng sẽ làm giảm sức mua của người tiêu dùng”.
Khảo sát tại các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận chuyển cho thấy, giá vận chuyển đã tăng thêm từ 50.000-100.000 đồng cho chuyến xe tải có khoảng cách hơn 100km. Nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng như gạch ống loại thường tăng thêm khoảng 50 đồng/viên; đá trộn bê tông tăng thêm 29.000 đồng/m³.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc xăng dầu tăng giá từ ngày 1/7 sẽ tác động bất lợi đến mặt bằng giá cả, vốn đã có xu hướng tăng lên.
Theo một chuyên gia, nếu giá xăng, dầu tiếp tục tăng cao như trong thời gian gần đây sẽ tạo thách thức cho mục tiêu giữ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng một con số trong năm nay. Sở dĩ như vậy là do xăng, dầu là nguyên liệu đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất, nên chắc chắn khi giá tăng sẽ làm đội giá thành các sản phẩm. Điều này cộng thêm yếu tố tâm lý sẽ làm cho mặt bằng giá tăng. Trong khi nền kinh tế chưa thực sự “khỏi ốm”, lại gặp “dịch” tăng giá thì dễ gây ra những phản ứng không tích cực.
Đồng ý với quan điểm trên, chuyên gia tài chính Ngô Trí Long đề xuất cơ quan chức năng giám sát chặt các yếu tố hình thành giá của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, đi liền với tăng cường kiểm soát thị trường, để hạn chế tác động không tích cực của việc tăng giá xăng, dầu lên mặt bằng giá.
Theo chuyên gia này, nên tiến hành kiểm toán các doanh nghiệp để làm rõ lỗ, lãi, từ đó có cơ sở xác định mỗi lần doanh nghiệp đề nghị tăng, giảm giá có phù hợp không, có lợi cho nền kinh tế không. Đây là điều kiện quan trọng để giúp cho việc điều hành giá xăng, dầu hiệu quả hơn.
vietnam +
|