Thứ Sáu, 03/07/2009 08:21

Thị trường thép: Câu chuyện... “truyền thống”

Hiệp hội Thép VN (VSA) đã khẳng định và diễn biến thực tế thị trường thép thế giới, trong nước đang vận động theo hướng tăng giá. Và đó không là chuyện mới, dù luôn là vấn đề thời sự.

Hồi phục kèm tăng giá !

Giai đoạn khó khăn của ngành thép đang qua dần khi hiệu quả những biện pháp kích cầu bộc lộ. Bắt đầu từ tháng 4/2009, tiêu thụ thép tăng trở lại. Đến thời điểm này tổng tiêu thụ thép 6 tháng đầu năm 2009 đã gần cân bằng với lượng tiêu thụ của 6 tháng đầu năm 2008 (2,2 triệu tấn). Ngoài ra, lượng thép tồn kho cũng giảm mạnh, sản xuất tại các NM phần nào đã hồi phục. VSA dự báo, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của cả nước trong năm 2009 có thể sẽ đạt 4,6 triệu tấn, nếu nhu cầu xây dựng tiếp tục tăng trong những tháng tới. Mức 4,6 triệu tấn này là cao hơn khoảng 3% so với mức tiêu thụ của năm 2008.

Theo thông tin từ VSA, 6 tháng đầu năm 2009, VN đã nhập trên 200.000 tấn thép cuộn xây dựng. Trên 70% khối lượng thép đó có nguồn gốc xuất xứ từ các nước ASEAN – các nước có quy ước ưu đãi thuế quan 0% với VN nếu chứng minh được hai yêu cầu chính: tự sản xuất phôi để cán ra thép thành phẩm, hoặc có tỷ lệ nội địa hóa trên 40%. Thép cuộn nhập khẩu từ các nước ASEAN với giá dao động từ 9,9 – 10,2 triệu VND/tấn. Trong khi đó thì giá thép tại xưởng của các nhà sản xuất trong nước, chưa tính thuế, dao động trong mức 10,3 - 10,8 triệu VND/tấn.

Thép nhập khẩu bán chạy hơn thép sản xuất trong nước (vì giá thấp hơn) là điều có thể nhìn thấy rõ. Điều đó làm các nhà sản xuất thép trong nước lo ngại. VSA đã có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa trong giám sát nguồn gốc xuất xứ thép cuộn nhập khẩu. Đồng thời khuyến cáo DN sản xuất trong nước không nên tăng giá bán thép. Tuy nhiên, thực tế là lượng thép nhập khẩu này chỉ chiếm chưa tới 10% tổng lượng tiêu thụ thép xây dựng trong nước 6 tháng đầu năm 2009. Do vậy, tác động của lượng thép này tới thị trường dường như sẽ là... tích cực, hơn là tiêu cực. Vì thép nhập khẩu có giá rẻ hơn sẽ đóng vai trò kiềm chế việc tăng giá thép một cách bất hợp lý của nhà sản xuất, hoặc một nhóm nhà sản xuất khác.

Giá thép thành phẩm nhập khẩu đang chênh lệch lớn với giá với sản phẩm cùng loại sản xuất trong nước là một thực tế. Nhưng trên thị trường, giá bán lẻ thép cuộn cũng có mức chênh lệch cực lớn với giá của nhà sản xuất. Hiện, giá thép cuộn bán lẻ tại phía Bắc đang trong khoảng 11,2 - 11,5 triệu VND/tấn. Đó là chưa tính tới chênh lệch giá giữa giá nhập khẩu và giá bán lẻ thép. Sự chênh này được nhà sản xuất giải thích là do các đại lý sắt thép đã tự ý tăng giá bán. Các đại lý này lại giải thích là giá xăng dầu và nhiều mặt hàng khác cũng đã tăng nên giá thép phải tăng theo để bù vào chi phí. Cần nói rõ, việc các đại lý tự ý tăng giá bán là vi phạm hợp đồng, cam kết đã ký với nhà sản xuất. Và thực ra, việc giám sát, quản lý giá bán thép của các DN là hoàn toàn có thể thực hiện được. Vấn đề chỉ là ở chỗ, DN sản xuất có thực sự muốn quản lý giá thép hay không mà thôi. Và vì thế, ám ảnh về một đợt tăng giá thép mới đã bắt đầu quay trở lại với người tiêu dùng VN.

Thả nổi, hay... kệ ?

Biến động giá thép là biểu hiện thị trường bình thường của một loại hàng hóa bình thường. Biến động này chỉ bất bình thường nếu nó là kết quả của hoạt động thao túng giá do một hoặc một nhóm người thực hiện. Với thị trường thép trong nước, từ lâu nay người tiêu dùng vẫn băn khoăn trước câu hỏi: giá thép, thị trường thép có bị thao túng ?

Còn nhớ, giai đoạn khó khăn cuối năm 2008, thị trường thép rớt giá ở mức độ lớn đã đẩy nhiều DN vào cảnh khó khăn, nhiều DN đã ngấp nghé bờ vực phá sản. Thời điểm này, VSA, các DN và nhiều cơ quan khác đã phải đề nghị có biện pháp hỗ trợ khẩn cấp theo hướng dãn, hoãn... nợ, đồng thời tiếp tục cho DN vay vốn duy trì sản xuất. Thậm chí đề nghị lập quỹ bình ổn thép cũng đã được đưa ra, được tính tới. Những đề nghị này đã nhận được sự ủng hộ của khá nhiều cơ quan chức năng, cũng như nhà cung ứng vốn. Thực tế là khá nhiều DN đã được hoãn, dãn nợ để tồn tại được qua giai đoạn khủng hoảng. Còn tại thời điểm hiện nay, hoạt động cho vay với sản xuất thép đã trở lại bình thường.

Nhưng, có một đề nghị của hơn chục nhà sản xuất, trong đó có nhiều thành viên của VSA, lại bị phản ứng dữ dội từ dư luận xã hội và các cơ quan chức năng. Đó là đề nghị các DN sản xuất thép cùng nhau nhất trí, không giảm giá thép hơn nữa. Và điều này cho thấy dư luận xã hội, các cơ quan chức năng đang rất “cảnh giác” với khả năng liên kết để điều khiển thị trường của các DN ngành thép. “Cảnh giác” thế, nhưng thực tế thị trường lại cho thấy khả năng thép bị “làm giá” là hoàn toàn có thể xảy ra, đặc biệt trong trường hợp nhu cầu thép đang có xu hướng tăng như thời điểm hiện tại. Ví dụ cụ thể là trường hợp các đại lý đã tự ý tăng giá bán thép, cũng như việc trong nhiều thời điểm, giá thép thế giới đã giảm nhưng giá thép trong nước không giảm theo. Và dù đã tự chủ được tới 60% lượng phôi thép cho sản xuất thép thành phẩm, thì giá thép trong nước vẫn cao hơn giá thép nhập khẩu. Ở đây không thể lấy lý do thép nước ngoài bán phá giá, hay được trợ giá qua hình thức hoàn thuế để giải thích cho việc giá thép trong nước cao hơn giá thép nhập khẩu. Thép sản xuất trong nước có lợi thế riêng về nhân công, về chi phí sản xuất, về vận chuyển... và thép nhập khẩu cũng có hạn chế riêng về các loại chi phí vận tải, thuế... Trong khi đó thì với những quy định quản lý sản xuất hiện hành, việc xác định rõ ràng, chính xác chi phí sản xuất của DN - cơ sở để khẳng định giá thép trong nước sản xuất có hợp lý, hay không hợp lý - là điều không thể thực hiện được.

Nhìn từ đây sẽ thấy, sự can thiệp của Nhà nước đối với thị trường thép vẫn là yêu cầu có tính thiết thực. Quản lý của Nhà nước không nên chỉ diễn ra trong lĩnh vực quy hoạch phát triển và quản lý đầu tư, mà cần diễn ra (như đã từng diễn ra) một cách liên tục trong quản lý về giá bán.

Sự liên tục này sẽ cho phép hạn chế những sai lầm tai hại, có thể đầy DN sâu hơn vào khó khăn như quyết định tăng thuế xuất khẩu phôi trong năm 2008. Và ngược lại, cho phép dự báo trước những khả năng phát triển của thị trường, để từ đó có những biện pháp quản lý hiệu quả hơn. Khi bất cứ một khâu nào trong quá trình sản xuất, kinh doanh đều có thể tự ý điều chỉnh giá, thì có nghĩa là tính minh bạch trong hoạt động của DN, hiệu quả quản lý của Nhà nước đều không thể coi là tốt. Thị trường thép cũng không là ngoại lệ.

Quốc Dũng

DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP

Các tin tức khác

>   Chủ đầu tư nhiều dự án ở TPHCM hết vốn (03/07/2009)

>   Giao dịch BĐS qua sàn: Phải chấn chỉnh ! (03/07/2009)

>   Xuất khẩu da giày sang Pháp tăng 1,6% (03/07/2009)

>   Kích cầu từ những phiên chợ quê (03/07/2009)

>   Xuất khẩu dệt may sang Nhật Bản tăng 25% (03/07/2009)

>   Hàng Trung Quốc chiếm 70% vi phạm về thương mại (03/07/2009)

>   Giá nguyên liệu nhựa lại tăng (03/07/2009)

>   Hàng tiêu dùng sau 2 ngày xăng dầu tăng giá: Giảm lời, giữ giá (03/07/2009)

>   Sắp diễn ra đại hội hiệp hội doanh nhân Việt kiều (03/07/2009)

>   Hơn 2.300 tỷ đồng giúp ngư dân vươn khơi (03/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật