Hàng tiêu dùng sau 2 ngày xăng dầu tăng giá: Giảm lời, giữ giá
Chưa có doanh nghiệp (DN) nào đề nghị tăng giá bán hàng hóa tại các siêu thị. Đây là ghi nhận chung từ thị trường của PV Báo SGGP, sau khi giá xăng dầu tăng 700 đồng/lít kể từ ngày 1-7. Hiện tượng “té nước theo mưa” như dự báo đã không xảy ra sau 3 lần liên tiếp giá xăng dầu được điều chỉnh.
Theo bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, giá hàng hóa không “ăn theo” giá xăng dầu, trước hết là vì sức mua chung trên thị trường đang giảm khá mạnh. Riêng tại hệ thống Co.opMart, doanh thu 6 tháng đầu năm vẫn tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nếu loại trừ việc đưa vào hoạt động của các siêu thị mới thì con số này vẫn không bằng những năm trước.
Để duy trì được sức mua, Saigon Co.op cũng như các siêu thị khác đã chấp nhận việc giảm lãi thông qua việc khuyến mại giảm giá cho người tiêu dùng.
Ông Ngô Văn Hải, Phó Giám đốc siêu thị Citimart thừa nhận, từ đầu năm đến nay sức mua rất chậm, khiến doanh thu của Citimart giảm từ 15% - 20% so với cùng kỳ, tùy ngành hàng.
Giám đốc đối ngoại của hệ thống siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài cũng tuyên bố chắc nịch, trong trường hợp các nhà cung cấp đề nghị tăng giá vì không chịu nổi chi phí đầu vào đã tăng, chúng tôi thà chấp nhận giảm lãi chứ không thể điều chỉnh giá. Người tiêu dùng đang rất căn cơ trong việc chi tiêu, nếu chúng tôi nhích giá bán lên, chắc chắn họ sẽ quay lưng!
Chính vì lẽ đó mà các siêu thị phải bước vào “cuộc đua giảm giá” bằng nhiều cách theo hướng có lợi nhất cho người mua. Chấp nhận giảm lãi, thậm chí hòa vốn để duy trì doanh số cũng là điều chưa từng xảy ra trong lĩnh vực này.
Đối với các DN sản xuất, xăng dầu tăng giá đã buộc họ phải đứng trước bài toán tăng giá bán để bù các khoản chi phí phát sinh hoặc chấp nhận giảm lãi để đảm bảo lượng hàng bán ra không bị sụt giảm. Và để duy trì việc làm cho lao động, họ cũng đã chọn vế thứ 2!
Theo tính toán của một DN chế biến thực phẩm, nếu tính đúng, tính đủ thì các sản phẩm của họ phải tăng thêm 7% đối với các nhóm hàng. Tương tự, DN sản xuất hàng tiêu dùng cũng đang “thắt lưng buộc bụng” để kiềm chế giá sản phẩm, họ không thể tăng từ 7% - 10% như dự kiến.
Quay trở lại với sức mua, theo dự báo của giới kinh doanh, từ nay cho đến hết tháng 10-2009, sức mua sẽ tiếp tục ảm đạm vì đây là những tháng thấp điểm nhất trong năm. Nhiều khả năng sức mua tăng nhẹ vào cuối năm, với điều kiện kinh tế VN và thế giới sẽ dần hồi phục.
Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ ngành chức năng phải thực hiện tốt hơn nữa gói kích cầu đầu tư, hỗ trợ các DN sản xuất, kinh doanh đúng nơi, đúng chỗ, đặc biệt là gói kích cầu cho nông thôn nhằm đảm bảo công ăn việc làm.
Với những gì đã nói ở trên, khả năng tăng giá hàng hóa do tác động bởi giá xăng dầu rất khó xảy ra. Thế nhưng, việc giá hàng hóa có ổn định hay không, nếu chỉ trông chờ vào nỗ lực của các DN và nhà phân phối không thôi thì chưa đủ. Nó phụ thuộc rất nhiều vào chính sách vĩ mô cũng như các cơ quan chức năng.
Tăng cường giám sát giá hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu sẽ không bao giờ thừa trong thời điểm này.
Thủy Hải
Sài gòn giải phóng
|