Phản hồi từ Mead Johnson Vietnam về kết quả kiểm tra giá sữa
Ngày 1 tháng 7 năm 2009, tổng giám đốc Mead Johnson Nutrition Việt Nam, ông Mark Hely đã chính thức có thông tin phản hồi về kết quả kiểm tra giá sữa của đoàn kiểm tra liên ngành tại TPHCM liên quan đến Mead Johnson.
Ông này khẳng định: thông tin về giá và cách tính giá đối với các sản phẩm của Mead Johnson là sai lệch và không đúng thực tế. Hiện chi phí một ly sữa Mead Johnson đang cung cấp trẻ em Việt Nam có giá khỏang 16.000 đồng.
Theo đó, có một số vấn đề Mead Johnson cho rằng kết quả thanh tra đã không nêu chính xác. Cụ thể là số liệu lợi nhuận của công ty trong thông tin được nêu chưa đề cập đến các khoản mà công ty phải chi trả khi kinh doanh tại Việt nam như chi phí họat động, phí phân phối (nhà xưởng, vận chuyển, ..), chi phí quảng cáo và đặt biệt là các lọai thuế: thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, làm giảm đáng kể lợi nhuận.
Kế đến, thông tin về giá mua và giá bán được đem ra so sánh lấy ở 2 thời điểm cách nhau tới 10 tháng, hoặc chi phí của công ty đã tăng hơn 7% so với con số thể hiện trên báo cáo, vì tiền đồng liên tục bị mất giá so với đồng đô la. Cách tính toán sai lệch này đã phóng đại lợi nhuận công ty lên nhiều lần.
Ông Hely cho rằng các sản phẩm sữa Mead Johnson không phải là đắt nhất trong nhóm sản phẩm cao cấp trên thị trường. Ngay cả khi so sánh trong khu vực, giá bán một số sản phẩm Mead Johnson tại Việt Nam cũng ở khoảng trung bình, thậm chí thấp nhất, như sản phẩm Enfagrow 900g chẳng hạn.
Liên quan đến nội dung rằng chi phí quảng cáo của Mead Johnson cao vào khoảng 54% trên tổng chi phí cho họat động quảng cáo khuyến mại, ông Hely một lần nữa xác nhận rằng không chính xác.
Giải thích thêm vì sao “giá mua” của các sản phẩm Mead Johnson cao hơn các sản phẩm sản xuất trong nước, ông Hely cho biết: “công ty đầu tư rất đáng kể vào nghiên cứu và phát triển.”
Tuy phản bác các thông tin từ kết quả thanh tra liên ngành tại TPHCM về việc giá sữa Mead Johnson có loại cao hơn 245% so giá vốn và siêu lợi nhuận như thế là sai lệch và không đúng thực tế, nhưng đại diện cho Mead Johnson cũng không cho biết cụ thể tại sao giữa giá bán và giá nhập lại chênh lệch nhiều đến thế, cũng như cung cấp các số liệu cụ thể hơn về chi phí kinh doanh tại Việt Nam cao hơn nơi khác bao nhiêu phần trăm, và quan trọng hơn hết, nếu đã có lòng với trẻ em Việt Nam, tại sao nhà cung cấp này không tìm cách kéo giá sữa xuống thấp hơn nữa trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, người tiêu dùng đang phải thắt lưng buộc bụng như hiện nay.
M.T
Sài Gòn Tiếp Thị
|