Thứ Sáu, 03/07/2009 14:47

Bất ổn mía đường

Ngành mía đường đang đối mặt với nguy cơ bất ổn trong niên vụ mía 2009-2010 vì diện tích trồng mía đang giảm mạnh.

Khoảng 10 ngày trở lại đây, giá đường trong nước liên tục tăng. Giá bán lẻ 12.500 đồng- 13.500 đồng/kg, tùy loại (tăng hơn 2.000 đồng/kg so với tháng trước). Giá bán tại cửa hàng trưng bày sản phẩm của Tổng Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) loại vô bọc 12.500 đồng/kg, bán sỉ 12.000 đồng/kg; giá đường rời 11.650 đồng/kg, mua số lượng lớn 11.500 đồng/kg. Chị Lê Diệu Hiền, nhân viên cửa hàng, cho biết giá đường hiện tại đang nằm ở mức khá cao so với thời điểm thấp nhất chỉ 8.400 đồng/kg như trước đây.

Giá tăng mạnh vì hàng bị ém

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một trong những nguyên nhân khiến giá đường cát ở ĐBSCL tăng là do một số nhà máy đã ngưng hoạt động từ mấy tháng nay vì thiếu nguyên liệu trầm trọng. Điển hình là Casuco đã ngưng ép mía từ tháng 5- 2009 do hết vụ mía.

Dự kiến đến khoảng giữa tháng 9 năm nay, nhà máy mới hoạt động trở lại. Ngoài ra, một lý do nữa khiến giá đường trong nước tăng là do khoảng một tháng trở lại đây, đường cát trắng nhập lậu từ Thái Lan qua biên giới Tây Nam  giảm nên một số đơn vị sản xuất đường trong nước đã chủ động điều chỉnh giá tăng...

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HĐQT Casuco, cho biết hiện rơi vào cuối mùa vụ, nguyên liệu mía không còn nên các nhà máy không có nguyên liệu để sản xuất, phần lớn các công ty mía đường phía Nam đều đã tung hàng ra bán, trong kho đã “cạn”. Hiện chỉ còn lượng đường trong lưu thông là chính nên giới kinh doanh có điều kiện để làm giá.

Cũng theo ông Long, khu vực miền Nam đang thiếu hụt đường nhưng các công ty mía đường ở miền Trung, miền Bắc vẫn còn lượng hàng khá nhiều. Nguồn đường này cũng đang được vận chuyển vào Nam tiêu thụ. Theo giới kinh doanh, giá đường tăng cao còn do đang vào mùa làm bánh trung thu nên giới thương lái, cơ sở làm bánh gom hàng để trữ đẩy giá tăng lên.

Thông tin từ các đơn vị kinh doanh đường cho thấy trong tháng 8, tháng 9 tới vẫn có khả năng cung không đủ cầu nên giá sẽ còn tiếp tục tăng.

Khó khăn còn ở phía trước

Qua tìm hiểu của chúng tôi, ngành mía đường đang đối mặt với nguy cơ bất ổn trong niên vụ mía 2009-2010 vì diện tích trồng mía đang giảm mạnh. Theo thống kê của ngành nông nghiệp các tỉnh, thành ĐBSCL, niên vụ 2009-2010 hiện đã xuống giống khoảng 60.000 ha, giảm gần 10.000 ha so với những vụ mía trước đây.

Nhiều nông dân đã chuyển đất mía sang trồng lúa, đậu phộng, bắp... cho năng suất cao và bán được với giá có lãi hơn trồng mía. Tại Hậu Giang, niên vụ mía năm 2009- 2010, toàn tỉnh đã trồng được 12.979 ha, chỉ đạt 86,5% kế hoạch, giảm khoảng 2.000 ha so với vụ mía năm 2007 và 2008.

Một vài địa phương cố gắng duy trì việc trồng mía nhưng diện tích vẫn sụt giảm đáng kể. Tại huyện Phụng Hiệp, nơi được xem là vùng mía nguyên liệu lớn nhất của tỉnh Hậu Giang nhưng lại là vùng trũng, nước lũ về sớm, nông dân phải thường xuyên bán mía non để chạy lũ.

Vì thế hiệu quả trồng mía không cao khiến nông dân đang có tâm lý muốn bỏ mía để trồng lúa hoặc những cây màu ngắn ngày khác. Ông Trần Văn Chót, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, xác nhận diện tích mía trên địa bàn tỉnh đang giảm. Ngành nông nghiệp tỉnh đang có chủ trương duy trì diện tích trồng mía bằng cách áp dụng khoa học kỹ thuật, trồng giống mới, trồng xen cây khác kết hợp với nuôi cá trong mương liếp mía để tăng lợi nhuận cho nông dân trồng mía.

Nhập khẩu đường để bình ổn giá

Ông Võ Thành Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường VN, cho biết: Theo kế hoạch trong năm nay Chính phủ cho phép nhập khẩu 61.000 tấn đường để góp phần bình ổn thị trường. Hiện đã có trên 30.000 tấn đường nhập về, số còn lại sẽ được cân đối cho những tháng cuối năm. Cũng theo ông Đáng, đến tháng 9 tới mùa vụ mía mới bắt đầu thu hoạch, lúc này giá đường sẽ có khả năng “dịu” trở lại.

Lương Phúc - Nguyễn Hải

NGƯỜI LAO ĐỘNG

Các tin tức khác

>   Căn hộ: Ít “sóng” để lướt (03/07/2009)

>   Kinh doanh cà phê lỗ: do mạnh ai nấy làm (03/07/2009)

>   Nhà ở xã hội: Không chắc có người mua (03/07/2009)

>   Giá nhà đất bị "đẩy" lên cao: Coi chừng bẫy giăng (03/07/2009)

>   Một số hướng dẫn mới về đầu tư nhà ở xã hội (03/07/2009)

>   Quy hoạch sản xuất xi măng: Thừa hay thiếu? (03/07/2009)

>   Kiến nghị giảm 20% giá điện cao điểm sáng (03/07/2009)

>   Dăk Lăk: Doanh nghiệp không mua được cà phê để xuất khẩu (03/07/2009)

>   "Nóng bỏng" thị trường chung cư cũ ở Hà Nội (03/07/2009)

>   Doanh nghiệp vận tải sẽ điều chỉnh giá cước (03/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật