Xúc tiến thương mại thiết thực phục vụ doanh nghiệp
Trong bối cảnh hiện nay khi tình hình xuất khẩu gặp khó khăn, thị trường trong nước kém sôi động do giảm sức mua, thì công tác xúc tiến thương mại (XTTM) được nhắc đến nhiều như một biện pháp thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.
Năm 2009 là năm kinh phí XTTM đạt cao nhất từ trước đến nay với 172 tỷ đồng. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, do tình hình xuất khẩu gặp khó khăn, thị trường bị thu hẹp nên việc XTTM được triển khai mạnh trong năm nay.
Kích cầu thị trường trong nước
Ngay từ đầu năm nay, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu, trình các giải pháp để khuyến khích tiêu thụ nội địa, ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Tổng kinh phí cho gói kích cầu thị trường tiêu dùng nội địa dự kiến khoảng 52 tỷ đồng.
Bộ Công Thương đã xây dựng chương trình vận động người tiêu dùng ủng hộ doanh nghiệp (DN) Việt Nam và ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Chủ trương này là một cách để giúp DN trong nước tồn tại và phát triển. Theo các chuyên gia kinh tế, người tiêu dùng ủng hộ hàng Việt Nam trong bối cảnh hiện nay cũng là tự bảo vệ công ăn việc làm của chính mình trong lâu dài và là lợi ích thiết thực của chính họ.
Để thúc đẩy hoạt động bán hàng, Bộ Công Thương đã kết nối hệ thống phân phối trên toàn quốc để tổ chức Tuần bán hàng Việt Nam, Tháng bán hàng Việt Nam có thưởng, có khuyến mại... tạo thành một sự kiện chung có qui mô toàn quốc thay vì từng DN phải quảng cáo.
Khuyến mại cũng là một trong những giải pháp khuyến khích tiêu thụ nội địa mà Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Công Thương tiến hành. Chương trình khuyến mại tại các cửa hàng, siêu thị không còn chờ “vào mùa” như trước kia mà được tổ chức thường xuyên, liên tục, giúp khách hàng có cơ hội mua được sản phẩm giá rẻ, chất lượng.
Thị trường trong nước với 83% dân số sống ở nông thôn, qui mô thị trường 60% là ở nông thôn. "Chương trình bán hàng Việt về nông thôn" là khâu đột phá trong gói chương trình tổng thể về kích cầu tiêu dùng”, Bộ Công Thương khẳng định.
Chương trình này dự kiến được Ngân sách Nhà nước hỗ trợ khoảng 9 tỷ đồng, triển khai ngay từ tháng 3 và kéo dài hết năm 2010. Không chỉ nhằm kích cầu tiêu dùng cá nhân, chương trình còn nhằm mục tiêu xây dựng và liên kết các mạng lưới bán lẻ tại các chợ nông thôn vào kênh phân phối lâu dài của các DN Việt Nam, qua đó, tạo nên thị hiếu gắn bó với hàng Việt Nam.
Cùng với đó, Bộ cũng có chủ trương đẩy mạnh bán hàng về các khu công nghiệp. Nhu cầu ở đây là khá lớn với hàng triệu lao động trẻ đang sống tập trung. Chủ trương này sẽ làm thay đổi nhận thức của cộng đồng DN về nhu cầu tiêu dùng ở khu vực này.
Nhiều loại hình hội chợ phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước đã được tổ chức. Nhà nước sẽ hỗ trợ một số hội chợ cấp miền, cấp vùng cho những nhóm ngành hàng của DN sản xuất trong nước cần tiêu thụ và người tiêu dùng có thể mua được.
Ngoài ra, trong quý III/2009, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục điều tra, khảo sát thị trường nhằm xác định rõ thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam đối với hàng nội địa.
Theo nhận định của Bộ Công Thương, một điểm sáng trong 6 tháng đầu năm là hoạt động thương mại nội địa tăng trưởng khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội ước đạt 546,4 nghìn tỷ đồng, tăng 22% so cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, kết quả này có phần đóng góp không nhỏ từ hoạt động XTTM. Thành công từ những chương trình XTTM sẽ là động lực để nhà tổ chức hoạch định một chiến lược dài hạn hỗ trợ DN mở rộng và chiếm lĩnh thị trường nội địa.
Là cầu nối để thúc đẩy xuất khẩu
Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2009 ước đạt 27,6 tỷ USD, giảm 10,1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, nếu tính theo số lượng (sản lượng xuất khẩu dầu thô, khoáng sản giảm) và giá trị tuyệt đối do không tính tới yếu tố tăng đột biến của giá dầu năm 2008 thì kim ngạch xuất khẩu 6 tháng 2009 vẫn tăng so với cùng kỳ 2008.
Trước tình hình xuất khẩu gặp khó khăn, thị trường bị thu hẹp, Chính phủ và các Bộ, ngành đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, nhất là các DN xuất khẩu, trong đó có công tác XTTM quốc gia.
Quyết định 80/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15/7/2009 đã bổ sung thêm 3 loại hình hỗ trợ XTTM mới để phù hợp với giai đoạn hiện nay. Trong đó, việc hỗ trợ các DN Việt Nam tổ chức tiếp xúc với các nhà nhập khẩu nước ngoài vào Việt Nam giao dịch mua hàng là nội dung được các hiệp hội, ngành hàng và địa phương đánh giá cao.
Thay vì chỉ hỗ trợ các đoàn DN, hiệp hội của Việt Nam đi tìm bạn hàng ở nước ngoài, Cục XTTM (Bộ Công Thương) sẽ hỗ trợ cả các đoàn nước ngoài đến tìm hiểu, nhập khẩu hàng hóa Việt Nam.
Trong số các đề án XTTM đã được Bộ Công Thương phê duyệt, Hiệp hội Da giày Việt Nam đã áp dụng hình thức mới, tổ chức mời các DN truyền thông của nước ngoài tới Việt Nam để viết bài tuyên truyền cho ngành Da giày xuất khẩu.
Đây cũng là một trong những hình thức XTTM mới, vừa tiết kiệm chi phí, vừa hiệu quả dự kiến sẽ được Cục XTTM đẩy mạnh và nhân rộng ở nhiều ngành hàng xuất khẩu.
Cũng theo Quyết định 80/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc tuyên truyền, quảng bá và mời khách đến giao dịch tại gian hàng Việt Nam tại hội chợ nước ngoài hay giao dịch với các đoàn giao thương, khảo sát thị trường của Việt Nam tại nước ngoài đều được hỗ trợ 100% chi phí.
Cùng các hoạt động XTTM truyền thống, việc tăng cường xây dựng hình ảnh quốc gia và thương hiệu sản phẩm đã được chú trọng. Hoạt động hợp tác quốc tế về XTTM đã được triển khai có mục đích rõ ràng, hướng vào các thị trường xuất khẩu trọng điểm nhằm phát triển thị trường theo chiều sâu, đồng thời tham gia các chương trình hỗ trợ nhập khẩu hoặc bán hàng của các tổ chức đối tác nước ngoài.
Kết quả, đến đầu tháng 6/2009, 2/3 số tiền XTTM, tương đương 128 tỷ đồng đã có “địa chỉ” với 97 đề án được phê duyệt. Thực tế, chưa năm nào Chính phủ đặc biệt chú trọng cho công tác XTTM như năm nay, với hy vọng hỗ trợ thiết thực cho DN thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu, tạo ra xung lực mới cho cộng đồng DN.
Mai Linh
Chính phủ
|