Bán sữa cao gấp 2,5 lần giá vốn:
Bộ Tài chính cần... ra “thuốc chữa”!
Thông tin trên Pháp Luật TP.HCM về việc cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện giá bán sữa cao gần bằng 2,5 lần giá vốn đã khiến nhiều người bức xúc. Vấn đề đặt ra là theo quy định hiện hành thì có thể xử lý doanh nghiệp ra sao? Ngoài ra, liệu có thể phá giải bài toán giá sữa này bằng cách nào?
Không xử phạt được...
Sữa là mặt hàng không thuộc diện nhà nước định giá bán. Doanh nghiệp có quyền định giá bán và doanh nghiệp cũng không bị khống chế giá trần. Do đó, một cán bộ quản lý thuế cho biết không thể xử lý doanh nghiệp khi giá bán “cõng” quá nhiều chi phí quảng cáo, khuyến mãi, tiếp thị... và đội giá bán lên 220%-250% so với giá vốn.
Hiện nay, quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp có khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị... ở mức 10% trong tổng chi phí. Doanh nghiệp chi trong mức này thì được đưa vào chi phí hợp lý và được trừ ra trước khi bị tính thuế thu nhập doanh nghiệp, phần chi vượt mức khống chế sẽ không được trừ ra.
Theo Nghị định 75/2008 hướng dẫn pháp lệnh về giá thì sữa là một trong 14 mặt hàng thuộc diện bình ổn giá (chung với xăng dầu, xi măng, thép, thuốc, giá tàu...). Các cơ quan quản lý có quyền áp dụng biện pháp bình ổn, bao gồm các biện pháp như quy định khung giá, giá bán tối đa, giá bán tối thiểu cho sản phẩm hoặc buộc doanh nghiệp đăng ký, kê khai giá...
Ngoại trừ xăng dầu được điều hành giá theo cơ chế riêng, còn lại 13 mặt hàng trong danh mục bình ổn đều chỉ được áp dụng biện pháp bình ổn trong trường hợp có biến động bất thường. Cụ thể, trong thời gian tối thiểu 15 ngày liên tục, giá bán lẻ mặt hàng đó trên thị trường tăng từ 15% hoặc 20% trở lên so với giá thị trường trước khi có biến động. Thậm chí, biến động đó phải là thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, xuất hiện tin đồn bịa đặt... Nếu doanh nghiệp tăng giá đột biến nhưng trong hoàn cảnh thông thường (không biến động) thì cũng không bị áp dụng biện pháp bình ổn.
... Nhưng vẫn có thể chấn chỉnh giá
Không áp dụng biện pháp bình ổn được không có nghĩa là bó tay với giá sữa cao. Một nguồn tin từ Cục Quản lý giá (thuộc Bộ Tài chính) cho biết trong trường hợp này vẫn còn “thuốc chữa”. Đó là trường hợp cơ quan đại diện cho người tiêu dùng, cơ quan quản lý khác thấy bức xúc với giá bán một mặt hàng nào đó thì vẫn có quyền đệ đơn cho Cục, cho Bộ Tài chính đề nghị có biện pháp chấn chỉnh về giá.
Hiện nay, có tâm lý rằng loại sữa nào cũng bị bán giá cao, loại sữa nào cũng phải “cõng” chi phí quảng cáo. Thực tế là Vinamilk, Dutch Lady trong nước cũng quảng cáo đâu có kém cạnh gì các hãng nước ngoài. Đoàn kiểm tra của TP.HCM kiểm tra, chỉ mới phát hiện giá bán của một số loại sữa Enfa A+ cao gần 2,5 lần giá vốn. Thế nhưng với các loại sữa khác thì thế nào, giá bán cao gấp bao nhiêu lần? Do đó, nhiều người lại quay trở về tâm lý là mua sữa nào cũng chịu tiền quảng cáo như nhau, hàng đắt tiền hơn thì có lẽ là “nội dung” chất lượng phải tốt hơn, thế là chấp nhận mua hàng đắt tiền.
Vì vậy, để người tiêu dùng nhận định đúng hơn về giá sữa, các cơ quan quản lý phải tìm cách bắt doanh nghiệp sữa công khai thường xuyên giá vốn của sữa, cụ thể là giá nhập khẩu, chi phí sản xuất. Lúc đó, người tiêu dùng mới có thông tin giá vốn - giá bán để so sánh các loại sữa một cách thực chất hơn.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 1: "Không hẳn sữa đắt tiền thì chất lượng tốt hơn"
Trí thông minh của trẻ phụ thuộc vào nhiều yếu tố: di truyền, dinh dưỡng, môi trường, khả năng luyện tập. Do vậy, không phải sử dụng sữa có các thành phần làm tăng trí thông minh thì trẻ sẽ thông minh. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu khoa học cho thấy chỉ số thông minh của trẻ sử dụng sữa công thức có bổ sung DHA và ARA vượt trội hơn trẻ sử dụng sữa công thức không chứa DHA và ARA.
Không hẳn sữa công thức đắt tiền thì chất lượng tốt hơn. Đứng về mặt dinh dưỡng thì chưa có chứng minh cho thấy sữa càng đắt thì chất lượng càng tốt. Tác dụng của sữa phụ thuộc vào chất lượng chứ không phải vào giá cả. Vậy thì cái gì quyết định chất lượng sữa? Là người tiêu dùng, hội đồng khoa học kỹ thuật...
Người tiêu dùng tin vào công ty sản xuất sữa có uy tín, tin vào hội đồng khoa học khi công bố những sản phẩm sữa đạt chất lượng. Người tiêu dùng cũng đánh giá chất lượng sữa thông qua sự phát triển trí tuệ của con mình, đồng thời phải phù hợp với điều kiện kinh tế.
Đoàn kiểm tra liên ngành của TP.HCM chỉ kiểm tra một ít doanh nghiệp và cũng chỉ mới “hé lộ” giá vốn - giá bán của một số mặt hàng Enfa A+ (của hãng Mead Johnson). Trong khi đó, hiện nay trên thị trường có các hãng sữa như Vinamilk, Dutch Lady, Nutifood, Abbott, Dumex, Meiji, Nestlé...
Được biết, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất, phân phối, kinh doanh, trong đó có một số hãng sữa lớn, đã được một đoàn kiểm tra cấp bộ đi kiểm tra. Nội dung kiểm tra của đoàn này cũng xoay quanh chi phí nhập khẩu, chi phí sản xuất, chi phí quảng cáo, giá vốn, giá bán... và kết quả kiểm tra có thể sẽ được công khai trong nay mai.
Quỳnh Như-Trần Ngọc-QN
Pháp luật
|