Công nghiệp Việt Nam: Bao giờ hết cảnh "xuất khẩu sản xuất"?
Khủng hoảng là rủi ro, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để nhìn lại một cách bài bản, hệ thống cả trong ngắn hạn và dài hạn về ngành công nghiệp (CN) Việt Nam. Đây cũng là sức ép chuyển đổi hướng đến chiều sâu, thay vì phát triển theo chiều rộng của CN nước ta.
Hiệu ứng "chuyển dịch đàn sếu"
Cho đến nay, CN Việt Nam vẫn phát triển theo bề rộng, theo hướng gia công, lắp ráp là chủ yếu, nên tốc độ tăng giá trị sản xuất CN (GO) luôn cao hơn tốc độ tăng giá trị tăng thêm (VA). Kết quả phân tích số liệu từ năm 1995 đến nay cho thấy, tỷ trọng các ngành CN có tỷ lệ VA/GO cao ngày càng giảm (CN khai thác sau 12 năm giảm 6,93%; sản xuất vật liệu xây dựng giảm 2,75%...).
Trong khi đó, các ngành CN có tỷ lệ VA/GO thấp lại phát triển nhanh, chiếm tỷ trọng ngày càng cao (cơ khí tăng 9,9%; điện tử tăng 1,57%; hóa chất tăng 3,44% và luyện kim tăng 0,59%). Nếu như tỷ trọng các ngành khoáng sản giảm đi là do yếu tố khách quan, thì sức tăng VA chậm của những ngành chế biến lại chủ yếu do chủ quan, bởi vậy không bù được tốc độ giảm, làm cho tỷ trọng VA/GO và tốc độ tăng VA giảm liên tục. Sự chuyển dịch cơ cấu các thành phần kinh tế trong ngành CN đã diễn ra theo chiều hướng: CN quốc doanh có xu hướng giảm, CN ngoài quốc doanh tăng nhanh, CN có vốn đầu tư nước ngoài được cải thiện tuy không bằng khu vực ngoài quốc doanh.
Lẽ ra sự dịch chuyển này cải thiện tỷ trọng VA/GO, nhưng kết quả không thế. Vì, việc xác định giá trị doanh nghiệp (DN) trong quá trình cổ phần hóa (CPH) đến thời điểm 2005 thường dẫn đến đánh giá thấp giá trị thực tế. Các DN sau CPH có tốc độ VA cao, nhưng thực chất là thừa hưởng giá trị từ quá khứ. Chính phủ đã tích cực thúc đẩy quá trình CPH nên số lượng DN Nhà nước giảm mạnh. Song do mức trang bị vốn, quy mô của khu vực này vẫn còn lớn mà hiệu quả không cao làm cho mức tăng VA chậm, trong khi GO lại lớn do đầu tư nhiều, đã kéo tỷ trọng VA/GO toàn ngành CN giảm xuống.
Như vậy, sự dịch chuyển cơ cấu thành phần mới chỉ đạt được mục tiêu tăng nhanh GO, nhưng do chất lượng phát triển các khu vực vẫn thấp, nên chỉ tiêu chất lượng tăng trưởng chưa đạt như mong muốn. Hiện tượng tăng GO, không tăng VA này đã được các nhà nghiên cứu kinh tế gọi là hiện tượng "Tăng trưởng bần cùng hóa".
Ở các hãng đa quốc gia, cứ 100 DN trong một chuỗi tham gia chế tạo sản phẩm cuối cùng có 95 DN thuộc khu vực phụ trợ, chỉ có 5 DN lắp ráp - sản xuất sản phẩm cuối cùng. Trong khi đó, ở Việt Nam, ngành dệt may có khoảng 2.000 DN nhưng chỉ có khoảng 250 DN phụ trợ; ngành cơ khí chế tạo, ngành điện tử gia dụng cũng chủ yếu dừng lại ở lắp ráp, là giai đoạn có giá trị VA thấp nhất. Mặt khác, kiểu tổ chức sản xuất khép kín đi ngược lại với xu hướng hội nhập và phân công chuyên môn hóa, vô hình trung cản trở áp dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất. Hiệu ứng "chuyển dịch đàn sếu", mà thực chất là "xuất khẩu sản xuất" CN hiệu quả thấp từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển diễn ra khá mạnh mẽ ở nước ta. Đây có thể coi là những nguyên nhân đáng kể làm giảm VA trong CN.
Cần chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ
CN phụ trợ đòi hỏi có sự chuyên môn hóa rất cao, nhưng đáng tiếc là đến nay số DN nội địa được kết nạp vào chuỗi giá trị của các hãng toàn cầu (MNC) còn rất ít. Vì thế, hơn lúc nào hết, Việt Nam cần có một cơ quan đủ mạnh làm đầu mối để xúc tiến phát triển CN phụ trợ. Cơ quan này phải có cơ sở dữ liệu tốt về tình hình CN phụ trợ Việt Nam và các nước xung quanh, nhất là có đủ vị thế để dàn xếp việc kết nạp DN Việt Nam vào chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia.
Theo đó, cần rà soát, đánh giá, điều chỉnh kịp thời quy hoạch, chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực CN, khu CN cả nước để bảo đảm tính hợp lý. Trên cơ sở đó lựa chọn đối tác chiến lược cho các ngành, DN với công nghệ hiện đại, có hàm lượng trí tuệ và giá trị gia tăng cao, ít sử dụng tài nguyên năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm. Để thực hiện được điều này, cần ban hành và công bố danh mục những ngành CN bị kiểm soát và hạn chế đầu tư, những ngành được khuyến khích. Ví dụ, CN xi măng, cán thép đã vượt quá nhiều nhu cầu nội địa, có VA thấp, ô nhiễm môi trường cao, tốn nhiều tài nguyên đất đai, năng lượng... cần được kiểm soát chặt chẽ. Hoạt động nhập khẩu công nghệ phải được kiểm soát, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu, thiết kế sản phẩm mới.
Đặc biệt, phải quyết liệt phát triển hệ thống CN phụ trợ, kết nối DN có vốn đầu tư nước ngoài với DN nội địa trong sản xuất sản phẩm phụ trợ. Bên cạnh đó là việc chú trọng công tác đào tạo nghề, xây dựng chính sách hỗ trợ về tài chính cho chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao, bởi đây là sự hỗ trợ trực tiếp cho đổi mới công nghệ của DN. Đây là giải pháp có tính quyết định, vì nếu không có đội ngũ nhân lực tốt thì hiệu quả chuyển giao công nghệ sẽ không cao, chưa nói đến có phát minh sáng chế.
Thanh Mai
Hà Nội mới
|