Thứ Hai, 29/06/2009 16:18

"Đại gia" viễn thông quên luật!

Cạnh tranh cung cấp dịch vụ viễn thông tiếp tục nóng lên khi mới đây, Viettel có công văn khẩn gửi Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) và Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông “tố” Mobifone vi phạm Luật Cạnh tranh, Pháp lệnh Quảng cáo...

Qua sự việc này, người ta mới thấy điều rất hy hữu: Đất nước đã hội nhập kinh tế quốc tế, song "đại gia" viễn thông vẫn… quên luật.

Viettel “tố” Mobifone

Cuộc cạnh tranh giữa hai “đại gia” Mobifone và Viettel trong năm 2009 có lẽ bắt đầu từ thời điểm Viettel tiến hành “đại hạ giá” (1/6/2009). Không ai nói thẳng ra nhưng việc Viettel tiến hành “đại hạ giá” cước dịch vụ đồng loạt lần này, chắc chắn đã tác động tới kế hoạch doanh thu của các hãng viễn thông khác. Để “đáp lễ”, cả MobiFone và Vinaphone đều tiến hành hạ giá. Tuy nhiên, cách thông báo giảm giá của một số đại lý của Mobifone; rồi văn bản hướng dẫn đổi sim nhằm thu hút khách hàng của Mobifone đã xuất hiện nhiều bất ổn, đến mức Viettel phải gửi công văn thông báo tới các cơ quan chức năng.

Trong công văn gửi cho các cơ quan chức năng, Viettel cho hay, thời gian qua tại một số tỉnh như: Đồng Tháp, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang, Cà Mau, Kiên Giang… xuất hiện các áp phích in màu, quảng cáo giá cước dịch vụ mới của Công ty Thông tin di động VMS (Mobifone). Nội dung áp phích có so sánh trực tiếp giá cước dịch vụ của Mobifone thấp hơn so với giá cước dịch vụ của Viettel. Cụ thể, mức giá cước của Mobifone thấp hơn 10 đồng một phút ở tất cả các gói cước. Riêng cước thuê bao tháng, mức giá áp dụng cho Mobifone thấp hơn 1.000 đồng…

Ngoài những chiêu quảng cáo thu hút khách hàng nêu trên, Viettel còn “tố” Mobifone đưa ra chương trình được tổ chức một cách bài bản để lôi kéo khách hàng chuyển từ mạng di động khác sang sử dụng dịch vụ của mình. Tại Hải Dương, Mobifone thực hiện bán hàng lưu động trên địa bàn xã, thôn với chương trình “Đổi sim mạng khác lấy sim Mobifone có 230.000 đồng trong tài khoản”.

Trước những chứng cứ đưa ra, trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo TNVN, đại diện MobiFone đã thừa nhận thực tế là có một số chi nhánh của Mobifone có triển khai chương trình đổi sim theo hình thức khuyến mại từ ngày 1/6/2009 đến ngày 10/6/2009. Ngay khi nhận thấy chương trình này không hợp lệ, Mobifone đã chính thức dừng triển khai từ ngày 11/6/2009, được quy định tại văn bản số 2360/VMS-KH-BH ngày 11/6/2009 của Công ty VMS… Mobifone lấy làm tiếc và chân thành xin lỗi vì chương trình khuyến mại trên đã gây ảnh hưởng tới các mạng khác.

Khẳng định với phóng viên, đại diện Mobifone cho hay: “Mobifone không có chủ trương thực hiện việc quảng cáo so sánh trực tiếp về giá cước giữa Mobifone và Viettel trên bất kỳ hình thức quảng cáo nào…”.

Mobifone quên… luật

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Mạnh Thuật - Giám đốc Công ty Luật hợp danh Đông Nam Á cho rằng, hành vi trên của VMS Mobifone có dấu hiệu vi phạm Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Pháp lệnh Quảng cáo.

Xem xét hành vi quảng cáo, luật sư Thuật cho rằng, các biên bản xác minh của Viettel đều cho thấy việc quảng cáo bằng áp phích và nội dung áp phích đều có sự thống nhất của rất nhiều các cửa hàng, đại lý Mobifone trên nhiều tỉnh, thành. Điều này khẳng định việc tổ chức quảng cáo đã có sự chuẩn bị chu đáo về thời gian, cách thức, phương tiện, không thể do sự bột phát của một hay một vài cửa hàng, đại lý của MobiFone. Mục đích, động cơ thực hiện quảng cáo không lành mạnh thể hiện khá rõ ràng thông qua việc thiết lập bảng so sánh và áp phích trích dẫn nội dung. Việc thiết kế, in áp phích thể hiện sự chuẩn bị chu đáo, tính toán kỹ lưỡng để nhằm mục đích đề ra. Chưa kể việc áp phích này còn được sử dụng đồng nhất tại nhiều địa điểm hay cửa hàng, đại lý Mobifone khác nhau? Để làm rõ vấn đề này không khó, theo luật sư Thuật, các cơ quan chức năng cần xác minh tại các cửa hàng, đại lý Mobifone xem họ nhận tấm áp phích đó từ đâu? Ai đã tổ chức in?

Qua những phân tích trên, luật sư Thuật cho rằng, các cửa hàng, đại lý Mobifone đã vi phạm khoản 5 và 6 Điều 109 Luật Thương mại năm 2005; khoản 6 Điều 5 Pháp lệnh Quảng cáo năm 2001; khoản 1 Điều 45 Luật Cạnh tranh năm 2004.

Đối với hành vi khuyến mại đổi sim, theo luật sư Thuật, việc khuyến mại được tổ chức khá chu đáo, chặt chẽ thể hiện qua việc Mobifone có công văn chỉ đạo khuyến mại đến từng bộ phận của Công ty. Trong đó, hướng dẫn khá chi tiết cách thức, điều kiện… để được hưởng khuyến mại. Luật sư Thuật cho rằng, các cửa hàng, đại lý Mobifone đã vi phạm khoản 9 Điều 100 Luật Thương mại năm 2005: “Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh”. Khoản 4 Điều 46 Luật Cạnh tranh năm 2004: “Tặng hàng hóa cho khách hàng dùng thử nhưng lại yêu cầu khách hàng đổi hàng hóa cùng loại do doanh nghiệp khác sản xuất mà khách hàng đó đang sử dụng để dùng hàng hóa của mình”.

Qua sự việc này, ắt hẳn Mobifone sẽ rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, bởi lẽ: Sự việc các cửa hàng, đại lý của MobiFone rầm rộ triển khai quảng cáo hạ giá; rồi Mobifone đưa ra chương trình khuyến mại đổi sim chưa thấy đem lại lợi ích song đã thấy sự phiền nhiễu cho chính Mobifone, khách hàng và các mạng di động khác./.

VOV

Các tin tức khác

>   Siêu thị lôi kéo khách bằng giảm giá (29/06/2009)

>   Giá thép có thể tăng mạnh (29/06/2009)

>   Ngành mây tre xuất khẩu: Tìm hướng phát triển trong khó khăn (29/06/2009)

>   “Chống xâm mặn” cho ĐBSCL và những ý kiến trái ngược (29/06/2009)

>   Hạ thủy tàu hàng Lucky Star trọng tải 22.500 tấn (29/06/2009)

>   Vẫn phải dè chừng lạm phát (29/06/2009)

>   Cơ cấu lại sản xuất để phát triển bền vững (29/06/2009)

>   Đức muốn phát triển TP.HCM thành thành phố của thế kỷ 21 (29/06/2009)

>   XK dầu thô 6 tháng đầu năm đạt 8,35 triệu tấn (29/06/2009)

>   Đừng biến vịnh Vân Phong thành “ao làng” (29/06/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật