Siêu thị lôi kéo khách bằng giảm giá
Trái ngược với tình hình chợ ế (khách mua giảm khoảng 10 - 20% so với năm ngoái, theo thống kê từ BQL chợ Bến Thành, An Đông, Bình Tây, Soái Kình Lâm…), 6 tháng đầu năm 2009 doanh thu và lượng khách mua sắm của các siêu thị đều tăng khá mạnh.
Cụ thể, doanh số của hệ thống siêu thị Co.opmart tăng gần 35% so cùng kỳ và thu hút trên 150 ngàn lượt khách mỗi ngày. Lượng khách đến Big C, Maximark cũng tăng khoảng 30 - 40%. Còn các hệ thống khác như Citimart, Wellcome, Fivimart… doanh thu tăng ít hơn, nhưng vẫn khá tốt với mức tăng khoảng 5- 20% so cùng kỳ năm ngoái tùy từng điểm bán khác nhau.
Hai yếu tố quan trọng nhất giúp các siêu thị giữ được sức mua của người tiêu dùng và đẩy doanh số tăng là khuyến mãi bằng giá và khả năng kềm hãm các đợt tăng giá của nhà cung cấp.
So với năm ngoái, chi phí cho khuyến mãi tiếp thị ở các hệ thống bán lẻ đều tăng khá, ước ngân sách tiếp thị năm 2009 của một số hệ thống siêu thị tăng từ 30 - 80% so năm ngoái, có nơi lên đến 280 tỉ đồng so với 180 tỉ của năm ngoái. Ngoài ra còn các khoản chiết khấu, giảm giá trực tiếp trên hàng bán mà siêu thị và nhà cung cấp cùng thực hiện. Chẳng hạn Coopmart góp vào từ 10- 40% cho việc giảm giá 50% trang phục lót Amo, giảm giá 50% cho quần áo Gia Hồi, giảm 40% cho khăn hiệu Bochang... Siêu thị Big C chi 4 tỉ đồng làm giải thưởng cho chương trình khuyến mãi đợt 2 mừng sinh nhật 11 năm từ 22.6 - 4.7, giảm giá 5 - 50% cho khoảng 280 mặt hàng tiêu dùng thường xuyên như thực phẩm đông lạnh, đồ uống, quần áo…
Bà Bùi Thị Hạnh Thu, phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh của hệ thống Coopmart phân tích: “Trước đây các hình thức khuyến mãi còn đa dạng như bốc thăm may mắn, xố số trúng thưởng, tặng vé du lịch tham quan… Hiện nay Coopmart cũng như các hệ thống siêu thị khác đều cắt giảm các khoản chi cho quảng cáo, tổ chức sự kiện… mà dồn vào việc giảm giá cho người tiêu dùng.” Theo bà Thu, việc giảm giá không chỉ làm cho có, mà phải giảm giá thật nhiều: hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu có thể giảm 10 - 20% (trước đây thường 5 - 10%), hàng tiêu dùng không thường xuyên như quần áo, dầu gội, sữa tắm phải giảm 40 - 50%, thậm chí 60 - 70%. Trong báo cáo tổng kết nội bộ của hệ thống Big C cũng xác định chiến lược kinh doanh cho năm 2009 là giá rẻ cho mọi nhà.
Riêng ở mặt kềm hãm tăng giá, trong vai trò nhà thu mua hàng lớn, các siêu thị đã thể hiện khả năng "từ chối tăng giá" của nhà cung cấp trước các đợt tăng giá sữa, đường, dầu ăn, thịt heo... từ đầu năm đến nay. Việc kềm hãm tăng giá các mặt hàng này đã kéo thêm khách vào siêu thị trong mỗi lần chợ hay cửa hàng buộc thay đổi giá theo thị trường.
Hầu hết các siêu thị chấp nhận bán lỗ, bán không lãi cho nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để thu lãi từ mặt hàng khác. Đó là điểm mạnh của siêu thị mà các tiểu thương không thể cạnh tranh được. Tuy vậy, quan sát một số đợt khuyến mãi của những siêu thị tại TP.HCM, có thể thấy mỗi đợt giảm giá chỉ áp dụng tối đa cho khoảng 350 mặt hàng, trong đó số mặt hàng được giảm giá đến 50% chưa bao giờ quá 50 sản phẩm. Những con số này khá nhỏ so với khoảng 20.000 - 50.000 mặt hàng ở mỗi siêu thị.
Bích Thủy
Sài gòn tiếp thị
|