Thứ Hai, 29/06/2009 13:48

Doanh nghiệp vừa và nhỏ:

Cơ cấu lại sản xuất để phát triển bền vững

Hiện nay, cả nước có hơn 300.000 doanh nghiệp (DN), gần 20.000 HTX và khoảng 3 triệu hộ sản xuất, kinh doanh (SXKD) cá thể. Trong đó, khu vực địa phương là 10.304 DN vừa và nhỏ (VVN), 1.751 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 258.509 hộ gia đình với tỷ lệ tăng trung bình 7%/năm.

Năm 2008 và 6 tháng đầu năm 2009, do những biến động bất lợi của suy thoái kinh tế, nhiều DN phải giảm bớt sản xuất, thu hẹp thị trường. Nhiều DN làng nghề bị phá sản, hàng vạn lao động nông thôn mất việc làm. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm để các DN khu vực này khắc phục những điểm yếu, cơ cấu lại sản xuất để phát triển bền vững.

Khó tiếp cận nguồn vốn kích cầu

Gần 2 năm qua, hàng loạt các làng nghề tại Hà Nội, Thái Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng... đã rơi vào tình trạng làm ăn thua lỗ. Nhiều hộ sản xuất, DN làng nghề phải bỏ nghề, một số chuyển sang sản xuất đồ thủ công đơn thuần để cầm cự. Nguyên nhân là do tiêu thụ sản phẩm chậm, thị trường bị thu hẹp, lượng khách hàng truyền thống giảm, đơn đặt hàng bị hủy, giá bán giảm, nhất là những sản phẩm xuất khẩu như đồ gỗ mỹ nghệ, sắt, thép, lụa, giấy...

Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 30/2008/CP triển khai thực hiện 5 nhóm giải pháp cấp bách để hỗ trợ, tháo gỡ, duy trì hoạt động của DN công nghiệp địa phương, nhất là các DN dân doanh, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ lãi suất 4% cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để SXKD. Tiếp đến là chủ trương cho các tổ chức, cá nhân được vay vốn trung, dài hạn của ngân hàng để đầu tư mới SXKD, xây dựng kết cấu hạ tầng trong thời gian tối đa là 24 tháng; hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp... nhiều loại được hỗ trợ 100% lãi suất vay, thời hạn 12-24 tháng. Các chính sách này đã tạo điều kiện cho DN thực hiện các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, tranh thủ thời cơ mua sắm thiết bị máy móc, đổi mới công nghệ phục vụ cho việc phát triển SXKD khi kinh tế hồi phục. Tuy nhiên, đến nay số DN làng nghề tiếp cận được các nguồn vốn kích cầu chưa nhiều. Do hầu hết các DN VVN sổ sách chứng từ không cụ thể, thiếu minh bạch, nhất là chưa tuân thủ các quy định về công tác tài chính (báo cáo, kê khai thuế…). Thậm chí, hằng tháng nhiều DN thuê dịch vụ bên ngoài làm sổ sách, chứng từ, báo cáo thuế. Điều này khiến cho các ngân hàng e ngại khi cho vay một lượng tiền lớn. Mặt khác, việc tiếp cận vốn ngân hàng còn phải chịu các điều kiện như có tài sản thế chấp, không được nợ đọng… trong khi DN ở vùng nông thôn, các DN làng nghề không có vốn, giá trị đất đai thấp nên hỗ trợ lãi suất thông qua bảo lãnh rất khó.

Theo Hiệp hội DN VVN, bảo lãnh vay vốn là một chương trình dành cho các tín dụng dưới chuẩn, vì thế các điều kiện cần phải nới lỏng. Các cơ quan chức năng cần giúp DN tiếp cận và xử lý thông tin; tích cực mở lớp đào tạo, bồi dưỡng cho chủ DN, tăng cường công tác quản lý, tiếp cận công nghệ hiện đại. Giúp các DN đầu tư vào những mặt hàng mà địa phương có thế mạnh, có đầu ra ổn định; xử lý vốn, nhất là vốn tín chấp giúp các DN nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng ISO vào quản lý sản xuất; làm tốt việc xây dựng thương hiệu, đào tạo quản trị DN...

Không chỉ trông chờ vào cơ chế

Làng nghề muốn vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, trước mắt phải chủ động kích cầu tiêu thụ thị trường trong nước. Theo đó, cần thiết lập hệ thống bán hàng chuyên nghiệp, đưa các sản phẩm làng nghề vào các siêu thị, cũng như đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề. Trong giai đoạn khó khăn này, tại nhiều địa phương, DN đã thực hiện nhiều biện pháp "tự cứu" có hiệu quả. Đó là, liên kết trong việc tìm thị trường cho sản phẩm. Một số DN gốm, sứ, đồ gỗ, mây, tre… ở Bình Dương, Nam Định, Quảng Ninh, Hà Nội cũng đã san sẻ cho các DN trong ngành các đơn đặt hàng, giúp họ duy trì được sản xuất. Tuy nhiên, hình thức liên kết này đòi hỏi các DN tham gia phải bảo đảm chất lượng, mẫu mã sản phẩm đã nhận thực hiện và có hợp đồng chặt chẽ bảo đảm quyền lợi của các bên. Một hình thức liên kết đang được thực hiện là liên kết giữa các công đoạn sản xuất ra một sản phẩm trong các DN làng nghề theo sự phân công, như có DN chuyên đi mua nguyên liệu; có DN chuyên làm sạch, tẩy trắng nguyên liệu (như mây, tre); có DN chuyên sản xuất; có DN chuyên vận chuyển hoặc làm đầu mối tiêu thụ… Việc này đã có tác dụng giảm bớt chi phí sản xuất rõ rệt so với từng DN khi thực hiện riêng rẽ. Dạng liên kết hiện khá phổ biến trong DN hiện nay là trợ giúp nhau về vốn bằng nhiều hình thức. Nhiều DN ở Nam Định, Hà Nội ứng trước vốn để DN vệ tinh sản xuất (có khi đến 30-40% chi phí sản xuất) mà không phải trả lãi...

Thực tế thời gian qua cho thấy, các làng nghề đã có sự liên kết để phát triển sản xuất, tránh việc tranh giành thị trường, hạ thấp uy tín của nhau. Song về lâu dài các DN khu vực này vẫn phải cơ cấu lại sản xuất để phát triển bền vững, các làng nghề cần có sự liên kết trở thành cụm làng nghề giúp đỡ nhau trao đổi thông tin, xúc tiến thương mại, cách thức quản lý, tổ chức điều hành trong SXKD...

Thanh Mai

HÀ NộI MớI

Các tin tức khác

>   Đức muốn phát triển TP.HCM thành thành phố của thế kỷ 21 (29/06/2009)

>   XK dầu thô 6 tháng đầu năm đạt 8,35 triệu tấn (29/06/2009)

>   Đừng biến vịnh Vân Phong thành “ao làng” (29/06/2009)

>   Gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT cho DN XNK (29/06/2009)

>   Xuất khẩu dệt may - Vui... hơn dự báo! (29/06/2009)

>   Chỉ có 20% doanh nghiệp CNTT thật sự hoạt động (29/06/2009)

>   Đồ gỗ vẫn khó bán ở “chợ” nhà (29/06/2009)

>   Giá lúa tăng trở lại (29/06/2009)

>   Kinh tế Việt Nam chuyển biến trong nửa cuối năm (28/06/2009)

>   ĐBSCL: Nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (28/06/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật