Thứ Hai, 29/06/2009 06:38

Xuất khẩu dệt may - Vui... hơn dự báo!

Ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới, tình hình đơn hàng sụt giảm mạnh trong những tháng đầu năm đã đặt ngành dệt may (DM) VN vào sự chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất. Thế nhưng, qua nửa năm sóng gió, các DN xuất khẩu (XK) DM đã có thể vui trở lại...

Đơn hàng trở lại

Đến cuối quý 2-2009, các NNK đã không còn e dè như trước, thay vào đó đã mạnh dạn đặt hàng cho 2 quý cuối năm. Các DN DM tại TPHCM cho biết, đơn hàng đã tăng lên 15% - 20% so với đầu năm. Đến nay, hầu hết các DN đã có đơn hàng sản xuất đến tháng 10-2009 và cũng đã xác nhận sản xuất cho những tháng cuối năm.

Ông Phùng Đình Ngọ, Giám đốc Công ty TNHH May Bình Hòa cho biết: “Hiện đầu vào đã tương đối ổn định, nếu DN có đủ lao động để sản xuất thì tình hình XK vào thị trường EU trong những tháng cuối năm của DN sẽ rất khả quan”.

Tại Công ty CP May Sài Gòn 3, các đơn hàng XK đi Nhật của các đối tác “ruột” vẫn ổn định và nhà nhập khẩu (NNK) muốn tăng đơn hàng sản xuất. Hiện 60% đơn hàng sản xuất ở đây XK vào thị trường Nhật. So với năm trước, tỷ lệ sản xuất hàng XK tăng thêm 10%. Thị trường Mỹ, EU cũng bắt đầu ổn định. Các DN cho biết, trước đây NNK ngưng đơn hàng, đặt hàng cầm chừng, nhưng khi nhu cầu thị trường nhích lên thì lượng hàng đặt không đủ đáp ứng. Do vậy, NNK đã tăng đơn hàng lên trong thời gian gần đây.

Sự hồi phục của XK DM ngay trong thời điểm khó khăn này đã cho thấy những lợi thế nhất định của ngành DM VN so với các nước. Kim ngạch XK DM VN trong 6 tháng đầu năm đạt trên 4 tỷ USD, chỉ giảm 1,3% so với cùng kỳ 2008. Ở các thị trường lớn và cũng là đối thủ cạnh tranh của VN như Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Trung Quốc, sụt giảm sản xuất, XK thể hiện khá rõ, tỷ lệ giảm sút đến 2 con số.

So với các nước, DM VN chỉ giảm ít, ở mức không quá 5%. Mức sụt giảm này thấp hơn rất nhiều so với dự báo mức giảm chung 15%. Hiện XK DM vẫn đạt mức tăng trưởng ở các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Na Uy… Trong đó, tăng trưởng cao nhất là ở thị trường Nhật, khoảng 25%. Việc tăng trưởng này có sự thúc đẩy mạnh mẽ từ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) có hiệu lực từ đầu năm 2009. Theo đó, nếu đáp ứng yêu cầu xuất xứ nguồn nguyên phụ liệu, thuế suất NK hàng DM VN vào Nhật sẽ được hưởng mức 0%, so với mức 5% - 10% trước đây.

Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DM VN cho biết, kim ngạch XK vào Nhật tăng là vì VN có thuận lợi trong những đơn hàng chất lượng và có giá trung bình. Đây là mặt hàng được tiêu thụ nhiều nhất tại Nhật hiện nay. Việc tăng trưởng có thể cao hơn trong thời gian tới khi nguồn nguyên phụ liệu từ Thái Lan, Indonesia sử dụng theo yêu cầu xuất xứ vào Nhật sẽ chính thức có hiệu lực từ 1-7-2009.

Mục tiêu xuất khẩu: chờ lao động!

Đơn hàng và lao động là hai cái khó nhất của ngành DM. Với dấu hiệu tích cực từ thị trường, đơn hàng xem như đã tạm ổn. Tuy nhiên, từ niềm vui này, DN DM lại đau đầu với việc thiếu hụt lao động! Quả thật đây là một điều kỳ lạ vì thực tế ở các nước khác có hàng chục ngàn lao động phải thất nghiệp vì suy thoái kinh tế. Trong khi đó, VN lại thiếu lao động!

Việc thiếu lao động hiện nay là điều tất yếu, vì ở thời điểm đầu năm khi không có đơn hàng, DN đã thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. Do vậy lao động các tỉnh đã về quê trước những khó khăn của đời sống. Nhu cầu cần tuyển gấp lao động tại nhiều DN tăng cao hiện nay cũng “nóng” như việc cắt giảm lao động, ngưng sản xuất ở thời điểm đầu năm. Việc thiếu lao động đã đặt ra nhiều vấn đề cho thị trường lao động, trong đó cũng đề cập khá nhiều đến “cái tâm” của chủ DN.

Nhiều quan điểm cho rằng, cảnh tuyển không ra lao động này làm cho người lao động có “giá trị” hơn! Dưới góc độ của một nhà quản lý DN và cũng là thành viên trong hiệp hội ngành, ông Phạm Xuân Hồng chia sẻ, có một số DN làm ăn, cư xử theo kiểu “không có hậu” đã làm dư luận có cái nhìn không thiện chí đối với ngành.

Thực tế, có một số DN của nước ngoài, chỉ thuê nhà xưởng, công nhân để gia công hàng, khi gặp sự cố họ chạy thoát thân, hậu quả thì lao động mình chịu! Còn nhìn chung, DN đều muốn chăm lo đời sống cho người lao động vì hơn ai hết chủ DN phải biết được cái lợi mang lại từ sự đồng thuận giữa chủ và người làm công. Đời sống cho người lao động dễ thở hơn thì năng suất lao động sẽ tốt hơn!

Hiện nay, trung bình ngành DM TPHCM thiếu khoảng 10% - 15% lao động để có thể đẩy mạnh sản xuất cho những tháng cuối năm. Nhiều DN cần 30% để có thêm năng lực, mạnh dạn nhận đơn hàng. Hiện nhiều DN đưa ra mức lương từ 2 triệu đồng/tháng trở lên và vẫn đảm bảo có thưởng Tết cho lao động dù làm không đủ năm.

Niềm vui đang trở lại với ngành DM, để tận dụng tốt cơ hội và tạo sức bật để có thể đạt được mục tiêu XK, ngành DM trông cậy vào sự đáp ứng kịp thời của lực lượng lao động. Với những khó khăn hiện nay, ngành DM dự kiến đạt được 9,1 tỷ USD so với mục tiêu đạt 9,5 tỷ USD trong năm nay.

Mỹ Hạnh

sài gòn giải phóng

Các tin tức khác

>   Chỉ có 20% doanh nghiệp CNTT thật sự hoạt động (29/06/2009)

>   Đồ gỗ vẫn khó bán ở “chợ” nhà (29/06/2009)

>   Giá lúa tăng trở lại (29/06/2009)

>   Kinh tế Việt Nam chuyển biến trong nửa cuối năm (28/06/2009)

>   ĐBSCL: Nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (28/06/2009)

>   TP.Hồ Chí Minh: Kinh tế có dấu hiệu phục hồi   (28/06/2009)

>   Đồng Nai: Sản xuất công nghiệp bắt đầu tăng trưởng (28/06/2009)

>   Hiệp định đối tác KT Việt Nam-Nhật Bản: Cơ hội cho cả hai bên (28/06/2009)

>   Vinashin doanh thu tăng 25% so với cùng kỳ 2008 (28/06/2009)

>   Nga đặt mua 70.000 tấn cá tra, cá basa của VN (28/06/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật