Thứ Hai, 29/06/2009 14:26

“Chống xâm mặn” cho ĐBSCL và những ý kiến trái ngược

Ngăn triều hay thiết lập vùng ngập nước?

Tình trạng xâm mặn đang diễn biến hết sức phức tạp, đe doạ nghiêm trọng đồng bằng sông Cửu Long và cuộc sống của người dân. Một trong những giải pháp được viện Khoa học thuỷ lợi miền Nam đề xuất là “ngăn triều giữ ngọt”. Tuy nhiên, TS Nguyễn Hữu Chiếm, phó khoa môi trường và quản lý tài nguyên thiên nhiên (trường đại học Cần Thơ) cho rằng làm vậy không khác nào “ngăn huyết quản” của một con người.

Thuỷ triều có nhiều cái lợi. Dựa vào thế của triều, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, một phần Tiền Giang tận dụng nước để tưới tiêu với chi phí thấp. Cái đó tiết kiệm tiền bạc rất nhiều và nó phù hợp xu hướng tận dụng lợi thế thiên nhiên như người ta đã làm từ sức gió, nắng, triều… Ngăn triều là sai lầm, bởi nước chảy thì làm giàu dưỡng khí, tự làm sạch môi trường. Ao tù, nước đọng sẽ khó nuôi cá, đi lại cũng khó khăn khi hệ thống đê, đập được xây dựng. Vận chuyển hàng ở đồng bằng sông Cửu Long theo giao thông thuỷ rẻ, nay ngăn lại cũng giống như ngăn huyết quản thì làm sao nuôi cơ thể. Chưa kể tác hại xì phèn. Tại sao tự mình tạo ra tác nhân gây ô nhiễm và làm mất khả năng kiểm soát biến động môi trường? Ngăn triều buộc phải chi rất nhiều tiền của, nhưng không phải chỗ nào đổ tiền vô là có lợi. Nhiều nơi đã làm việc ngăn triều, giữ ngọt từ lâu, nhưng hiệu quả có như mong muốn không thì cần đánh giá lại.

Như vậy, theo ông phải làm sao để “giữ ngọt” mà không phải ngăn triều?

Giữ ngọt? Ý muốn giữ nước ngọt trong mùa nắng, nhưng mùa nắng thì Cần Thơ, Tiền Giang… không thiếu nước. Trong khi đó vùng Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, một phần Hậu Giang thiếu nước do nguồn nước không đủ cung cấp. Mùa khô, ở Cà Mau, nước ngọt từ sông Hậu không tới được thì lấy gì mà giữ.

Giữ nước bằng cách thiết lập vùng đất ngập nước, vùng trũng tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, lung Ngọc Hoàng… Giữ lại nguồn nước ngọt trong mùa mưa và không xả bỏ nước ngọt trong mùa lũ cần được xem như giải pháp bền vững. Nhật, Đài Loan… từng làm như vậy. Giữ nước mới khó chứ xả bỏ thì quá dễ. Giữ nước trong những vùng ngập nước sẽ tạo tính “đệm” rất lớn. Phát triển rừng ngập nước, nuôi cá, mở điểm tuyến du lịch và có thể tranh thủ sự trợ giúp của những tổ chức bảo tồn đa dạng sinh học, các tổ chức bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, đấu tranh với các nước ở thượng nguồn sông Mekong khi họ gây bất lợi cho vùng hạ lưu là việc phải làm.

Cuộc cạnh tranh sử dụng nước, lấy đất phát triển theo những ý muốn thoát ly nông nghiệp đặt ra nhiều bất cập, theo ông điều gì đáng lo nhất?

Có một thực tế, khi làm đê bao, cống đập thì người ta nghĩ sẽ có nước ngọt nhưng không phải bao giờ cũng như vậy. Đồng bằng sông Cửu Long từng có quy hoạch tổng thể, nhưng khi quy hoạch sử dụng đất, chiến lược sử dụng nước thì không được cân nhắc đúng mức. Quy hoạch phát triển khu công nghiệp ở các tỉnh, xả thải gây ảnh hưởng nguồn nước không tính toán, ngăn chặn. Hệ luỵ dễ nhận ra: nguồn nước chịu ảnh hưởng của xả thải công nghiệp, sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp đe doạ nguồn lợi thuỷ sản. Nguồn cung cấp protein tự nhiên thiếu, buộc phải dùng nhiều gạo hơn. Nhưng cứ cái đà lấy đất “đẹp” làm khu công nghiệp, 20 năm nữa dân số 100 triệu người, cần 30 triệu tấn lương thực/năm thì đất lúa thu hẹp, đồng bằng không còn dư gạo để xuất khẩu.

Cần  ngăn triều, giữ ngọt

Trong khi đó, viện Khoa học thuỷ lợi miền Nam cho rằng, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cần xây dựng chiến lược cụ thể về ngăn triều, giữ ngọt nhằm bảo vệ sản xuất, ổn định đời sống của người dân trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu.

Các tỉnh cần quy hoạch lại cơ cấu sử dụng đất; xây dựng phương án điều tiết nước hợp lý phục vụ sản xuất nông nghiệp phù hợp với từng khu vực ven biển; phân ranh vùng mặn, lợ, ngọt, trước hết tại vùng Quản Lộ – Phụng Hiệp (bán đảo Cà Mau), tại các cửa thuộc sông Mekong, hai sông Vàm Cỏ Đông, Tây; có giải pháp cụ thể để vừa khắc phục tình trạng nước ngọt đang cạn kiệt dần tại phía hạ lưu các sông tại đồng bằng sông Cửu Long vừa chủ động trữ nước trong mùa mưa và điều tiết nước trong mùa khô bằng cách liên kết các công trình thuỷ lợi phía trên (gần dòng chính sông Mekong) thành các công trình lớn, liên hoàn; nhanh chóng hoàn thiện xây dựng hệ thống đê biển, đê cửa sông tại đồng bằng sông Cửu Long cùng các công trình ngăn sông và điều tiết nước tại các cửa sông, trước hết tại các cửa sông để khi nước sông cao thì xả ra biển, khi nước triều cao thì ngăn lại, không cho tràn vào nội địa.

Viện Khoa học thuỷ lợi miền Nam vừa khảo sát, cho biết mùa khô năm nay, nước mặn diễn biến rất phức tạp, xâm nhập hầu hết các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nghiêm trọng nhất là tại vùng ven biển Tây và bán đảo Cà Mau. Hiện các cống ngăn mặn, điều tiết nước tại đồng bằng sông Cửu Long không còn phù hợp. Cụ thể, hệ thống thuỷ lợi tại đây đã xuống cấp, nổi cộm nhất là tại vùng mặn bắc quốc lộ 1A thuộc tỉnh Bạc Liêu, đa số các cửa cống đã hỏng. Tại Cà Mau, việc xây dựng các cống không đồng loạt nên không có tác dụng ngăn mặn đồng thời còn làm nước mặn xâm nhập vào tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang… Riêng Kiên Giang, mặn xâm nhập vào vùng ngọt từ 4 – 6km.

Tính sơ bộ, mặn xâm nhập đã gây thiệt hại nhiều mức độ 20.728ha lúa tại Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Vĩnh Long. Tại Hậu Giang có 57.000 hộ thiếu nước sinh hoạt, huyện Thoại Sơn (An Giang) cũng thiếu nước sinh hoạt.

Gia Khiêm

Sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Hạ thủy tàu hàng Lucky Star trọng tải 22.500 tấn (29/06/2009)

>   Vẫn phải dè chừng lạm phát (29/06/2009)

>   Cơ cấu lại sản xuất để phát triển bền vững (29/06/2009)

>   Đức muốn phát triển TP.HCM thành thành phố của thế kỷ 21 (29/06/2009)

>   XK dầu thô 6 tháng đầu năm đạt 8,35 triệu tấn (29/06/2009)

>   Đừng biến vịnh Vân Phong thành “ao làng” (29/06/2009)

>   Gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT cho DN XNK (29/06/2009)

>   Xuất khẩu dệt may - Vui... hơn dự báo! (29/06/2009)

>   Chỉ có 20% doanh nghiệp CNTT thật sự hoạt động (29/06/2009)

>   Đồ gỗ vẫn khó bán ở “chợ” nhà (29/06/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật