Các nhà đầu tư lạc quan thận trọng về thị trường Ấn Độ
Chiến thắng vẻ vang hồi tháng trước của đảng Quốc đại cầm quyền ở Ấn Độ ngay từ đầu đã làm loé lên hy vọng rằng cánh cửa vào nền kinh tế lớn thứ ba châu Á này sẽ mở rộng hơn cho các công ty nước ngoài. Thị trường chứng khoán đã tăng khởi sắc vì giới đầu tư vui mừng với một ban lãnh đạo mới có tư tưởng cải cách đã chắc chân, các chi nhánh của ngân hàng Bank of America và hãng bán lẻ Wal-Marrts (cùng của Mỹ) sẽ nhanh chóng "bén rễ" trên khắp đất nước đông dân và lớn nhất khu vực Nam Á này.
Các công ty nước ngoài đang đợi xem chính phủ mới của Ấn Độ, nơi các lĩnh vực chủ chốt như bán lẻ và tài chính đang được bảo vệ, sẽ mở cửa ở mức độ nào trước sự cạnh tranh quyết liệt trong bối cảnh toàn cầu hoá.
Tuần trước, tập đoàn bán lẻ Ikea của Thụy Điển cho biết đã chấm dứt các cuộc đàm phán với Niu Đêli về việc thành lập cửa hàng ở Ấn Độ. Ikea muốn duy trì sự kiểm soát đầy đủ đối với các siêu thị nếu chúng được thành lập ở đất nước có số dân đông thứ hai thế giới này, nhưng điều đó là không thể theo luật hiện hành của Ấn Độ. Nữ phát ngôn của Ikea Charlotte Lindgren cho hay, nếu luật được thay đổi, Ikea sẽ hiện diện trên thị trường Ấn Độ. Trong khi đó, ông Rajesh Relan, Giám đốc điều hành chi nhánh Ấn Độ của hãng tài chính MetLife International, khẳng định nếu Chính phủ Ấn Độ quyết định tăng tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài trong các công ty bảo hiểm trong nước thì công ty của ông sẽ rót vốn nhiều hơn vào thị trường này. Ông nói: "MetLife đang muốn tăng đầu tư vào Ấn Độ vì nước này là một động lực tăng trưởng cho tương lai".
Tân chính phủ Ấn Độ đã khẳng định sự ủng hộ trên nguyên tắc, cho phép mở cửa nhiều hơn các ngân hàng, công ty bảo hiểm và những quỹ hưu trí cho đầu tư nước ngoài. Nhiều nhà đầu tư cũng hy vọng luật gây tranh cãi cho phép các công ty nước ngoài được tiếp cận sâu hơn vào thị trường bán lẻ trị giá 430 tỷ USD của Ấn Độ sẽ được thông qua.
Các doanh nghiệp Mỹ đã to ra rất phấn khích trước sự trở lại Thủ tướng Manmohan Singh, người đã thúc đẩy hoàn tất một thoả thuận hạt nhân dân sự với Mỹ, mở đường cho mối quan hệ hợp tác kinh tế lớn hơn giữa hai nước trên các lĩnh vực nhạy cảm, trong đó có hạt nhân.
Các thế lực đằng sau tư tưởng "bài ngoại" (hay tự cung cấp về kinh tế) vốn tồn tại nhiều thập kỷ qua ở Ấn Độ vẫn không sụp đổ sau cuộc tổng tuyển cử. Mười tám năm sau khi Ấn Độ bắt đầu mở cửa kinh tế rộng hơn, các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế vẫn chịu sự kiểm soát của Nhà nước. Nạn quan liêu tồn tại dai dẳng và nhiều người vẫn còn hoài nghi về toàn cầu hoá, nhất là sau khi chứng kiến sự tàn phá của cuộc khủng tín dụng bắt nguồn từ Mỹ.
Ông Karan Bhatia, Phó chủ tịch phụ trách bộ phận chính sách và luật quốc tế của tập đoàn GE (Mỹ) đồng thời là cựu Phó Đại diện thương mại Mỹ phụ trách khu vực châu Á, nói: "Chúng tôi có thể trở thành đối tác của Ấn Độ, song điều này phụ thuộc các chính sách cũng như tiến trình cải cách và mở cửa hơn nữa của Niu Đêli".
Chính quyền mới của Ấn Độ muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng hiện vẫn chưa rõ các công ty nước ngoài sẽ đóng vai trò gì tại đây. Nhà kinh tế Saumitra Chaudhuri, vừa được bổ nhiệm làm người đứng đầu cơ quan cố vấn của chính phủ, nhận định sự sụt giảm về luồng vốn nước ngoài do tác động của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đã cản trở tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ. Tuy nhiên, ông Chaudhuri lưu ý nếu các quy định về đầu tư nước ngoài được nới lỏng, kinh tế Ấn Độ sẽ đạt nhịp độ tăng trưởng cao. Khi đề cập hệ thống đường giao thông và điện, ông nói có tới 80-90% vấn đề của Ấn Độ bắt nguồn từ trong nước.
Những người ủng hộ nói rằng sự tham gia ngày càng tăng của nước ngoài vào ngành ngân hàng và tài chính sẽ làm tăng nguồn vốn đầu tư dài hạn vào cơ sở hạ tầng, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà không làm cho thâm hụt ngân sách vốn đã trầm trọng càng phình to hơn. Nhưng chính phủ đã có các lựa chọn khác để bơm tài chính cho tăng trưởng, như bán một số doanh nghiệp nhà nước... Việc mở cửa lĩnh vực bán lẻ vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Nhiều người lo ngại việc cho phép các công ty như Wal-Mart được tiếp cận không giới hạn sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu cửa hiệu do các hộ gia đình tự vận hành. Các nhà bán lẻ nước ngoài có thể điều hành siêu thị bán buôn. Wal-Mart Stores Inc. cùng với công ty Bharti Enterprise ngày 30/5 đã khai trương các siêu thị đầu tiên của mình, song đã không thể mở các cửa hàng cung cấp hàng hoá trực tiếp tới người tiêu dùng. Một nữ phát ngôn viên của Wal-Mart tại Ấn Độ nói các chính sách của Niu Đêli về đầu tư nước ngoài là không rõ ràng.
Các công ty Mỹ cũng đang hy vọng giành lấy một mẩu nhỏ trong miếng bánh 30 tỷ USD mà Chính phủ Ấn độ dự định chi cho việc mua sắm trang thiết bị quốc phòng trong 5 năm tới.
Nguyễn Trường
TTXVN
|