Lợi nhuận quý I: Những mảng màu sáng tối
Tính đến ngày 5/5, có 160 DN niêm yết trên HOSE nộp báo cáo tài chính (BCTC) quý I/2009. Bức tranh kết quả kinh doanh của các DN niêm yết đã được khắc họa với đầy đủ gam màu sáng tối. Thực tế, những DN có đầu ra ổn định vẫn duy trì được kết quả kinh doanh khả quan. Trong khi đó, các DN thủy sản, vận tải biển…, những ngành chịu tác động mạnh mẽ của khủng hoảng kinh tế thế giới, có kết quả kinh doanh sa sút.
Lợi nhuận đỡ giá…
Bình lặng với thời gian "đi ngang" gần 6 tháng nhưng từ cuối tháng Ba, cổ phiếu GMC của CTCP Sản xuất - Thương mại May Sài Gòn bất ngờ có cú bứt phá ngoạn mục. Sau hơn một tháng, cổ phiếu GMC đã tăng giá gần 100% - mức tăng nhất nhì trên HOSE. Lý do là từ kết quả kinh doanh rất tốt trong quý I/2009: lợi nhuận sau thuế (LNST) của Công ty đạt 7,5 tỷ đồng, tăng 66,5% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường trọng điểm của GMC tập trung tại các khu vực là tâm chấn của cuộc khủng hoảng: Hoa Kỳ (40%), châu Âu (40%) và Nhật Bản (20%). Những tưởng Công ty sẽ khó khăn trong năm 2009, nhưng sự thành công của GMC khá đơn giản: tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm. Các đơn hàng đã ký đủ cho Công ty duy trì sản xuất đến tận tháng 11/2009.
Trong nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường, VNM, FPT, PVD gây ấn tượng với mức tăng trưởng LNST lần lượt 60,8%, 28,7%, 24% so với quý I/2008. Đặc điểm chung của cả ba blue-chip trên là đầu ra được đảm bảo vững chắc: VNM là thương hiệu sữa "thống trị" thị trường nội địa trong dòng sản phẩm trung cấp; bất chấp nhiều biến động, hơn 1 năm qua PVD vẫn duy trì lợi nhuận ổn định nhờ các hợp đồng cho thuê giàn khoan dài hạn (kết thúc trong tháng 5/2009); với FPT, các mảng tích hợp hệ thống, dịch vụ viễn thông, xuất khẩu phần mềm vẫn có mức tăng trưởng khá. Tương tự, hai cổ phiếu lớn thuộc ngành điện là PPC và VSH vẫn duy trì được đà lợi nhuận với lợi thế đầu ra ổn định: nếu LNST của PPC đạt 284 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2008 thì LNST của VSH đạt 121 tỷ đồng, tăng gần 20%.
Xét về nhóm ngành, lợi nhuận ổn định của ngành dược xứng đáng với sự kỳ vọng của NĐT. Các công ty trong ngành đều có mức tăng trưởng LNST từ khá đến rất tốt so với cùng kỳ năm trước: CTCP Dược Domexco (DMC) đạt 19,8 tỷ đồng lợi nhuận (tăng 36,5%), CTCP Dược OPC (OPC) đạt 9,67 tỷ đồng (tăng 56,4%); CTCP Dược Cửu Long (DCL) đạt 13,76 tỷ đồng (tăng 17,6%). Riêng CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP) đạt 16,4 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ so với quý I/2008…
Ngành nhựa cũng có bước tiến về lợi nhuận. Đặc biệt ấn tượng là CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền phong (NTP) và CTCP Nhựa Bình Minh (BMP). Trong quý I/2009, LNST của NTP đạt 54,4 tỷ đồng, tăng 55,74% so với cùng kỳ năm trước. BMP tỏ ra không hề thua kém khi đạt 40,9 tỷ đồng LNST, tăng 53,2%. Thị phần ổn định, hệ thống phân phối nội địa rộng, chính sách giá thành hợp lý cộng với việc tận dụng được lợi thế lãi suất ưu đãi, dầu thô đứng giá (ảnh hưởng đến nguyên liệu đầu vào) đã giúp hai công ty thuộc tốp đầu ngành nhựa có kết quả kinh doanh khả quan…
… và những nốt trầm
Quý I/2009 là quý thứ hai liên tiếp CTCP Nam Việt (ANV) thua lỗ. Suy thoái kinh tế thế giới đã tác động mạnh mẽ đến các DN thủy sản. Khó khăn của ngành có thể định lượng qua các con số từ BCTC quý I/2009 của của ANV - một trong những DN đầu ngành. Trong quý I/2009, doanh thu của ANV chỉ đạt 407 tỷ đồng, bằng 58% so với cùng kỳ năm trước; vào ngày 31/3/2009 lượng hàng tồn kho của Công ty là 570 tỷ đồng, chỉ giảm 11% so với cuối năm 2008. Lũy kế hai quý vừa qua, ANV lỗ hơn 200 tỷ đồng. Tương tự, các công ty thủy sản đã công bố BCTC quý I như TS4, AGF, ABT... đều có mức LNST giảm mạnh, từ 20 - 65% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Nga (chiếm 30% kim ngạch xuất khẩu của các DN thủy sản Việt Nam vào tháng 12/2008) đóng cửa trong quý I; đơn hàng ít, giá giảm tại các thị trường chiến lược như Mỹ, châu Âu là thực tế khó khăn mà các DN thủy sản phải đối mặt. Tuy nhiên, xét về yếu tố mùa vụ, quý I như thường lệ chưa phải là thời điểm sản xuất - kinh doanh chính của DN thủy sản. Đồng thời, thị trường Nga đã được mở lại từ quý II/2009 là hy vọng để DN thủy sản cải thiện kết quả kinh doanh nghèo nàn thời gian qua.
Hoạt động của ngành vận tải biển, logistics cũng mang màu sắc u ám. Trong quý I/2009, CTCP Vitranschart (VST) lỗ 63,5 tỷ đồng; CTCP Đầu tư và Vận tải Dầu khí Vinashin (VSP) lỗ 111,924 tỷ đồng. Lợi nhuận trong lĩnh vực hoạt động chính của các công ty trong ngành logistics như CTCP Safi (SFI), CTCP Transimex (TMS) cũng giảm từ 20 - 30%. Suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của ngành: giá cước vận tải giảm hơn 80%; nhu cầu thấp do lượng hàng hóa xuất khẩu giảm, cạnh tranh tăng lên...
Trả lời ĐTCK, ông Trương Đình Sơn, Tổng giám đốc VST cho rằng, chỉ kỳ vọng Công ty hòa vốn trong quý II, mức lãi trong quý III bù đắp cho số lỗ quý I, hiệu quả kinh doanh của VST sẽ phụ thuộc vào lợi nhuận quý IV. Còn ông Trần Nguyên Hùng, Tổng giám đốc SFI lại cho biết, đối mặt với những khó khăn khách quan, Công ty chỉ có giải pháp duy nhất là tiết kiệm chi phí. Ông Hùng đánh giá, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, không phải là chiến lược giúp DN duy trì lợi nhuận, nếu khủng hoảng kinh tế còn kéo dài.
Giang Thanh
đầu tư chứng khoán
|