Có nên công bố báo cáo tài chính chưa kiểm toán?
Từ trước đến nay, báo cáo tài chính (BCTC) doanh nghiệp, dù đã kiểm toán hay chưa, luôn là một trong những thông tin quan trọng và tin cậy để NĐT phân tích, đánh giá cổ phiếu và ra quyết định đầu tư. Nhưng sau khi trang web Stox.vn thống kê về sai lệch giữa BCTC năm 2008 chưa kiểm toán với báo cáo đã kiểm toán thì NĐT đều giật mình xem xét lại. Trong 357 DN niêm yết trên cả hai sàn, ít nhất 194 DN có sự chênh lệch về chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế trước và sau khi kiểm toán, trong đó 47 DN có sự chênh lệch trên 50%.
Chẳng hạn, FPC công bố lỗ 44,4 tỷ đồng, nhưng sau khi kiểm toán thì lỗ 83,2 tỷ đồng. Tương tự, TPC từ lỗ 51 tỷ đồng thành lỗ 61,6 tỷ đồng; KDC từ lãi 142,3 tỷ đồng thành lỗ 60,6 tỷ đồng; NVC từ lãi 0,5 tỷ đồng thành lỗ 44,4 tỷ đồng; MPC từ lãi 4 tỷ đồng thành lỗ 38,1 tỷ đồng; NKD từ lãi hơn 38 tỷ đồng thành lãi chưa đầy 1 tỷ đồng; NTL từ lãi 98,7 tỷ đồng về 61,8 tỷ đồng; SJS từ lãi 175,1 tỷ đồng về 118,8 tỷ đồng...
Nguyên nhân chênh lệch được nhiều DN giải trình là do cách tính trích lập dự phòng khác nhau giữa ngân hàng và công ty kiểm toán đối với các loại cổ phiếu chưa niêm yết, cách ghi nhận các khoản thu và chi phí có sự khác biệt đối với một số ngành như bất động sản, công ty có đầu tư tài chính…
Trước đây, sự chênh lệch về lợi nhuận giữa BCTC trước và sau khi kiểm toán cũng có, nhưng không lớn và phổ biến như năm vừa qua. Việc DN đang từ lãi nhiều thành lãi ít, đang từ lãi thành lỗ đã làm giảm sút nghiêm trọng niềm tin của NĐT vào DN, vào TTCK, nhất là khi hiện tượng này gây thiệt hại cho NĐT.
Thực tế, BCTC (quý, năm) của DN chưa qua kiểm toán đều được đăng tải trên bản tin của Sở/Trung tâm GDCK, báo viết, Internet... Nhiều NĐT khi đọc đều coi đây là những thông tin tin cậy và căn cứ vào đó để phân tích, ra quyết định đầu tư.
Theo ông Bùi Nguyên Hoàn, Trưởng văn phòng đại diện UBCK các tỉnh phía Nam, DN thường lập BCTC năm xong là công bố ngay trên các phương tiện thông tin đại chúng, rồi sau khi kiểm toán thông qua, DN lại tiếp tục công bố một lần nữa. Với sự sai lệch lệch về lợi nhuận trước và sau khi kiểm toán hiện nay, NĐT cần xem lại cách tiếp nhận thông tin, nên coi BCTC chưa kiểm toán chỉ là tư liệu tham khảo, không phải những thông tin chuẩn xác.
Hiện thời hạn để một DN niêm yết công bố BCTC quý là 25 ngày kể từ ngày kết thúc quý và thời hạn để công bố BCTC năm đã kiểm toán là 100 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Thực tế thì thời gian từ khi DN công bố BCTC chưa kiểm toán đến khi công ty kiểm toán kiểm toán xong báo cáo là khá dài. Do đó, theo ông Hoàn, cần rút ngắn khoảng thời gian này lại. Muốn vậy, DN phải ký hợp đồng với công ty kiểm toán trong thời gian dài hạn, tối thiểu là 3 năm. Công ty kiểm toán phải theo dõi sát DN từng quý, để đến khi kết thúc năm, khi DN lập BCTC thì thời gian kiểm toán được rút ngắn và công bố ngay ra công chúng (DN không cần công bố báo cáo chưa kiểm toán), tránh tình trạng chênh lệch số liệu nêu trên ảnh hưởng đến niềm tin thị trường và gây thiệt hại cho rất nhiều nhà đầu tư.
Mai Ly
Đầu tư chứng khoán
|