Thứ Năm, 07/05/2009 10:54

“Mất bò vẫn khó… rào chuồng"

Sau 9 năm TTCK Việt Nam hoạt động, gần đây thị trường bắt đầu xuất hiện những sự cố bất thường biểu hiện qua việc một số nhân viên công ty chứng khoán (CTCK) bị khởi tố hay việc CTCK phải chạy theo những vụ khiếu kiện với nhà đầu tư (NĐT) liên quan đến khoản tranh chấp có giá trị hàng chục tỷ đồng… Những sự cố này có nguyên nhân chung từ lỗ hổng trong quản trị rủi ro tại nhiều CTCK, những lỗ hổng không những làm CTCK nơi xảy ra sự cố phải gánh chịu hậu quả, mà còn là bài học cho khối CTCK nói chung và cả cơ quan giám sát TTCK trong việc quản lý rủi ro để ngăn chặn nguy cơ lan rộng của loại sự cố này.

Theo tìm hiểu của ĐTCK, do không được mở 2 tài khoản nên nhiều NĐT đã thực hiện ủy quyền giao dịch trên tài khoản của người khác. Đây chính là điểm khởi đầu cho việc xảy ra những sự cố đáng tiếc vì khi thực hiện ủy quyền hai bên đều đồng ý, nhưng khi phát sinh mâu thuẫn về quyền lợi sẽ rất dễ xảy ra tranh chấp không chỉ giữa NĐT với NĐT mà còn giữa NĐT với cả CTCK.

Liên quan đến quản lý rủi ro tại CTCK, theo quy định, khi nộp hồ sơ xin thành lập CTCK, các công ty đều phải xây dựng quy trình quản lý rủi ro và quy trình kiểm soát nội bộ. Tuy nhiên, việc xây dựng quy trình chỉ mang tính hình thức, bởi điều quan trọng là con người thực hiện quy trình này ra sao. Nếu tuân thủ đúng theo quy trình thì sẽ rất khó xảy ra những việc như NĐT rút tiền trái phép hoặc lạm dụng tài khoản tiền và chứng khoán của NĐT khác.

Một số chuyên gia cho rằng, để hạn chế việc xâm phạm, chiếm dụng tài khoản (vay mượn chứng khoán, bán lúc đắt mua lại lúc rẻ…), ngoài việc tuân thủ quy trình giao dịch chung, các CTCK còn cần có quy định kiểm tra chéo giữa các bộ phận, xây dựng những "bức tường lửa" giữa bộ phận kế toán, công nghệ thông tin, môi giới… Đồng thời, thực hiện việc luân chuyển cán bộ giữa các bộ phận. Quan trọng nhất để hạn chế tình trạng này là xây dựng quy trình chặt chẽ cùng với việc xử phạt nghiêm minh. Tùy theo tính chất của những sơ sót mà công ty có thể có những xử lý phù hợp, cao nhất là buộc nhân viên thôi việc.

Về phía cơ quan quản lý, trả lời câu hỏi việc giám sát giao dịch tại CTCK được thực thi như thế nào, ông Trương Lê Quốc Công, Trưởng ban Giám sát, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, việc giám sát hoạt động của CTCK được hướng dẫn tại nhiều văn bản, mà mới nhất là Quyết định 127/2008/QĐ-BTC của Bộ Tài chính. Đối với CTCK, UBCK thực hiện việc kiểm tra định kỳ. Tuỳ theo tình hình thị trường và thường là vào dịp cuối năm, UBCK lên kế hoạch kiểm tra định kỳ cho năm sau. Mỗi năm sẽ có khoảng 10 CTCK được chọn để thực hiện việc kiểm tra. UBCK hiện có 5 bộ phận kiểm tra, giám sát gồm: Bộ phận Kinh doanh giám sát CTCK, Bộ phận Quản lý quỹ giám sát hoạt động các công ty quản lý quỹ, Bộ phận Quản lý phát hành giám sát hoạt động các công ty đại chúng, Bộ phận Giám sát giám sát các giao dịch, Bộ phận Thanh tra giám sát chung, tổng thể.

Việc ngăn ngừa các sự cố liên quan đến tranh chấp tiền và chứng khoán trên TTCK là điều cơ quan quản lý rất mong muốn thực hiện, nhưng theo đại diện Ban Giám sát thì điều này còn phụ thuộc vào hệ thống công nghệ. Trên thế giới, riêng về giám sát TTCK có tới vài chục phần mềm, trong khi đó tại Việt Nam hầu như vẫn làm thủ công nên khả năng phát hiện ra những lỗ hổng hay những sai phạm trong giao dịch vẫn còn hạn chế. Theo ông Công, trong bối cảnh này, quan trọng nhất là bộ máy kiểm soát nội bộ tại các CTCK phải hoạt động mạnh mới hạn chế được rủi ro.

Dường như ý thức được những rủi ro có thể xảy ra với CTCK, không ít lần UBCK có công văn nhắc nhở về việc tăng cường quản lý rủi ro tại CTCK. Cuối năm 2008, UBCK đã có công văn yêu cầu các CTCK tăng cường kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro, thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp nhằm tránh xung đột lợi ích và đảm bảo quyền lợi của khách hàng theo quy định của pháp luật. Đảm bảo tuân thủ quy định tách bạch tài sản (tiền và chứng khoán) của NĐT và của CTCK; tuyệt đối không được sử dụng tài sản của NĐT sai mục đích.

UBCK kêu gọi như vậy, nhưng CTCK thực hiện được hay không lại là việc khác. Đơn cử như việc cơ quan này yêu cầu CTCK tách bạch tài khoản tiền của NĐT và tài khoản của CTCK với thời hạn chót là cuối năm 2008, nhưng đến nay, bao nhiêu công ty đã thực hiện, bao nhiêu công ty chưa thực hiện lại không được thông tin rõ ràng. TTCK rất có thể sẽ còn phải chứng kiến những sự cố liên quan đến tranh chấp tiền và chứng khoán chừng nào cơ quan quản lý chưa quyết liệt buộc CTCK phải tuân thủ quy trình về quản trị rủi ro và bản thân các CTCK chưa tự khép mình vào những quy định chặt chẽ do chính mình đặt ra.        

Đông Hải

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Đóng cửa đại lý nhận lệnh: Vẫn chưa thông! (07/05/2009)

>   SSI: GD cổ phiếu của tổ chức có liên quan đến cổ đông nội bộ (07/05/2009)

>   Tấm áo chật (07/05/2009)

>   PGS: Báo cáo tài chính tóm tắt quý I năm 2009 (29/04/2009)

>   SJE: Báo cáo tài chính tóm tắt quý I năm 2009 (29/04/2009)

>   SJM: Báo cáo tài chính tóm tắt quý I năm 2009 (29/04/2009)

>   "TTCK đang phản ánh kỳ vọng vào tương lai" (07/05/2009)

>   VGP: Báo cáo thường niên 2008 (05/05/2009)

>   VHG: Giải trình biến động lợi nhuận Quý 1/2009 so với Quý 4/2008 (06/05/2009)

>   TNC: GD cổ phiếu của người có liên quan đến cổ đông nội bộ (06/05/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật