Thứ Năm, 07/05/2009 10:48

Đóng cửa đại lý nhận lệnh: Vẫn chưa thông!

Trong thời gian qua, đã có nhiều quan điểm khác nhau về việc nên hay không nên đóng cửa đại lý nhận lệnh (ĐLNL) của các công ty chứng khoán (CTCK). Ngày 23/4 vừa qua, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã chính thức ban hành Công văn số 661/UBCK-QLKD gửi các CTCK về việc đóng, mở các ĐLNL. Theo đó, UBCK yêu cầu các CTCK thực hiện nghiêm những quy định về ĐLNL thể hiện trong Quyết định số 126/2008/QĐ-BTC về việc đóng cửa các ĐLNL trong vòng 1 năm kể từ ngày quyết định này có hiệu lực. Cơ quan quản lý thì vẫn “cứ theo luật mà làm”, còn CTCK thì đang cố gắng tìm hướng đi mới để vẫn có thể tồn tại các ĐLNL mà mình đã bỏ công sức gây dựng trong một thời gian dài.

Ông Nguyễn Thọ Phùng, Phó giám đốc CTCK Công thương (VietinbankSC) cho biết, việc phát triển ĐLNL của VietinbankSC đã nằm trong lộ trình của Ngân hàng Công thương (Vietinbank) nên Công ty vẫn thực hiện theo đúng lộ trình đó, đến nay VietinbankSC đã mở hơn 60 ĐLNL và sẽ phát triển thêm trong thời gian tới. Không riêng gì VietinbankSC, trong thời gian qua, CTCK Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, CTCK Ngoại thương… vẫn tiến hành mở thêm ĐLNL. Trên thực tế, hoạt động của ĐLNL có vai trò rất quan trọng, mang lại một nguồn thu phí đáng kể cho nhiều CTCK, đặc biệt là công ty trực thuộc ngân hàng mẹ. Một ĐLNL lớn hàng năm có thể mang lại khoản thu phí hàng tỷ đồng. Việc phát triển đại lý cũng là phương thức mở rộng mạng lưới một cách nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm nguồn lực con người và cơ sở vật chất.

Thực tế, để triển khai một ĐLNL, CTCK và đối tác phải đầu tư về con người, cơ sở vật chất như phòng giao dịch, trang thiết bị, đường truyền… khá tốn kém. Và rằng, nếu chỉ bằng một quyết định hành chính, cả một hệ thống đại lý được đầu tư phát triển trong nhiều năm phải chấm dứt hoạt động thì sẽ có những hệ lụy đáng kể về công ăn việc làm, thu nhập và cũng làm mất đi cơ hội đến với TTCK của đông đảo nhà đầu tư ở các vùng, miền không có điều kiện thuận lợi trong việc giao dịch qua Internet.

Ông Phùng cho biết, VietinbankSC cũng như nhiều CTCK khác không đồng tình với Quyết định 126, nên chăng thay vì đóng cửa các ĐLNL thì cơ quan quản lý có thể cho phép thay thế theo một mô hình mới hợp lý hơn, như các tổ chức môi giới chẳng hạn. Theo hình thức này, tổ chức môi giới chỉ thực hiện một chức năng duy nhất là nhận lệnh cho nhà đầu tư. Hơn nữa, hoạt động theo mô hình các tổ chức môi giới cũng đã được nhiều TTCK tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản… áp dụng. Tuy nhiên, cần phải có những cam kết ràng buộc giữa tổ chức môi giới với CTCK.

Giám đốc một CTCK khác cho biết, thay vì buộc CTCK đóng cửa ĐLNL, cơ quan quản lý nên quy định các tiêu chí rõ ràng về hoạt động của một ĐLNL. Không thể vì một số ĐLNL vi phạm mà xóa bỏ cả một hệ thống. “Đừng theo kiểu quản không được thì cấm, vì việc xóa bỏ ĐLNL ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của CTCK”, vị giám đốc này bức xúc nói.

Mặt khác, việc nâng cấp ĐLNL thành phòng giao dịch phải đáp ứng nhiều điều kiện như có trụ sở và trang bị, thiết bị phục vụ giao dịch chứng khoán, công bố thông tin, có thiết bị lưu trữ chứng khoán. Ngoài ra, hồ sơ đề nghị lập phòng giao dịch cũng phức tạp và cần nhiều giấy tờ hơn, như giấy đề nghị lập phòng giao dịch, văn bản thuyết minh sự cần thiết lập phòng giao dịch kèm theo quy trình thực hiện các nghiệp vụ tại phòng giao dịch..., thực sự tốn kém mà chưa biết hiệu quả như thế nào.

Đại diện của CTCK APEC, một trong những công ty có hệ thống ĐLNL lớn nhất hiện nay, cũng đồng tình với quan điểm là sẽ rất hợp lý nếu cơ quan chức năng cho phép các ĐLNL tồn tại nhưng với điều kiện chặt chẽ hơn. Đối với những ĐLNL vi phạm thì phải xử phạt công khai và nghiêm khắc để đảm bảo tính răn đe.

Tính đến thời điểm hiện nay, hàng trăm ĐLNL được ra đời theo Quyết định 27/2007/QĐ-BTC và đã phục vụ cho nhiều nhà đầu tư, cũng như mang lại một khoản thu đáng kể cho các CTCK. Dù rằng, trong Quyết định 126, Bộ Tài chính đã dành một khoảng thời gian là 1 năm để cho các CTCK chuẩn bị việc đóng cửa ĐLNL, nhưng khoảng thời gian này vẫn là quá ít. Mất nhiều năm gây dựng để rồi chỉ trong 1 năm phải dẹp bỏ là một quy định gây nhiều bức xúc đối với các CTCK. Các thành viên thị trường vẫn chờ sự thay đổi từ phía cơ quan quản lý trong việc tìm hướng đi mới để vẫn có thể tồn tại được các ĐLNL nhưng theo một hình thức khác, hoặc có thể có những quy định chặt chẽ, sát sao hơn đối với hoạt động của các ĐLNL.

Hải Vân

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   SSI: GD cổ phiếu của tổ chức có liên quan đến cổ đông nội bộ (07/05/2009)

>   Tấm áo chật (07/05/2009)

>   PGS: Báo cáo tài chính tóm tắt quý I năm 2009 (29/04/2009)

>   SJE: Báo cáo tài chính tóm tắt quý I năm 2009 (29/04/2009)

>   SJM: Báo cáo tài chính tóm tắt quý I năm 2009 (29/04/2009)

>   "TTCK đang phản ánh kỳ vọng vào tương lai" (07/05/2009)

>   VGP: Báo cáo thường niên 2008 (05/05/2009)

>   VHG: Giải trình biến động lợi nhuận Quý 1/2009 so với Quý 4/2008 (06/05/2009)

>   TNC: GD cổ phiếu của người có liên quan đến cổ đông nội bộ (06/05/2009)

>   RAL: Giải trình chênh lệch BCTC Quý 1 (06/05/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật