Tiền đi tìm cơ hội tốt
Nhiều quỹ đầu tư, công ty chứng khoán đang giữ một lượng lớn tiền mặt và trái phiếu, một số quỹ khác cơ cấu danh mục tăng gấp đôi, gấp ba lượng tiền mặt trong tài khoản của mình như VinaCapital. Sớm muộn gì tiền từ các tổ chức đầu tư này cũng sẽ quay trở lại thị trường. Vấn đề là họ chọn những món hàng nào?
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát cho biết, trong tháng 4, nhiều quỹ đầu tư trong nước và nước ngoài đã đến tìm hiểu, thăm quan tổ hợp nhà máy của Hòa Phát tại Khu công nghiệp Như Quỳnh và Khu công nghiệp Phố Nối A. “Họ đặc biệt quan tâm đến quy trình sản xuất thép xây dựng, ống thép và nội thất, những ngành hàng cốt lõi của chúng tôi”, ông Long nói.
Trong cùng thời gian này, cổ phiếu HPG của Hòa Phát là một trong những cổ phiếu mà nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) liên tiếp mua ròng. Đến ngày 24/4, nhà ĐTNN đã sở hữu 51.406.972 cổ phiếu HPG, chiếm hơn 26% vốn điều lệ Công ty và tăng 3% so với thời điểm đầu năm 2009.
Lý giải việc nhà ĐTNN mua ròng cổ phiếu HPG, chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) cho rằng, HPG có kết quả kinh doanh quý I khá ấn tượng, đạt 1.612 tỷ đồng doanh thu và 300 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, bằng 52% kế hoạch năm 2009. Về dài hạn, HPG sắp đưa vào vận hành 2 dự án lớn là khu liên hợp gang thép và xi măng (1 triệu tấn giai đoạn 1). Xi măng và sắt thép là 2 sản phẩm được hưởng lợi trước tiên từ chính sách kích cầu và chi tiêu cho đầu tư cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ trong năm nay.
Đại diện một quỹ đầu tư cho biết, thép xây dựng Hòa Phát đã từ vị trí thứ 5 vươn lên thứ 4 với 9,5% thị phần trên toàn quốc. “Chúng tôi quan tâm tới các công ty đầu ngành, dựa vào thị trường nội địa để phát triển”, vị đại diện này nói. Quan sát động thái mua ròng của nhà ĐTNN trong tuần qua có thể nhận thấy, cổ phiếu được mua ròng là IMP, DPM, FPT, PPC…, đều là những doanh nghiệp đạt lợi nhuận khả quan trong quý I và doanh thu chính từ thị trường trong nước.
Theo ghi nhận của ĐTCK, động thái của các tổ chức đầu tư đã thay đổi. Từ án binh, tăng tỷ lệ tiền mặt bằng mọi cách, họ đã chuyển sang tìm kiếm cơ hội đầu tư. Các tổ chức hoạt động rất tích cực trong mùa ĐHCĐ năm nay. Không chỉ cử người đi dự ĐHCĐ của các công ty có giữ cổ phiếu, chuyên gia phân tích nhiều tổ chức đầu tư còn tham dự hầu hết ĐHCĐ của các công ty có thương hiệu trên thị trường niêm yết cũng như chưa niêm yết. “Tôi không trực tiếp tham dự, nhưng mọi diễn biến của đại hội đều được báo cáo chi tiết. Bỏ tiền vào đâu khi thị trường phục hồi để có mức sinh lời cao hơn mức lợi nhuận chung của thị trường là câu hỏi chúng tôi đang tìm câu trả lời”, giám đốc đầu tư một quỹ ĐTNN lớn tại Việt Nam cho biết.
Ông Choi Chang Hoon, Giám đốc khối đầu tư của Thăng Long Meritz (TLM Capital) chia sẻ, hoạt động trong giai đoạn hiện nay để chuẩn bị cho thời điểm hồi phục của thị trường, dự kiến vào cuối năm nay. Một đại diện của Systex nhận định: “Chúng tôi tin rằng, năm 2009 là thời điểm tốt nhất để đầu tư ” .
Một số tổ chức đầu tư trong nước đang nắm giữ một lượng tiền mặt lớn và đang có kế hoạch chuyển dần lượng tiền mặt và trái phiếu sang cổ phiếu. Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết, SSI hiện còn khoảng 700 tỷ đồng tiền mặt chưa kể trái phiếu và cổ phiếu các loại. Danh mục đầu tư của SSI, theo ông Hưng, gồm cổ phiếu của các công ty đầu ngành có tính thanh khoản cao như VSH, TBC, HAG. Quỹ Đầu tư tầm nhìn SSI đang có 40% cổ phiếu, 45% trái phiếu, còn lại là tiền mặt. “Định hướng đầu tư của SSI như thế nào, các đối thủ, cổ đông đều muốn biết, nhưng chưa thể nói ra. SSI sẽ ưu tiên quản lý rủi ro và tận dụng cơ hội đầu tư vì theo tôi, thị trường ở giai đoạn sáng thì chưa sáng, nhưng tối hơn nữa thì khó”, ông Hưng nhận định.
HSC cũng còn hơn 1.000 tỷ đồng tiền mặt, trái phiếu và dự định sẽ chuyển một phần số tiền này sang cổ phiếu trong năm nay theo chuyển biến của thị trường. Quỹ Đầu tư Prudential còn khoảng 350 tỷ đồng tiền mặt và trái phiếu sẽ tìm địa điểm để giải ngân ít nhất 30% trong năm nay hoặc có thể giải ngân nhiều hơn, tới 70% giá trị tài sản ròng của Quỹ.
Động thái bán ra cổ phiếu để cơ cấu danh mục của Chứng khoán Bảo Việt, Tài chính Dầu khí trong tháng 4 khi thị trường phục hồi cũng là một chỉ báo cho thấy, các tổ chức đầu tư sẽ tìm kiếm những cổ phiếu có khả năng đem lại tỷ suất lợi nhuận cao nhất, khi mà nguồn vốn không còn dồi dào như trước mà lại có nhiều lựa chọn hấp dẫn để đầu tư.
Một đặc điểm trong động thái mua bán của nhà ĐTNN, kể cả tổ chức đầu tư mà nhà đầu tư cá nhân cần quan tâm đó là xu hướng hiện thực hóa lợi nhuận trong ngắn hạn. Đó là lý do vì sao gần đây những cổ phiếu như SSI, TDH, HPG, DPM được nhà ĐTNN mua nhiều nhất, nhưng cũng được họ bán nhiều nhất. Một số nhà đầu tư đã mua những cổ phiếu này ở giá thấp và hiện thực hóa lợi nhuận, trong khi số khác lại mua vào để đón đầu một chu kỳ phục hồi giá mới ở phía trước. Việc hiện thực hóa lợi nhuận, bán cổ phiếu không phải là việc rút vốn khỏi thị trường, mà là quay vòng vốn nhanh bằng việc mua lại chính cổ phiếu đã bán ở mức giá thấp hơn hay các cổ phiếu khác. Nhưng dù gì thì các tổ chức đầu tư đã ở trong trạng thái “tìm mồi”, chứ không phải nghỉ ngơi, tránh bão như năm ngoái. Đó là tín hiệu tốt của thị trường.
Thành Nam
Đầu tư chứng khoán
|