Doanh nghiệp niêm yết vượt khó
Biến động từ kinh tế thế giới đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu lớn như Việt Nam. Doanh nghiệp đã làm gì để chống đỡ khó khăn, liệu kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2009 có hoàn thành? Nhằm cung cấp thông tin cho nhà đầu tư, ĐTCK tiếp tục đăng tải ý kiến một số doanh nghiệp niêm yết.
Ông Nguyễn Quốc Định, Phó tổng giám đốc CTCP Imexpharm (IMP)
Ngành dược là một ngành công nghiệp đặc thù mà mọi hoạt động của nó gắn bó mật thiết với sức khỏe con người. Chúng tôi tin rằng, các cổ đông gắn bó lâu dài với IMP hiểu rõ điều này và thông cảm không gây áp lực với Công ty về lợi nhuận. Chúng ta chấp nhận một tỷ lệ lợi nhuận hợp lý, với doanh số phát triển ổn định kèm theo công nghệ được đầu tư theo chiều sâu, phát triển bền vững và lâu dài.
Hiện tại, cơ cấu sản phẩm của IMP gồm 200 sản phẩm, trong đó 150 sản phẩm mang thương hiệu IMP, 50 sản phẩm còn lại là sản xuất nhượng quyền. Do đặc thù của ngành chăm sóc sức khỏe, sức tiêu thụ sản phẩm của Công ty không ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Tuy nhiên, quý I/2009, doanh số của Công ty có sự giảm sút so với cùng kỳ năm trước, bởi lẽ quý I/2008 IMP đã thực hiện chương trình cung cấp thuốc chống lao theo đơn đặt hàng của Chính phủ. Năm 2009, IMP sẽ thực hiện muộn hơn. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế trong quý I/2009 của Công ty dự kiến sẽ tương đương với mức năm ngoái (hơn 16 tỷ đồng).
Quý I đã qua, nhưng mối lo lớn nhất của lãnh đạo IMP trong cả năm 2009 là yếu tố tỷ giá. VND đang được từng bước thả nổi. Trước đây, IMP sử dụng các công cụ phái sinh của các NHTM, nhưng từ quý II/2009, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương tạm ngừng cung cấp các sản phẩm này. Các công ty nhập khẩu nhiều nguyên liệu như IMP sẽ gặp khó. Mặt khác, nguyên liệu nhập khẩu của IMP hầu hết là từ châu Âu, ngoại tệ thanh toán đa dạng. Với cơ chế điều hành tỷ giá hiện tại, chỉ tỷ giá VND/USD được kiểm soát, tỷ giá các ngoại tệ khác biến động mạnh do được điều chỉnh qua cơ chế tỷ giá chéo - một rủi ro khác của IMP.
Trong năm 2009, IMP không có dự án đầu tư mới, Công ty phấn đấu hoàn thành Nhà máy Cephalosporin tại Bình Dương, dự kiến đi vào hoạt động trong quý IV/2009. Năm nay, IMP đang và sẽ đàm phán thêm một số hợp đồng sản xuất thuốc nhượng quyền.
Ông Trần Hồng Thanh, Tổng giám đốc CTCP Bánh kẹo Hải Hà (HHC)
Hết quý I/2009, doanh thu của HHC ước đạt 121 tỷ đồng, bằng 114% so với cùng kỳ năm 2008; lợi nhuận trước thuế ước đạt 6,1 tỷ đồng, bằng 105% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng hoạt động của Công ty vẫn bình thường, lượng hàng tiêu thụ ổn định. Sản lượng không tăng, nhưng doanh thu tăng là do HHC chuyển đổi cơ cấu sản phẩm, từ sản phẩm thấp cấp sang cao cấp. Hiện doanh thu xuất khẩu chỉ chiếm 1%, nhưng thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh xuất khẩu. Kế hoạch di dời nhà máy của Công ty ra ngoại thành chưa thể thực hiện trong năm nay. Một mặt, do giá cả vật tư tăng cao, mặt khác TTCK đang suy giảm nên việc huy động vốn qua kênh này cũng gặp khó khăn.
Với kết quả khả quan trong quý I/2009, chúng tôi tin rằng, HHC sẽ đạt kế hoạch đề ra cho năm 2009. Theo Nghị quyết ĐHCĐ năm 2009, HHC đặt mục tiêu tổng doanh thu 450 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 23,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 17,4 tỷ đồng và cổ tức dự kiến 15%/vốn điều lệ.
Ông Lê Minh Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Ống thép Việt Đức (VGP)
Sản phẩm của VGP được sản xuất trên dây chuyền hiện đại và chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu. Tình hình kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp đến doanh số của VGP. Hết quý I/2009, VGP đạt 250 tỷ đồng doanh thu, khoảng 4 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Sở dĩ doanh thu không giảm vì những hợp đồng xuất khẩu của Công ty đều được ký trong năm 2008 và không xảy ra tình trạng hủy hợp đồng.
Năm 2009, VGP đặt mục tiêu 1.050 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế 19 tỷ đồng, cổ tức 10%. Dù vốn điều lệ đạt “chuẩn” và năm qua làm ăn có lãi, nhưng VGP không đặt vấn đề chuyển niêm yết từ HASTC vào HOSE. Trước mắt, chúng tôi tập trung củng cố nội lực, nâng cao chất lượng sản phẩm, ổn định sản xuất - kinh doanh.
Ông Phạm Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ (TSC)
Hoạt động sản xuất của TSC có tính chất mùa vụ, trong đó hiệu quả sản xuất - kinh doanh tốt nhất là vào quý I, quý III và IV. Hai tháng đầu năm nay, TSC đạt lợi nhuận trước thuế 11,827 tỷ đồng, bằng 19,71% kế hoạch năm 2009 (60 tỷ đồng). Công ty đang tập hợp số liệu để thực hiện báo cáo tài chính quý I/2009 và đây sẽ là báo cáo kiểm toán nên thời điểm hiện tại Công ty chưa thể công bố con số lợi nhuận.
Cuối năm 2008, TSC còn hơn 59.000 tấn phân bón tồn kho, trong đó có 49.000 tấn kali. Trong 3 tháng đầu năm, Công ty đã mở L/C nhập khẩu thêm 101.000 tấn phân bón các loại; trong đó, tính đến giữa tháng 3, lượng DAP về là 10.720 tấn và Công ty đã tiêu thụ hết. Tính đến thời điểm 15/3, TSC đã tiêu thụ được 31.000 tấn kali tồn kho, dự kiến số còn lại sẽ tiêu thụ hết khi bắt đầu mùa mưa, cây cao su được chăm bón (tháng 5). Thật ra, TSC có thể tiêu thụ hết ở thời điểm hiện tại nhưng giá bán chưa đạt đến ngưỡng Công ty kỳ vọng.
Một vấn đề gây quan ngại cho TSC là tỷ giá. Năm 2008, dù tỷ giá biến động không lớn và kim ngạch xuất khẩu chiếm đến 45% kim ngạch nhập khẩu, nhưng chỉ riêng chênh lệch tỷ giá cũng làm lợi nhuận của Công ty giảm 22 tỷ đồng. Năm 2009, dự báo tỷ giá VND/USD còn biến động mạnh hơn. Để chủ động đối phó với điều này, TSC đã chọn giải pháp khi mở L/C đặt tiền ký quỹ 10%, Công ty đã vay ngay VND để mua ngoại tệ. Điều này có thể làm chi phí vốn vay của TSC tăng cao, nhưng giúp Công ty tránh được rủi ro.
Trong năm 2009, TSC tiếp tục xây dựng và hoàn thiện dự án tổng kho chứa phân bón ở Long An. Kế hoạch đầu tư của TSC thận trọng và cân nhắc hiệu quả trong giai đoạn khó khăn này.
Đầu tư chứng khoán
|