Thứ Năm, 02/04/2009 11:57

Chọn 65% hay 51%?

Trong bối cảnh ĐHCĐ một số công ty niêm yết không thể diễn ra trong lần triệu tập đầu tiên, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) lập tức kiến nghị về việc tạo điều kiện cho công ty đại chúng tiến hành ĐHCĐ bằng cách giảm tỷ lệ cổ đông có quyền biểu quyết tham dự từ 65% xuống 51% và tỷ lệ cụ thể do điều lệ công ty quy định.

Đọc xong kiến nghị này, một số thành viên của VAFI giật mình vì chẳng thấy VAFI hỏi ý kiến. "Luật Doanh nghiệp quy định tỷ lệ 65% là để bảo vệ quyền lợi của cổ đông nhỏ. Nếu không có quy định này, chắc chắn cổ đông lớn chẳng quan tâm đến cổ đông nhỏ. Một hoặc hai cổ đông lớn đã đủ để đại hội thành công mà chẳng thèm đếm xỉa đến việc các cổ đông nhỏ có tham dự hay không", nhà đầu tư bình luận.

Phải thừa nhận rằng, lý do VAFI đưa ra làm cơ sở cho kiến nghị của mình xuất phát từ việc DN khó tổ chức được đại hội lần 1. Đối với DN có nhiều cổ đông, nhất là công ty niêm yết có hàng vạn cổ đông thì triệu tập ĐHCĐ nhiều lần gây tốn kém chi phí thông tin liên lạc, vận động cổ đông tham dự hoặc ủy quyền; tiền thuê hội trường, tiền chi phí cho đại hội...

Nhưng việc tổ chức ĐHCĐ lần đầu tiên thành công hay không cũng là thước đo đánh giá uy tín lãnh đạo, nỗ lực của công ty trong công tác quan hệ cổ đông (IR). Một lý do khiến nhiều cổ đông không mặn mà tham dự đại hội là kết quả kinh doanh của công ty niêm yết không tốt, một phần là do lỗi của công ty trong vấn đề liên lạc và giữ quan hệ với cổ đông. Một số công ty gửi thư mời quá gấp, không đăng tải hoặc gửi trước các tài liệu hoặc tài liệu quá sơ sài, làm giảm sự quan tâm của cổ đông trong việc tham gia tranh luận và biểu quyết tại đại hội; ý kiến cổ đông nhỏ không được coi trọng. Vì thế, việc cổ đông nhỏ không tham dự đại hội là một cách bày tỏ thái độ. Trong trường hợp này, chi phí tổ chức để đổi lại bài học cần quan hệ tốt với cổ đông cho lãnh đạo công ty đại chúng là cần thiết.

Nếu giảm tỷ lệ tối thiểu 65% xuống 51% cổ đông tham dự đại hội lần đầu thì với nhiều DN, cổ đông lớn họ đã thiếu ý thức tôn trọng, lại sẽ càng không có lý do gì phải thay đổi thái độ với cổ đông nhỏ. Về pháp lý, để giảm được tỷ lệ tối thiểu từ 65% xuống 51%, cần phải sửa Luật Doanh nghiệp, chứ không thể đơn thuần là một công văn cho phép của cơ quan chức năng.

Theo kinh nghiệm của các doanh nghiệp nước ngoài có số lượng cổ đông lớn, ứng dụng công nghệ thông tin là giải pháp để ĐHCĐ công ty đại chúng thành công.

Trước đại hội một thời gian, công ty đại chúng đưa tài liệu lên website của mình. Trong thư mời dự đại hội gửi các cổ đông, công ty cấp cho mỗi cổ đông một mã số biểu quyết. Với mã số này, cổ đông có thể truy cập vào cửa sổ "tham dự ĐHCĐ" để gửi kiến nghị đến ban lãnh đạo công ty và bỏ phiếu điện tử hoặc ủy quyền tham gia đại hội. Trong tài liệu đăng tải trên mạng, với từng vấn đề cần xin ý kiến cổ đông, HĐQT cũng nêu chính kiến của mình về việc cổ đông nên hay không nên thông qua vấn đề này, vì sao?

Như vậy, để cổ đông quan tâm dành thời gian đọc tài liệu và bỏ phiếu qua mạng, đòi hỏi lãnh đạo công ty phải làm tốt công tác IR. Thông tin về các nội dung cần xin ý kiến ĐHCĐ phải công khai, minh bạch và có tính thuyết phục cao. Việc chuẩn bị tài liệu đại hội một cách cẩu thả, chủ quan như ở một vài công ty niêm yết quy mô lớn đã được báo chí phản ánh trong thời gian qua là không thể chấp nhận được.

Với những phân tích trên, nhà đầu tư nhỏ sẽ chọn tỷ lệ tối thiểu 65% hay 51% cổ đông là điều kiện cho ĐHCĐ triệu tập lần đầu diễn ra? Thay vì giảm tỷ lệ cổ đông nhỏ tham gia đại hội, Luật hãy mở ra hình thức tham gia đại hội và bỏ phiếu điện tử cho cổ đông của công ty đại chúng.

Trước mắt, theo kiến nghị của đại diện một số quỹ đầu tư, nên cho phép cổ đông mua cổ phiếu sau ngày chốt quyền được tự động uỷ quyền Trung tâm Lưu ký chứng khoán hoặc một tổ chức trung gian tham dự đại hội như cách mà một số nước có TTCK phát triển đã làm. Ngoài ra, có thể xem xét rút ngắn quy định về thời gian tối thiểu từ ngày chốt danh sách đến ngày tổ chức đại hội từ ít nhất 1 tháng xuống mức thấp hơn.

Thành Nam

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Luật lỏng lẻo, công ty chứng khoán mặc sức lách (02/04/2009)

>   NAV: Ngày ĐKCC họp ĐHCĐ thường niên 2009 (01/04/2009)

>   NKD: Tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2009 (01/04/2009)

>   LCG: Giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ (01/04/2009)

>   UNI: Kết quả giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ (01/04/2009)

>   TCR: Thời gian, địa điểm tổ chức ĐHCĐ (01/04/2009)

>   KDC: Tổ chức ĐHCĐ thường niên 2009 (01/04/2009)

>   ALT: Nghị quyết ĐHCĐ thường niên năm 2009 (01/04/2009)

>   TS4: Nghị quyết Đại hội cổ đông năm 2009 (01/04/2009)

>   SGT: KQGD cổ phiếu của người có liên quan với cổ đông nội bộ (01/04/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật