Chông chênh kế hoạch lợi nhuận 2009
Câu chuyện về những "cú sốc" đối với kết quả kinh doanh năm 2008 của không ít DN, nhất là những DN thuộc nhóm ngành tài chính và nhạy cảm với chính sách tiền tệ đã khiến NĐT cảm thấy mơ hồ hơn về tương lai DN. Năm 2009, những kế hoạch kinh doanh bắt đầu có sự thay đổi theo hướng thận trọng, không còn những con số dự tính chắc nịch. Nhưng cái mà NĐT cần, vẫn là những kịch bản.
Từ lạc quan sang… mù mờ
Có lẽ, rút kinh nghiệm từ những sự cố khó lường năm 2008, nhiều DN đã thay đổi hoàn toàn cách công bố thông tin và đặt mục tiêu trong năm 2009. Thay vì những con số lạc quan (tếu), nhiều đơn vị đã chuyển hướng sang thận trọng và mù mờ!
Cuối tuần qua, Công ty Tài chính cổ phần Dầu khí (PVFC) tổ chức họp ĐHCĐ thường niên với kế hoạch kinh doanh năm 2009 là doanh thu 3.900 tỷ đồng, lợi nhuận 400 tỷ đồng. Tất nhiên, rút kinh nghiệm với những khó khăn năm 2008, lãnh đạo Công ty kèm theo điều kiện: VN-Index giả định khoảng 300 điểm. Sở dĩ PVFC phải có giả định này là vì năm 2008, Công ty đã phải dành tới 2.139 tỷ đồng cho trích lập dự phòng, trong đó gần 1.800 tỷ đồng là trích lập dự phòng giảm giá đầu tư. Như vậy, chỉ cần nhìn vào con số trích lập dự phòng đầu tư, NĐT cũng có thể hiểu, kết quả kinh doanh của PVFC "nhạy cảm" như thế nào với diễn biến của TTCK.
Trao đổi với ông Tống Quốc Trường, Tổng giám đốc PVFC bên lề cuộc họp về kế hoạch kinh doanh năm 2009, ông Trường cho biết: "PVFC đã có kế hoạch doanh thu, lợi nhuận cho từng kịch bản của thị trường và nền kinh tế. Tuy nhiên, đó là bí mật của Công ty, không thể nói tại đây!".
Quan sát trong cuộc họp, phần lấy ý kiến biểu quyết về kế hoạch kinh doanh năm 2009, người viết thấy có một NĐT nước ngoài giơ phiếu biểu quyết không đồng ý. Qua tìm hiểu, vị này (từ chối nêu tên) cho rằng, nếu Công ty giải thích rõ hơn về từng nghiệp vụ kinh doanh, những kế hoạch để đạt được mục tiêu và những rủi ro nếu có thì NĐT mới có thể đồng ý hay không đồng ý với phương án mà HĐQT đưa ra. "Giá như có thể lượng hóa nhiều hơn những tác động từ TTCK tới kết quả kinh doanh của Công ty thì tốt biết bao", vị này nói.
Kết thúc cuộc họp ĐHCĐ của PVFC, NĐT vẫn còn một số thắc mắc chưa được giải đáp (do hạn chế về thời gian), nhưng cũng đã có một số dấu hiệu khả quan cho tương lai DN, với kế hoạch điều chỉnh và sắp xếp lại bộ máy nhân sự, tăng trưởng dư nợ tín dụng... Đặc biệt, thông tin từ ông Nguyễn Khuyến Nguồn, Phó tổng giám đốc PVFC đã giải phóng tâm lý cho khá nhiều NĐT về những e ngại có thể có trong việc trích lập dự phòng. "Chúng tôi cũng đã cân nhắc rất nhiều […] Và cuối cùng, chúng tôi chọn phương án trích lập dự phòng theo nguyên tắc thận trọng. PVFC đảm bảo trích lập nghiêm túc các khoản đầu tư cổ phiếu niêm yết và dự phòng tín dụng; với các khoản đầu tư cổ phiếu chưa niêm yết, chúng tôi tham khảo giá của 3 CTCK là VNS, SBS và PVS để đánh giá lại giá trị khoản đầu tư một cách hợp lý".
Với PVFC, NĐT ít nhất còn đoán được một phần những gì có thể xảy ra; một số trường hợp khác, tìm đáp án cho tương lai DN năm 2009 thực sự là khó, ngay cả với ban điều hành. Trong nội dung xin ý kiến ĐHCĐ của CTCK Kim Long không nêu kế hoạch lợi nhuận cụ thể, mà theo đại diện của công ty này là "do thị trường chưa có cơ sở để dự đoán chính xác". Đại diện Kim Long chia sẻ một phương án: "Nếu không có hoạt động tự doanh thì cả năm, chi phí của Công ty rơi vào khoảng 58 tỷ đồng, doanh thu khoảng 32 tỷ đồng, tương đương mức lỗ khoảng 18 tỷ đồng cả năm".
Trường hợp của VF4, trong đại hội NĐT, Ban đại diện của Quỹ chỉ đưa ra mục tiêu tối ưu hoá danh mục đầu tư. Như vậy, NĐT rất khó có thể biết được năm 2009 chuyện gì sẽ xảy ra đối với chứng chỉ quỹ mà họ đang nắm giữ.
Cần những kịch bản cụ thể
Hơn một năm trước, CTCK Tràng An có lẽ là đơn vị duy nhất đưa ra các con số lỗ dự kiến nếu VN-Index ở các mức khác nhau. Nhiều người lúc đó coi đây là cảnh báo quá bi quan và thể hiện sự thua kém của Tràng An với các CTCK khác. Nhưng một năm nhìn lại mới thấy, cảnh báo mà Tràng An đưa ra không chỉ cần cho cổ đông của họ, mà còn cần cho nhiều NĐT khác trên thị trường.
Đối với một số DN, công tác dự báo và lên kế hoạch được thực hiện khá tốt, mà điển hình là các DN ngành cao su, trong đó có Công ty Cao su Hoà Bình. Đây là một DN tạo được niềm tin cho NĐT khi Công ty liên tục công bố tình hình khai thác mủ cao su và giá bán bình quân qua các quý. Ngay như kế hoạch kinh doanh năm 2009, trong trao đổi hồi tháng 1 với ĐTCK, Kế toán trưởng Công ty, ông Bùi Phước Tiên đã đưa ra các con số giả định về giá bán cao su và các phương án lợi nhuận đi kèm. Việc công khai cách tính chi phí, giá thành cho một tấn mủ cao su sẽ giúp NĐT tự mình đoán được một cách tương đối chính xác kết quả kinh doanh của DN. Đây là điều mà không ít DN làm được.
Thực tế, kế hoạch kinh doanh của DN bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố khó định lượng. Nhưng cũng chính vì thế mà NĐT mong muốn ban lãnh đạo DN cần nỗ lực tối đa trong lượng hoá các ảnh hưởng của mỗi yếu tố có thể dự đoán được đến tình hình kinh doanh của DN, để từ đó NĐT chủ động hơn trong mức giá chấp nhận giao dịch. Ngoài ra, khi chia thưởng, tính thù lao cho thành viên HĐQT, ban kiểm soát… NĐT thoải mái hơn do có cơ sở xem xét yếu tố đóng góp vào thành công chung của các đối tượng này.
Bùi Sưởng
Đầu tư chứng khoán
|