Đi qua “vùng giông bão”
Quý I/2009 đã khép lại với các khó khăn chồng chất của DN trong nước, hệ lụy từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Trong bức tranh chung ảm đạm, theo dự báo từ bộ phận phân tích của CTCK Vincom, SMES, Bản Việt, vẫn có một số nhóm ngành có lợi nhuận ổn định, dù kết quả kinh doanh sụt giảm hoặc tăng trưởng trong ngắn hạn chưa phản ánh hết “sức khỏe” và tiềm năng tăng trưởng thực sự của DN trong dài hạn.
Ngành điện
Đây là ngành nghề có hoạt động ổn định nhất. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hiện bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho DN sản xuất điện, trong đó thủy điện được ưu tiên phát điện do hiệu suất sử dụng và chi phí thấp hơn nhiệt điện. Dù chưa đàm phán thành công với EVN về hợp đồng tăng giá điện, nhưng theo chu kỳ kinh doanh hàng năm, quý I vẫn là quý mà VSH đạt hiệu quả cao do trữ lượng tích nước ở các hồ chứa dồi dào. PPC là DN đặc thù với khoản vay nợ lớn bằng yên Nhật (JPY). Nếu tỷ giá JPY/VND tăng 1 đồng thì Công ty sẽ phải trích lập dự phòng chênh lệch tỷ giá khoảng 36 tỷ đồng. Tỷ giá JPY/VND ngày 31/3/2009 là 184,66, trong khi kết thúc năm tài chính 2008, tỷ giá này là 184,96, do đó trong quý I/2009, PPC không phải trích lập thêm (việc trích lập này không làm thay đổi dòng tiền của PPC).
Ngành than
Đây là ngành mang tính chất đặc thù, các công ty khai thác than và bán cho đối tác được Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam chỉ định. Đặc trưng của ngành than là tỷ lệ lợi nhuận biên ổn định do sản phẩm đầu ra được bao tiêu 100% và chi phí ít thay đổi qua từng năm. Các công ty ngành than chỉ cung cấp dịch vụ khai thác, không có quyền sở hữu mỏ. Lợi nhuận của các công ty cao hay thấp phụ thuộc vào năng suất khai thác, quản lý chi phí, các rủi ro hỏng hóc dẫn đến dừng khai thác. Đa số nhóm cổ phiếu ngành than (NBC, THT, TC6, TCS, TDN, HLC) đều có doanh thu và lợi nhuận ổn định. Giá bán than có xu hướng đi lên trong quý I là lý do để kỳ vọng vào sự tăng trưởng lợi nhuận của các DN. Nhưng trên TTCK thời gian qua, các nhà ĐTNN có xu hướng bán ra cổ phiếu ngành than. Một trong những lý do là ngành này có tỷ lệ phân phối lợi nhuận sau thuế không hợp lý khi các quỹ khen thưởng phúc lợi thường chiếm tới 30% (khoản này không thuộc cổ đông phổ thông).
Ngành dược
Hiệu quả hoạt động của các DN ngành dược phụ thuộc chủ yếu vào yếu tố nguyên vật liệu đầu vào và giá bán sản phẩm đầu ra. Nguyên liệu mà các DN dược trong nước sử dụng phần lớn phải nhập khẩu. Trong quý I, giá nguyên vật liệu đầu vào tùy từng loại có tăng, có giảm, nhưng tổng thể không tạo áp lực mạnh đến tình hình sản xuất, kinh doanh của DN như nửa đầu năm 2008. Về sản phẩm đầu ra, giá bán của các DN đã được cam kết giữ ổn định và chịu sự bình ổn giá của Chính phủ. Nhân tố có khả năng tác động mạnh đến lợi nhuận của DN là tỷ giá. Trong quý I, Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá USD/VND trong dự liệu của các DN nên khó có khả năng lợi nhuận của IMP, DHG suy giảm.
Ngành xây dựng và vật liệu xây dựng
Đây là ngành được kỳ vọng phục hồi đầu tiên sau giai đoạn suy thoái do được hỗ trợ trực tiếp từ gói kích cầu của Chính phủ. Mặt bằng giá mới của nguyên vật liệu xây dựng đã được hình thành trong quý I. Một số DN có hoạt động sản xuất trực tiếp tới những sản phẩm được kích cầu như chung cư giá rẻ, cơ sở hạ tầng sẽ được hưởng lợi. Đặc thù của ngành là phần lớn doanh thu được ghi nhận vào quý IV. Tuy nhiên, một số DN có doanh thu và lợi nhuận rải đều vào các quý, có sản phẩm đặc trưng, phù hợp với phân khúc tiêu thụ của thị trường hứa hẹn mang lại doanh thu và lợi nhuận ổn định trong quý I/2009 như XMC, VCS, SCJ, BCC, BTS…
Ngành ngân hàng
Quý I, hoạt động của hệ thống ngân hàng không gặp khó khăn như năm 2008. Mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay đều bình ổn, các NHTM được hưởng lợi từ chính sách bù lãi suất của Chính phủ. Dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng không nhiều, trong khi tính đến ngày 26/3 đã có 178.722 tỷ đồng được giải ngân theo chủ trương này. Điều này có thể được nhìn nhận theo hướng một số khoản nợ xấu của ngân hàng đã được đảo nợ. Như vậy, một số khoản trích lập dự phòng nợ xấu có khả năng được hoàn nhập. Điều này về lâu dài gắn với rủi ro của cả hệ thống, nhưng ngắn hạn có thể làm lợi nhuận của ngân hàng khả quan hơn. Thị trường vàng vừa qua biến động mạnh cũng mang lại thu nhập cho một số ngân hàng có dịch vụ kinh doanh vàng.
Ngành hàng tiêu dùng
Đối với nhóm ngành đang lấy thị trường nội địa làm mục tiêu này, hoạt động kinh doanh tùy thuộc vào tính chất của sản phẩm. Có lẽ, những công ty như Vinamilk không gặp nhiều khó khăn, nhưng các DN sản xuất bánh kẹo, đồ uống có quy mô nhỏ… sẽ cảm thấy khó khăn hơn. Lý do chính là người tiêu dùng thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng do thu nhập giảm. NĐT nên đặt niềm tin vào các công ty có quy mô lớn, thị phần cao, thương hiệu mạnh…
Nhóm cổ phiếu có tính chất đặc thù
Trên HOSE và HASTC có những công ty có thể được đưa vào các nhóm đặc biệt, như các công ty thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Sông Đà, Vinaconex, Petrolimex… Việc kinh doanh được dựa vào công ty mẹ (vốn là những tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước) sẽ mang lại cho công ty con những lợi thế nhất định.
Giang Thanh
Đầu tư chứng khoán
|