Xuất khẩu gặp khó: Xoay xở tìm giải pháp
Tại các cuộc họp bàn biện pháp ứng phó với khó khăn trong lĩnh vực xuất khẩu, do một số hiệp hội ngành nghề chủ trì, nhiều ý kiến cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam nên tìm cách củng cố thị phần ở các thị trường lớn, bên cạnh việc mở rộng khai thác các thị trường nhỏ, chẳng hạn như Tây Á, Nam Á, châu Phi...
Lấy ví dụ như thị trường Trung Đông. Hiện khu vực Trung Đông rất chuộng các mặt hàng thủy sản của Việt Nam như cá tra, tôm, cá ba sa, cá ngừ... Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, hàng năm thị trường Liên hiệp các tiểu vương quốc Ả-Rập phải nhập đến 75% lượng hàng thủy sản. Hay mặt hàng áo thụng. Hầu như toàn bộ những chiếc áo thụng mà người dân theo đạo Hồi vùng Trung Đông đang mặc đều được nhập khẩu.
Ông Diệp Thành Kiệt, Tổng giám đốc Công ty Wec Sài Gòn, cho biết hiện cộng đồng đạo Hồi ở Trung Đông trung bình dùng ba chiếc áo thụng/người/năm. Như vậy thị trường này có khả năng tiêu thụ mỗi năm 40 triệu chiếc áo thụng. Công ty Wec Sài Gòn đã xuất khẩu được 600.000 chiếc áo thụng sang Ảrập Saudi, đạt kim ngạch 1,6 triệu đô la Mỹ, trong sáu tháng đầu năm 2008.
Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty Tân Quang Minh (Bidrico), cho biết người dân Trung Đông quanh năm sống ở vùng cát nóng có nhu cầu lớn về các loại nước giải khát trái cây hoặc nước giải khát không cồn. Trong năm 2008, Bidrico đã xuất gần 3 triệu sản phẩm nước tăng lực, nước trái cây sang khu vực này, trị giá 10 tỉ đồng.
Ông Trần Bảo Minh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), cho biết từ đầu năm đến nay, trong 90 triệu đô la Mỹ doanh thu xuất khẩu các sản phẩm sữa của Vinamilk, kim ngạch từ thị trường Trung Đông chiếm 50%.
Thị trường Campuchia cũng có sức hấp dẫn về mặt thương mại với dân số 10 triệu người, sức mua tăng đều hàng năm nhưng công nghiệp sản xuất và chế biến hàng tiêu dùng, các sản phẩm về y tế, xây dựng, dịch vụ... của doanh nghiệp Campuchia chưa mạnh.
Bên cạnh đó, vì chung khối ASEAN nên các chính sách về hàng rào thuế quan, mậu dịch thương mại... của Campuchia đều có điểm chung với Việt Nam. Hệ thống vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy, đường bộ và hàng không đều thuận tiện. Mức độ cạnh tranh thương mại trên thị trường này cũng chưa gay gắt lắm, chủ yếu diễn ra giữa hàng Việt Nam với Thái Lan và Trung Quốc.
Ở lĩnh vực đồ gỗ nội thất và thủ công mỹ nghệ, ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Công ty xuất khẩu gỗ Minh Phương, Phó chủ tịch Hội Chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ TPHCM, cho biết hơn 40% đồ gỗ nội thất, thủ công mỹ nghệ của Nga phải nhập khẩu, do tốc độ đô thị hóa cao.
Theo ông Hạnh, tổng mức tiêu dùng đồ gỗ của thị trường này đạt hơn 4,5 tỉ đô la Mỹ trong năm 2007, dự kiến năm nay tăng 14,6%, đạt 5,1 tỉ đô la Mỹ. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam sang Nga trong bảy tháng đầu năm nay chỉ đạt hơn 2 triệu đô la Mỹ; hàng thủ công mỹ nghệ trong năm tháng đầu năm chỉ đạt hơn 700.000 đô la Mỹ.
Ông Hạnh cho biết, trở ngại lớn cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường này là thuế nhập khẩu đồ gỗ của Nga hiện nay quá cao, đến 1.300 euro/tấn. Ngoài ra, Nga còn thực hiện chính sách bảo hộ ngành gỗ trong nước. Vì thế, ngành gỗ nội thất Việt Nam nên tận dụng lợi thế cạnh tranh về giá, bên cạnh việc thực hiện các liên kết kinh doanh với doanh nghiệp Nga để được hưởng ưu đãi về thuế.
Tuy nhiên, bên cạnh việc tìm ra thị trường mới, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải có giải pháp cạnh tranh, khai thác để củng cố thị phần tại thị trường lớn. Chẳng hạn, thị trường EU đang hạn chế nhập khẩu các mặt hàng giày dép, may mặc, đồ gia dụng..., liệu Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng lương thực, nông - lâm - thủy sản để bù lại hay không? Hoặc Nhà nước nên có chính sách điều chỉnh cơ cấu xuất khẩu như giảm xuất khẩu khoáng sản, nguyên liệu thô và đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có giá trị tăng cao như sản phẩm công nghiệp nhẹ.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển, cho rằng bên cạnh việc củng cố các thị trường xuất khẩu lớn và tìm thêm các thị trường mới, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nên tìm cách khai thác thị trường nội địa với hơn 80 triệu dân.
Theo ông A, Trung Quốc vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ nên có khả năng họ sẽ xuất hàng hóa sang những thị trường lân cận như Việt Nam, nếu thị trường Mỹ bị mất. Vì thế, nếu bỏ lỡ cơ hội làm ăn trong nước, các doanh nghiệp Việt Nam có thể... phải nhường sân nhà cho doanh nghiệp Trung Quốc.
Tuy nhiên, ngay trên sân nhà, các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa chứng tỏ mình thực sự am hiểu người tiêu dùng. Hiện tại, đang có tình trạng hàng ngoại nhập dần chiếm các vị trí trưng bày đẹp tại các siêu thị. Giám đốc một siêu thị cho biết, hàng ngoại được chuộng vì mẫu mã mới lạ, màu sắc tươi sáng, bắt mắt và giá chỉ mắc hơn hàng nội 5-10%. Theo ông, hàng Việt Nam nhìn chung chất lượng tốt, mẫu mã khá đa dạng nhưng lại chậm thay đổi và chưa có nhiều sản phẩm đáp ứng sự thay đổi thị hiếu của khách hàng.
Hoàng Vân Trang
tbktsg online
|