Thứ Năm, 06/11/2008 14:27

Chậm chân!

Bộ Công Thương vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ cơ chế quy định giá sàn xuất khẩu gạo và áp dụng một số biện pháp thông thoáng giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu lượng gạo còn tồn đọng. Nhưng có lẽ, đề nghị đó vào lúc này là hơi muộn.

Theo đề xuất của Bộ Công Thương, từ nay đến tháng 2-2009, các doanh nghiệp cần được xuất khẩu gạo tự do, không phải đăng ký và lệ thuộc giá sàn do Hiệp hội Lương thực Việt Nam công bố như lâu nay. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần được hỗ trợ lãi suất cho vay để đẩy mạnh mua lúa gạo xuất khẩu.

Đã muộn!

“Bây giờ xuất là xuất thế nào? Ai mua?”, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL tỏ ra bi quan. Theo ông, thời gian gần đây các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã phải “án binh bất động”. Bởi người mua thì chẳng muốn mua, còn người bán thì chẳng muốn... bán. Do đó, nếu được hưởng ưu đãi về cơ chế xuất khẩu, lãi suất như đề xuất của Bộ Công Thương thì chưa chắc tốc độ mua lúa gạo đã tăng lên.

Sau đợt mua “ráo riết” để giảm bớt lượng lúa còn tồn đọng trong nông dân, lượng gạo tồn kho của các doanh nghiệp hiện đã hơn 0,8 triệu tấn.

Một số doanh nghiệp thừa nhận, giá thành của số gạo tồn đọng này bình quân khoảng 8.000 đồng/ki lô gam, trong khi nếu hiện nay xuất bán được thì  thu về quy ra chỉ trên 6.000 đồng/ki lô gam, tức lỗ gần 2.000 đồng/ki lô gam. Do đó, doanh nghiệp cũng chẳng muốn bán.

Nói thì nói vậy, nhưng việc giải phóng hàng tồn kho vẫn là vấn đề bức bách của doanh nghiệp nhằm giải quyết tình hình tài chính. Quan trọng nhất là gạo chỉ có thể trữ khoảng năm tháng, nếu kéo dài sẽ giảm chất lượng và số lỗ mà doanh nghiệp phải gánh càng chất chồng. Chỉ có điều, gạo chào bán nhưng chẳng có ai mua!

“Ngưng hết rồi!”, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo nói. Giá gạo 5% tấm trên thị trường hiện khoảng 495 đô la Mỹ/tấn, nhưng có doanh nghiệp chào ở mức 450 đô la Mỹ/tấn cũng chẳng ai đoái hoài. Theo ông này, các nhà nhập khẩu một phần ngại mua vì sợ rủi ro về giá, nhưng quan trọng nhất là nhu cầu chưa cao.

Khủng hoảng kinh tế ở nhiều nước đã ảnh hưởng mạnh đến gạo xuất khẩu. Các nước đang phát triển, thị trường chủ yếu của các doanh nghiệp Việt Nam, đã không còn tiền để mua, một phần do mất nguồn viện trợ từ các nước phát triển. Trong khi đó, giá gạo tăng vọt trong những tháng giữa năm khiến nhiều nước khuyến khích gia tăng diện tích trồng lúa, nhờ đó nguồn cung tăng mạnh. Khủng hoảng kinh tế cũng khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam không thể đàm phán hợp đồng do khó khăn trong việc mở L/C, phương thức thanh toán...

Tháng vừa qua, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan bình quân đã giảm khoảng 150 đô la Mỹ/tấn. Nhưng các khách hàng có nhu cầu thực sự và có khả năng thanh toán thì vẫn đang chờ đợi giá giảm hơn nữa mới tính đến chuyện mua với số lượng lớn. Nhất là khi Thái Lan vẫn còn 2,1 triệu tấn gạo dự trữ và sớm muộn gì cũng phải tung ra bán để chuẩn bị mua gạo vụ mới.

Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL cho biết, thông tin dự đoán của các chuyên gia lúa gạo quốc tế gần đây là giá gạo xuất khẩu 5% tấm có thể giảm xuống còn 350 đô la Mỹ/tấn. Tuy vậy, nếu nhìn thị trường một cách tỉnh táo thì có thể thấy đây không phải là vấn đề quá lớn, bởi giá gạo đã trở về mức bình thường như trước khi “sốt”.

Vấn đề là thông tin dự báo đã và sẽ được sử dụng như thế nào để điều tiết, linh hoạt chính sách xuất khẩu để tận dụng cơ hội hoặc né tránh rủi ro mới là điều quan trọng. Như Thái Lan, những tháng vừa qua đã hưởng lợi khá lớn nhờ sự thiếu hụt giả tạo trên thị trường thế giới do quyết định cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ và chủ trương tạm ngưng ký hợp đồng xuất mới - dù chỉ trong khoảng hai tháng, của Việt Nam.

Đó cũng là lý do khiến một số doanh nghiệp tiếc rẻ, phải chi đề xuất của Bộ Công Thương được đưa ra sớm hơn. Giám đốc một doanh nghiệp kể rằng, mấy tháng trước có lúc ông thương thảo được hợp đồng xuất gạo 5% tấm với giá 720 đô la Mỹ/tấn, nhưng rốt cuộc bị đổ vỡ vì giá sàn mà Hiệp hội Lương thực Việt Nam đưa ra là 780 đô la Mỹ/tấn. Lúc ấy, nếu các doanh nghiệp được tạo điều kiện để xuất khẩu nhằm xoay nhanh vốn như đề xuất mới đây của Bộ Công Thương thì có lẽ tình trạng lúa, gạo tồn đọng đã không lớn như vừa qua.

Cần thêm chính sách

Theo một doanh nghiệp xuất khẩu gạo, để giải quyết tình hình hiện nay, trước hết cần phải tỉnh táo, nhìn nhận lại thị trường một cách sâu sát. “Phải xác định rõ tình hình tài chính của các doanh nghiệp, rồi tìm hiểu rõ nhu cầu thực tế của từng thị trường”, ông nói. Ông Hồ Minh Khải, Giám đốc Công ty nông nghiệp Cờ Đỏ (Cần Thơ), kiến nghị trước mắt Chính phủ nên ký những hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung để phân bổ lại cho các doanh nghiệp.

Theo giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo, Philippines hiện đang chuẩn bị cho một hợp đồng mua gạo với số lượng khoảng 0,4 triệu tấn. Nếu Việt Nam tranh thủ được cơ hội này thì áp lực về tiêu thụ lúa, gạo sẽ được giảm bớt.

“Thái Lan vừa có kế hoạch lấy gạo đổi dầu. Còn Việt Nam, trước mắt Chính phủ cũng nên có kế hoạch mua lúa, gạo”, ông La Minh Hồng, Giám đốc Công ty cổ phần Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ, đề xuất. Ở Pakistan, mới đây chính phủ cũng đã yêu cầu Tổng công ty Cung ứng và Tạm trữ nông sản mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo với giá sàn tương đương 0,25 đô la Mỹ/ki lô gam, khi sản lượng lúa đã tăng 10% so kế hoạch và nông dân đã không thể thu lãi với giá thị trường hiện nay...

Đồng tình với đề xuất của Bộ Công Thương về xuất khẩu gạo tự do, một số doanh nghiệp cũng cho rằng cần áp dụng và duy trì cơ chế “mở” đối với gạo xuất khẩu. “Một nước sản xuất lương thực, lúa gạo thu hoạch quanh năm như Việt Nam thì cần phải khuyến khích xuất khẩu”, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo nói.

Hồ Hùng

tbktsg online

Các tin tức khác

>   Đạt tốc độ tăng trưởng cao sau 10 năm thành lập (06/11/2008)

>   Chiều nay Quốc hội quyết định việc điều chỉnh mục tiêu 2009 (06/11/2008)

>   Bình Định: Chiến lược phát triển hệ thống cảng biển đến năm 2020 (06/11/2008)

>   Cho phép 247 mặt hàng thuốc tăng giá (06/11/2008)

>   Nông sản Việt Nam bất lợi vì tỷ giá (06/11/2008)

>   "Kinh doanh đa ngành nhưng phải tránh trùng lặp" (06/11/2008)

>   Văn bản gây khó (06/11/2008)

>   Việt Nam đăng cai Hội nghị Gasex 2008 (06/11/2008)

>   Gạo giảm giá 1.000 - 2.000 đồng/kg (06/11/2008)

>   Xây móng rồi… chờ (06/11/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật