"Kinh doanh đa ngành nhưng phải tránh trùng lặp"
Sau 2 năm thí điểm hoạt động theo mô hình tập đoàn kinh tế, Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN đã tạo lập được cơ chế quản lý mới, chuyển từ liên kết hành chính sang liên kết Cty mẹ đầu tư tài chính và thực hiện quyền sở hữu các Cty thành viên, xoá bỏ cơ chế "xin - cho".
Tuy nhiên, một trong những bất cập mà thời gian qua dư luận đã lên tiếng cảnh báo là sự bành trướng, kinh doanh đa ngành của các TĐKT nhà nước, làm giảm hiệu quả hoạt động của các TĐKT. Lao động đã có cuộc trao đổi với Phó TGĐ PetroVietnam Nguyễn Ngọc Sự.
- Thưa ông, sau 2 năm vận hành theo mô hình tập đoàn, mới đây PetroVietnam có kiến nghị Chính phủ tổ chức lại Cty me - bằng cách giao lại các lĩnh vực sản xuất kinh doanh (SXKD) chủ yếu cho Cty mẹ nắm giữ, thay vì giao cho các DN thành viên. Điều này có đi ngược lại đề án thí điểm thành lập TĐ, trong đó Cty mẹ thực hiện chức năng sở hữu thông qua tỉ lệ vốn góp?
- Hiện nay, Cty mẹ - PVN - đang hoạt động theo mô hình TĐ Dầu khí quốc gia, thay mặt Nhà nước quản lý các hoạt động dầu khí, đầu tư tài chính vào các Cty thành viên và thực hiện việc điều tiết các hoạt động SXKD ở các đơn vị thông qua người đại diện phần vốn. Đây là mô hình phù hợp cho giai đoạn đầu khi mới hình thành.
Về nguyên tắc, mô hình Cty mẹ - Cty con có thể được tổ chức theo 2 dạng: Cty mẹ chỉ có đầu tư tài chính hoặc Cty có cả đầu tư tài chính và cả sản xuất kinh doanh. Trong mô hình TĐ, hiện các TCty do TĐ thành lập (Cty con) cũng được tổ chức dưới dạng TCty hoạt động theo mô hình Cty mẹ - con. Đa số các TCty này cũng lựa chọn mô hình Cty mẹ chỉ đơn thuần là đầu tư tài chính, không có các hoạt động đầu tư trực tiếp. Từ đây, sẽ nảy sinh ra những vấn đề chồng chéo như Cty con là đại diện chủ sở hữu vốn của TĐ đầu tư tại DN, nhưng người chủ thực sự là TĐ.
Vì vậy, nếu TĐ đã đầu tư mà Cty con lại đầu tư tài chính thì vô hình trung sẽ sinh ra một cấp trung gian, chồng chéo, làm ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định từ Cty mẹ - TĐ xuống đơn vị thực hiện. Hiện TĐ đang nghiên cứu, xem xét việc chuyển đổi để các TCty này theo hướng là các TCty mẹ nắm giữ lại một số hoạt động SXKD trực tiếp từ nguồn vốn của TĐ để tránh chồng chéo chức năng và tăng hiệu quả hoạt động.
- Việc kinh doanh đa ngành của các TĐKT đã được dư luận cảnh báo là sẽ dẫn đến nguy cơ giảm sút hiệu quả hoạt động của TĐ đối với ngành nghề kinh doanh chính. Vừa qua, để chấn chỉnh lại hoạt động này, PVN đang phải sắp xếp lại các Cty con, thậm chí "Cty cháu" vì đầu tư vào những lĩnh vực rủi ro như tài chính, ngân hàng, BĐS. Nhiều Cty được lập ra cùng lĩnh vực, nhưng lại cạnh tranh lẫn nhau ngay trong nội bộ?
- Trước đây, khi TĐ mới thành lập, với quan điểm phát triển kinh doanh đa ngành, lấy CN dầu khí làm nòng cốt, thời điểm đó, hoạt động đầu tư sang các lĩnh vực tài chính, BĐS rất sôi động và nhiều tiềm năng, TĐ đã đầu tư dưới hình thức thành lập mới hoặc góp vốn thành lập tại 15 Cty (trong đó 6 DN hoạt động trong các lĩnh vực SXKD chính của TĐ).
Tuy nhiên, các đơn vị này sau khi thành lập cũng hoạt động theo hướng đa ngành, vì vậy đã dẫn tới sự trùng lặp. Trong cùng TĐ có các Cty con, Cty cháu cùng đầu tư vào một lĩnh vực, nhưng lại không có sự phối hợp, liên kết nhau để cùng phát triển mà mỗi Cty lại có mối liên kết với các đơn vị bên ngoài, cạnh tranh lẫn nhau trong nội bộ. TĐ đang phải dùng quyền chi phối của mình thông qua người đại diện tại các đơn vị bố trí, sắp xếp lại các Cty này thành một đầu mối để tránh đầu tư trùng lặp.
- Việc trao quyền cho HĐQT của các TĐKT là rất lớn, nhưng làm thế nào để giám sát việc ra quyết định của HĐQT TĐ?
- Tôi cho rằng, HĐQT là đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN, bản thân HĐQT phải chịu trách nhiệm giám sát chính hoạt động của mình. Bên cạnh đó, bộ máy Chính phủ còn có cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm toán nhà nước, kiểm toán độc lập, rồi hệ thống luật pháp giám sát. Tốt nhất nên thực hiện giám sát hoạt động của các TĐKT theo quy định của pháp luật và giám sát theo hệ thống kiểm soát. Tới đây, cơ quan chức năng khi xây dựng nghị định về TĐKT nên xây dựng chung để có sự thống nhất, không nên tách riêng NĐ về TĐKT nhà nước, mà chỉ cần có bổ sung những quy định cụ thể để phù hợp với đặc thù của mỗi ngành kinh tế.
- Xin cảm ơn ông.
lao động
|