Bình Định: Chiến lược phát triển hệ thống cảng biển đến năm 2020
Bình Định có lợi thế cảng biển tổng hợp, phục vụ phát triển kinh tế khu vực, là đầu mối chuyển tiếp hàng hóa quá cảnh cho một số tỉnh nam Lào, đông bắc Cam-pu-chia thông qua Quốc lộ 19 và 14. Năm 2008 khả năng sản lượng hàng hoá thông qua cảng đạt trên 4 triệu tấn. Tuy nhiên, với cơ sở vật chất hiện tại, hệ thống cảng biển của Bình Định chưa đáp ứng được nhu cầu hàng hóa thông qua ngày càng tăng. Vì vậy, tỉnh Bình Định đã đề ra chiến lược phát triển hệ thống cảng biển từ nay đến năm 2020, trong đó tập trung đầu tư nâng cấp cảng hiện có và quy hoạch xây dựng thêm hệ thống cảng mới.
Cụm cảng Quy Nhơn của Bình Định gồm cảng Quy Nhơn do trung ương quản lý và cảng Thị Nại do địa phương quản lý. Trong đó cảng Quy Nhơn hiện có tổng cộng 6 cầu tàu với tổng chiều dài 868 m và có khả năng tiếp nhận tàu 3 vạn tấn. Ông Nguyễn Tín Dân-Giám đốc Cảng Quy Nhơn cho biết: Chiến lược phát triển cảng được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 2008-2010 có tổng mức đầu tư hơn 50 tỷ đồng với mục tiêu năm 2010 đạt sản lượng 5 triệu tấn/năm. Theo đó, cảng Quy Nhơn sẽ được xây dựng một cầu tàu container chuyên dùng với chiều dài 200 m, có các trang thiết bị đạt tiêu chuẩn quốc tế, mở rộng thêm diện tích bãi 10 ha; tiến hành nạo vét hạ độ sâu đáy luồng thêm 0,5 m vào cảng biển Quy Nhơn và phá đá mở rộng bán kính cong tại khu vực Mũi Sút - bán đảo Phương Mai, nhằm tăng tần suất tàu chạy để đảm bảo cho tàu trọng tải từ 3 - 5 vạn tấn ra vào cập cảng thuận lợi và an toàn. Bên cạnh đó, sẽ xây dựng 14 phao báo hiệu nổi dẫn luồng và 1 chập tiêu có lắp đặt thiết bị và đèn dẫn luồng cả ngày và đêm; nâng cấp thiết bị bốc dỡ hàng hoá ...Giai đoạn tiếp theo từ 2010 - 2020, dự kiến kinh phí đầu tư khoảng 178,3 tỷ đồng để nâng cấp luồng chạy tàu đạt các thông số, chiều rộng đáy luồng rộng 130m và độ sâu 12,5 m, mực nước chạy tàu cộng thêm dương 2 m ứng với tần suất 10 %.
Đối với cảng Thị Nại, hiện có 288 m cầu bến và tiếp nhận tàu 5.000 tấn, quy mô của cảng trên diện tích 2,4 ha. Hướng đến mục tiêu, năm 2010 đạt sản lượng hàng hoá thông qua cảng từ 800 nghìn đến 1 triệu tấn, cảng được đầu tư 50 tỷ đồng để nâng cấp 160 m cầu cảng hiện tại và tiến hành nạo vét toàn tuyến bến để đáp ứng nhu cầu cho tàu trọng tải 1 vạn tấn vào cập bến; mua sắm thiết bị xếp dỡ hàng hoá và đầu tư mở rộng kho bãi theo quy hoạch 4 ha để đáp ứng nhu cầu hậu cần sau cảng...Mặt khác để phát huy và khai thác những tiềm năng và lợi thế hiện có của cụm cảng, cần kéo dài tuyến bến từ cầu cảng 3 vạn tấn của Cảng Quy Nhơn nối liền với Cảng Thị Nại, tạo tuyến bến liền bờ khép kín, để nâng tổng công suất hàng hoá thông qua 2 cảng này từ 5 triệu lên 8 triệu tấn/năm vào năm 2020.
Cảng nước sâu Nhơn Hội (Khu kinh tế Nhơn Hội) có tổng vốn đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng, do Công ty cổ phần cảng Quốc tế Gemadept Nhơn Hội làm chủ đầu tư, đã khởi công vào tháng 7/2008. Cảng được qui hoạch xây dựng trên diện tích 165 ha bao gồm: Cảng phi thuế quan có diện tích 45,46 ha, được xây dựng chiều dài tuyến bến 600 m, đảm bảo cho tầu có trọng tải 3 vạn tấn vào cập cảng và dự kiến hàng hoá thông qua cảng này đạt 3 triệu tấn/năm. Cảng tổng hợp thuế quan, được xây dựng trên diện tích 119 ha, với tổng chiều dài tuyến bến 2.117 m, trong đó có bến cho tàu container dài 1.180 để phục vụ cho tàu trọng tải từ 2-3 vạn tấn cập bến và xây dựng bến bách hoá dài 937 m phục vụ cho tàu trọng tải từ 1- 3 vạn tấn. Đến năm 2010 sẽ tiếp tục xây dựng 2 bến tàu dài 480 m, một bến cho hàng bách hoá và một bến cho hàng container để cho tàu trọng tải 3 vạn tấn vào cập bến, với năng lực hàng hoá thông qua cảng này đạt từ 1,5 - 2 triệu tấn/ năm; đồng thời quy hoạch xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhu cầu hoạt động của cảng. Trong giai đoạn từ 2011 đến 2020, Bình Định đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cảng theo qui hoạch, đáp ứng nhu cầu cho tàu có trọng tải 5 vạn tấn cập bến và dự kiến sản lượng hàng hoá thông qua cảng đạt từ 11,5 -12 triệu tấn vào năm 2020.
Bên cạnh đó, Bình Định tiếp tục qui hoạch xây dựng một số cảng mới ở địa phương như cảng Tam Quan (Hoài Nhơn) với 3 bến tàu có tổng chiều dài 330 m để tiếp nhận tàu trọng tải 3 nghìn tấn và công suất đạt gần 1 triệu tấn/năm; cảng Đề Gi (Phù Cát) với 5 bến tàu có tổng chiều dài 1.000 m có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải 2 vạn tấn cập bến và xây dựng khu neo đậu tàu thuyền quy mô 20 ha cho 800 tàu cá trú bão và dự kiến công suất đạt 3 triệu tấn vào năm 2020; xây dựng cảng Đống Đa và cảng Xăng dầu (Quy Nhơn), tiếp nhận tàu trọng tải 1 vạn tấn cập bến .
ttxvn
|