Khu kinh tế- thương mại đặc biệt Lao Bảo:
Đạt tốc độ tăng trưởng cao sau 10 năm thành lập
Sau 10 năm xây dựng và phát triển, Khu kinh tế- thương mại đặc biệt Lao Bảo đã hoàn toàn thay da đổi thịt, đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tốc độ tăng trưởng GTSX giai đoạn 2000-2007 đạt 27,5%.
Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn năm 2007 đạt 1.003 tỷ đồng tăng 7 lần so với năm 1997, thu nhập bình quân đầu người năm 2007 đạt 50 triệu đồng/người/năm, tăng gần 9 lần so với năm 1999 (5,7 triệu đồng). Giá trị sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân 32,5%/năm, dịch vụ tăng bình quân 28,3%/năm, nông lâm thuỷ sản tăng bình quân 14,8%/năm. Từ không có một cơ sở sản xuất công nghiệp nào, đến nay đã có hàng chục nhà máy xí nghiệp đầu tư đưa vào hoạt động trên nhiều lĩnh vực: sản xuất nước tăng lực, nước tinh lọc; săm lốp xe đạp, xe máy; lắp ráp xe máy điện, điện thoại di động; chế biến nông sản xuất khẩu; sản xuất tấm lợp, vật liệu xây dựng...
Hiện nay, tại Khu kinh tế- thương mại đặc biệt Lao Bảo KKTĐBLB) đã có trên 250 DN họat động; trên 50 dự án sản xuất kinh doanh với tổng vốn đăng ký gần 2.300 tỷ, trong đó 27 dự án đã đi vào hoạt động, nhiều dự án đang triển khai. Dự án FDI nhiều nhất là của Thái Lan, Trung Quốc với số vốn đăng ký 32 triệu USD. Hoạt động thương mại và dịch vụ phát triển cả về số lượng, quy mô, chất lượng, tỷ trọng bằng 56,7% tổng giá trị sản xuất các ngành. Nhà hàng, khách sạn, bưu chính viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải... được đầu tư phát triển. Trong đó hệ thống chợ, Trung tâm thương mại, siêu thị phải nói là “bùng nổ” mạnh.
Ngoài Trung tâm thương mại Lao Bảo xây dựng từ đồng vốn ngân sách, khai trương đầu tiên vào năm 2004 với diện tích sàn 10.000 m2, trên 400 lô quầy, các nhà đầu tư đã xây dựng cả Trung tâm thương mại Đông Nam Á, Siêu thị Đông Nam Á, Khu thương mại Trung Quốc, Siêu thị và cửa hàng miễn thuế của công ty TNHH Thiên Niên Kỷ... với tổng diện tích sàn trên 80.000m2. Ngoài ra còn có các siêu thị, cửa hàng, chợ có quy mô nhỏ khác kinh doanh tại các thị trấn Khe Sanh, Lao Bảo và các xã. Khách sạn, nhà hàng cũng “ăn theo” đa dạng, từ chỗ khách lên làm việc tại Lao Bảo phải về Khe Sanh ở trọ nay KKTĐBLB đã có hàng chục khách sạn, nhà hàng được đầu tư xây dựng với tổng số 250 buồng phòng.
Đáng kể nhất là hoạt động xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo có sự tăng trưởng mạnh, thời kỳ 2001-2007 tăng 14,4%/năm, trong đó thời kỳ 2006-2007 tăng 47,8%/năm. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2000 đạt 58 triệu USD đến năm 2007 tăng lên 148,5 triệu USD. Bên cạnh đó các hoạt động tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu... cũng diễn ra sôi động. Trước năm 2000, mỗi năm chỉ có khoảng 50 nghìn lượt khách xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Lao Bảo thì đến năm 2007 sau khi cầu Hữu Nghị II thông tuyến gần 400 nghìn lượt khách qua cửa khẩu Lao Bảo (gấp 2,2 lần so với năm 2005 và 8 lần so với 1999).
Để phát triển ổn định, Ban quản lý KKTĐBLB mong muốn từ quy chế KKTĐBLB cần có riêng một nghị định để có tính pháp lý cao hơn, đồng thời ổn định các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, giảm bớt những thủ tục xuất nhập cảnh không cần thiết... giúp Lao Bảo ngày càng trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thực hiện tốt Quyết định 24/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ « Ưu tiên đầu tư Khu KTTMĐB Lao Bảo để mở rộng giao lưu buôn bán, phát triển du lịch tăng cường dịch vụ với các nước trong khu vực... ».
Khu KTTMĐB Lao Bảo đưa ra mục tiêu phấn đấu, đến năm 2015, đóng góp khoảng 28% giá trị sản xuất của tỉnh Quảng Trị và đến năm 2020 nâng lên khoảng 32%; năm 2020 phấn đấu xây dựng KKTTMĐB Lao Bảo trở thành một thành phố nằm trong hệ thống đô thị động lực cấp I, khu vực giáp biên giới theo Quyết định 864/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
công thương
|