Phát triển công nghiệp phụ trợ: DNNVV ở đâu?
Nhận định về ngành công nghiệp phụ trợ (CNPT) của Việt Nam, một chuyên gia Nhật Bản đã từng ví rằng nếu ngành công nghiệp là chiếc ôtô thì CNPT lại chỉ là bánh xe đạp. Một ngành công nghiệp sẽ không thể phát triển nếu không có ngành CNPT tốt, cũng giống như một chiếc ôtô không thể vận hành trên bánh của chiếc xe đạp. Điều này cho thấy sự khập khiễng trong việc phát triển CNPT ở Việt Nam.
Để giải bài toán này, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp mang tính chiến lược, trong đó, vấn đề đào tạo và phát triển nguồn nhân lực được đặc biệt chú trọng. Ông Nguyễn Văn Toàn - Tổng Thư ký Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (Vafie) cho rằng phải xác định rõ tương quan giữa công nghiệp sản xuất, lắp ráp thành phẩm và CNPT.
Nhiều DN bỏ lỡ cơ hội
Phải thẳng thắn nhìn nhận là CNPT Việt Nam còn quá kém do các DN vẫn mạnh ai nấy làm. Trong khi đó, đối với sản xuất phải chuyên môn hoá sâu và hợp tác rộng mới đem lại hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, nhiều DN do chưa tính toán được mức lợi nhuận so với chi phí đầu tư nên cũng chưa thực sự vào cuộc.
Tuy nhiên, chính việc ngành CNPT Việt Nam còn yếu lại là một cơ hội rất lớn cho các nhà sản xuất Việt Nam khai thác mà ở đây chính là các DNNVV. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đều đưa ra các yêu cầu khá cao về sản xuất linh phụ kiện. Chẳng hạn để trở thành đối tác cung ứng cho Honda, các DN sản xuất linh phụ kiện phải đạt 4 tiêu chí do Honda đưa ra: chất lượng đảm bảo sản phẩm phải đạt chuẩn, giá cả cũng do Honda quy định, đồng thời đảm bảo năng lực cung cấp và hệ thống quản lý tốt. Nếu DN nào sản xuất được những mặt hàng đáp ứng được tiêu chí đó chắc chắn sẽ trở thành đối tác của các nhà đầu tư.
Trong đầu tư, kinh doanh, hầu hết các nhà đầu tư đều muốn tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm cao, bởi 3 yếu tố chính: giá cả rẻ và số lượng lớn, cung ứng nhanh; trong đó yếu tố chất lượng phải đặt lên hàng đầu. Hãng Toyota cho biết, khi đặt vấn đề cung ứng, sẽ đưa ra bảng tiêu chí về các linh kiện, trong đó chất lượng vẫn là yếu tố đầu tiên. Nếu không đạt các tiêu chí này, không thể trở thành nhà cung ứng cho Toyota.
Nhiều nhà đầu tư cho biết họ sẵn sàng hỗ trợ các DNNVV Việt Nam trong khâu kỹ thuật công nghệ sản xuất các linh kiện và trở thành những đối tác làm ăn lâu dài của họ. Hãng Toyota từ trước đây cũng đã vận động và cung ứng kỹ thuật cho một số DN như Denso, Takanichi sản xuất linh kiện xe ôtô, bây giờ trở thành đối tác lớn của Toyota.
Các chuyên gia nhận định: Việc VCCI tổ chức Tuần lễ DNNVV là một cơ hội rất lớn cho các DN Việt Nam gặp gỡ các nhà đầu tư để tổ chức hợp tác sản xuất và cung ứng linh phụ kiện cho các hãng lớn. Tuần lễ DNNVV sẽ là chiếc cầu nối nhà sản xuất với nhà cung cấp, là cơ hội để tăng tính cạnh tranh, thu hút vốn FDI và giúp các DN cung ứng hỗ trợ của Việt Nam phát triển.
Đại diện một DN Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam khẳng định: "Vấn đề không phải ở chỗ ngành CNPT của Việt Nam yếu kém, mà là sự quan tâm của DN Việt Nam đến lĩnh vực này như thế nào. Cái thiếu chưa phải là điều đáng lo, thậm chí đó là cơ hội cho các DN" - Ông này nhấn mạnh.
Đào tạo chọn lọc và tập trung
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ Giáo dục và Đào tạo thì nhân lực phục vụ cho ngành CNPT có vai trò then chốt trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất của DN sản xuất các sản phẩm phụ trợ nói riêng và nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN, ngành công nghiệp nói chung. Để có thể đào tạo nguồn nhân lực tốt cần phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề và giảng viên đại học, đổi mới chương trình; Đổi mới tài chính giáo dục và tăng cường đầu tư trong những lĩnh vực ưu tiên; Đẩy mạnh liên kết giữa nhà trường và DN; Thành lập các Trung tâm đào tạo năng lực tại các khu công nghiệp...
Ông Takano Fujii - một chuyên gia Nhật Bản, người có 12 năm xây dựng và điều hành một dự án liên doanh, hiện tham gia đào tạo nguồn nhân lực và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa Nhật Bản và Việt Nam tại Trung tâm hợp tác phát triển nguồn nhân lực Việt Nhật tại TP HCM cho rằng trước hết, Chính phủ cần làm rõ lĩnh vực công nghiệp mục tiêu và chiến lược phát triển công nghiệp. Sau đó, chú trọng đến lĩnh vực quan trọng đó, và đào tạo nguồn nhân lực cả về công nghệ sản xuất và quản lý kinh doanh. Trên cơ sở đó, để phát triển DNNVV, và phát triển CNPT cần đưa vào áp dụng “chế độ thẩm định viên đối với DNNVV”, cần thiết hỗ trợ và hướng dẫn cho DN để nâng cao khả năng kinh doanh cũng như khả năng về công nghệ.
Hơn nữa, cần đào tạo kỹ sư có đủ trình độ về kỹ thuật thực hành và thực tiễn và trang bị cho họ kiến thức cần thiết. Để thực hiện điều này cần phải xây dựng các cơ sở đào tạo để nâng cao trình độ tay nghề.
Theo ông Takano Fujii, cần có tầm nhìn lâu dài trong tương lai để phát triển thành “trường đại học về MONOZUKURI Việt Nam” (một mô hình phát triển CNPT rất thành công ở Nhật Bản – PV). Hơn nữa, bao gồm cả việc đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ sở đào tạo, kêu gọi và hợp tác với các DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam để thực hiện chế độ thực tập, hướng dẫn tại hiện trường. Đồng thời để nâng cao năng lực quản lý cho các nhà kinh doanh. “Tôi xin đề xuất việc thành lập “trường kinh doanh” để học hỏi những bí quyết kinh doanh thông qua sự hỗ trợ của các nhà kinh doanh giàu kinh nghiệm và của các DN có vốn đầu tư của Nhật Bản” - ông Takano Fujii chia sẻ.
Tuy nhiên, một chuyên gia về CNPT cũng cảnh báo: Việc đào tạo nhân lực dàn trải trên mọi lĩnh vực cũng như phát triển sản xuất tất cả mọi linh kiện và nguyên vật liệu cho một sản phẩm có thể dẫn tới sử dụng lãng phí lớn về thời gian và tài nguyên”. Vị chuyên gia này cho rằng, các DN Việt Nam nên chọn cách tiếp cận "chọn lọc và tập trung" trong việc đào tạo nguồn nhân lực. Đặc biệt, nên tập trung đầu tư đào tạo vào những lĩnh vực mà Việt Nam đang “thiếu và yếu”.
Ông Trần Văn Tần - Trưởng phòng Tín dụng, Vụ Tín dụng- Ngân hàng nhà nước Việt Nam :4 giải pháp phát triển CNPT
Tôi cho rằng để có ngành CNPT phát triển, chúng ta cần có chiến lược trong việc đầu tư vào khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành CNPT. Đây có thể nói là giải pháp quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay, nâng cao trình độ công nghệ chính là chìa khoá để phát triển CNPT ở Việt Nam. Bên cạnh việc tiếp thu và nhận chuyển giao công nghệ từ các đối tác, các nhà đầu tư nước ngoài thì Nhà nước phải có chiến lược đầu tư xây dựng các khu công nghệ cao, công nghệ ứng dụng để đáp ứng nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài trên lĩnh vực điện tử, tin học, lắp ráp...
Hai là, đa dạng hoá trong hợp tác, liên doanh liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để cung ứng các linh kiện, sản phẩm phụ trợ. Đối với các dự án sản xuất điện tử, tin học thì để cho ra đời một sản phẩm hoàn chỉnh thì cần tới hàng trăm linh kiện khác nhau và xu thế chung của thế giới là sự phân công lao động quốc tế ngày càng chi tiết. Ví dụ một máy tính hiệu IBM nhưng ổ cứng lại là Seagate, màn hình Samsung, main của Intel, thậm chí từng con ốc cần các nhà sản xuất chuyên nghiệp. Vì vậy chỉ có đa dạng hoá liên doanh liên kết, hợp tác đầu tư thì các DN Việt Nam mới là một mắt xích trong dây chuyền sản xuất toàn cầu. Từ trước đến nay chúng ta mới quan tâm đến liên doanh thông qua việc góp vốn đầu tư, gia công sản phẩm đơn giản thì đã đến lúc chúng ta phải coi trọng liên doanh, liên kết dưới dạng đối tác chiến lược, DN vệ tinh, chuyển nhượng bản quyền, thương hiệu... Khi Canon đầu tư vào khu công nghiệp Quế Võ để sản xuất máy in laser thì ngay lập tức có hai nhà đầu tư sản xuất linh kiện cung ứng cho Canon cũng đầu tư xây dựng nhà máy trị giá 10 triêu USD, nhưng đó là các nhà đầu tư nước ngoài. Trong trường hợp này thì vốn không phải là yếu tố mang tính quyết định đối với các DN Việt Nam.
Ba là, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ, hiệu quả của Nhà nước đối với sự phát triển của CNPT Việt Nam. Sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua việc xây dựng và công khai chiến lược, quy hoạch đối với CNPT; hỗ trợ về cơ sở hạ tầng; hỗ trợ về thuế và các chính sách tài chính khác đối với doanh nghiệp đầu tư CNPT; hỗ trợ về thông tin và sự hợp tác quốc tế ở bình diện quốc gia...
Bốn là, đầu tư vốn phát triển CNPT. Hiện cả nước có khoảng 30 ngành kinh tế kỹ thuật cần đến CNPT, trong đó có một số ngành chủ yếu như dệt may, da giày, cơ khí lắp ráp, điện tử-tin học... CNPT đòi hỏi có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Nhà nước sẽ đầu tư vào CNPT đối với những ngành quan trọng mà Nhà nước cần chi phối, những ngành công nghệ cao, những ngành tạo ra nhiều công ăn việc làm cho xã hội... Các DN nhà nước cũng có thể liên doanh liên kết để thành lập các DN vệ tinh, sản suất sản phẩm phụ trợ phục vụ cho bản thân DN và cho xã hội. Các thành phần kinh tế khác được đầu tư vào tất cả các lĩnh vực mà Nhà nước không cấm và được cạnh tranh bình đẳng trên thị trường.
Ông Ichikawa Kyoshiro - Cố vấn đầu tư của Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), Chuyên gia JICA: Hình thành mối quan hệ cùng có lợi Win - Win
Trước mắt, việc sản xuất những chi tiết quan trọng, đòi hỏi kỹ thuật gia công cao ở Việt Nam sẽ do các DN có vốn nước ngoài đảm nhận. Sau đó, trong tương lai, công việc đó sẽ chuyển sang cho các DN Việt Nam, song song với quá trình chuyển giao kỹ thuật. Mặt khác, với những chi tiết tương đối dễ gia công, chế tạo, các DN Việt Nam có đủ khả năng đảm nhận được ngay và điều này cũng rất quan trọng bởi việc hỗ trợ cho các DN Việt Nam phát triển trình độ kỹ thuật của mình, sẵn sàng đón nhận chuyển giao kỹ thuật, sản xuất từ các DN có vốn nước ngoài là hết sức cần thiết. Riêng đối với những chi tiết có số lượng gia công ít, không kinh tế nếu sản xuất tại Việt Nam thì buộc phải nhập khẩu. Tuy nhiên khi số lượng gia tăng sản xuất trong nước kinh tế hơn thì sẽ tiến hành nội địa hóa và phân chia công việc như đã nêu ở trên giữa DN có vốn nước ngoài và DN Việt Nam.
Để cả DN Việt Nam và DN có vốn nước ngoài – chủ thể của CNPT - cùng phát triển, sự hợp tác (gắn kết, chia xẻ công nghệ) là cực kỳ quan trọng và việc hình thành mối quan hệ đôi bên cùng có lợi Win – Win sẽ mang lại sự phát triển bền vững.
Manabu Tsurutani - Chuyên gia JBIC: Thu hút vào ngành CNPT với nguồn vốn có hạn
Với một nền kinh tế đang trong quá trình tích lũy vốn, trong giai đoạn phát triển khi mà việc phân bổ các nguồn lực một cách có hiệu quả khó được thực hiện thông qua chức năng giá cả thì cần thiết phải có một chính sách phân bổ có trọng điểm các nguồn vốn hạn chế đối với những khu vực kinh tế thực sự có hiệu quả cho sự phát triển kinh tế. Để thực hiện được điều đó, cần thiết phải nâng cao khả năng cấp tín dụng cho DNNVV (năng lực kinh doanh, tăng cường quy chế, hoàn thiện hạ tầng), và đồng thời với nó là đưa ra những ưu đãi về chính sách kết hợp giữa tín dụng và chính sách hỗ trợ cho CNPT.tín dụng ưu đãi kết hợp giữa chế độ bảo đảm tín dụng và bù lãi suất đối với ngành CNPT; cho vay bảo đảm tín dụng/bù lãi suất đối với ngành CNPT thông qua sự hợp tác với thẩm định viên DNNVV và văn phòng kiểm toán; tăng cường khả năng hỗ trợ cho ngành CNPT của ngân hàng thông qua các khoản vay 2 bước (two-step) của JBIC.
Quốc Anh
diễn đàn doanh nghiệp
|