Thứ Ba, 18/11/2008 10:40

Kế hoạch phát triển DNNVV: Thực tiễn triển khai và kiến nghị

Việc tổ chức "Tuần lễ quốc gia DNNVV 2008" từ ngày 17 - 21/11 không chỉ mang tính chất xúc tiến thương mại mà còn góp phần hỗ trợ phát triển DN một cách tổng thể. Đây là cơ hội để các tổ chức hỗ trợ DNNVV trong nước và quốc tế  đang hoạt động tại Việt Nam có dịp chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra những gợi ý chính sách và xây dựng được những chương trình hỗ trợ thiết thực phục vụ cho DN phát triển. DĐDN xin giới thiệu bài viết của TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI.

Trong những năm qua, sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng của các DNNVV đã góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng cũng như vào ngân sách, tạo việc làm, tăng thu nhập cá nhân; góp phần đáng kể trong việc huy động nguồn đầu tư cho phát triển kinh tế – xã hội. Đạt được những kết quả đó một phần nhờ sự nỗ lực của bản thân các DN. Yếu tố quan trọng có tính quyết định là nhờ tác động của các cơ chế, chính sách đã tạo nền tảng cho hỗ trợ DNNVV đặc biệt là Nhà nước đã xây dựng kế hoạch hành động  để phát triển DNNVV 2006-2010 triển khai trên tất cả các tỉnh, thành trong cả nước theo Quyết định số 236 /2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Kế hoạch đã xác định rõ quan điểm phát triển DNNVV với những mục tiêu tổng quát đó là: Đẩy nhanh tốc độ phát triển DNNVV tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, các DNNVV đóng góp ngày càng cao vào tăng trưởng cho nền kinh tế.

Kế hoạch cũng đã đặt ra những mục tiêu cụ thể:

a) Số DNNVV thành lập mới khoảng 320.000 (hàng năm tăng khoảng 22%);

b) Tỷ lệ tăng trưởng DNNVV thành lập mới tại các tỉnh khó khăn là 15% đến năm 2010;

c) Tỷ lệ trực tiếp tham gia xuất khẩu đạt từ 3 - 6% trong tổng số DNNVV;

d) Tạo thêm khoảng 2,7 triệu chỗ làm mới trong giai đoạn 2006 - 2010;

đ) Có thêm 165.000 lao động được đào tạo kỹ thuật làm việc tại các DNNVV.

Thực tiễn cho thấy, với 7 nhóm giải pháp mà Chính phủ đã đề ra các mục tiêu của kế hoạch đã đang tiếp cận tới đích, trong đó đáng khích lệ  nhất là kết quả việc thực hiện Nhóm giải pháp số 1 liên  quan  đơn giản hoá các quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký kinh doanh, gia nhập thị trường và các hoạt động của DN.  Trong 6 tháng đầu năm 2008, cả nước có trên 34.300 DN được thành lập mới, nâng tổng số DN và thành lập đăng ký kinh doanh trong cả nước lên  xấp xỉ 350.000 DN với số vốn lên đến 1.389.000 tỷ đồng (tương đương 84,1 tỷ USD), trong đó DNNVV chiếm 96.5% tổng số DN đã đăng ký kinh doanh, đóng góp hàng năm khoảng 40% GDP của cả nước, thu hút khoảng 50% tổng số lao động trong DN  và chiếm 17,46% tổng nộp ngân sách.

Nhóm giải pháp 2 liên quan đến việc tạo điều kiện tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất cho các DNNVV cũng đã được triển khai mạnh mẽ, đặc biệt tại các địa phương, thông qua việc hình thành các cụm công nghiệp. Tính đến ngày 1/7/2007, trên cả nước đã có 577 khu/cụm công nghiệp, trong đó 348 khu/cụm (chiếm 60%) đang hoạt động, 137 khu/cụm (chiếm 23,7%) đang trong giai đoạn triển khai. Trong tổng số khu/cụm công nghiệp đang hoạt động có 168 khu công nghiệp, KCX và khu công nghệ cao. Mặc dù vậy vẫn còn có rất nhiều DNNVV không thể vào được khu/cụm công nghiệp do những lô đất ở đây  được quy hoạch quá lớn so với nhu cầu hiện tại của DNNVV. Trong khi đó, để có được đất đai xây dựng mặt bằng sản xuất, các DN ngoài hàng rào khu công nghiệp hoàn toàn phải xoay xở trên thị trường thứ cấp. Ngoài chi phí cao, các DN này còn tốn rất nhiều thời gian cho việc tìm kiếm đất xây dựng nhà xưởng. Quy hoạch đô thị ở nhiều thành phố chưa quan tâm đến việc xây dựng các chợ đầu mối, địa điểm kinh doanh phù hợp với DNNVV.

Nhóm giải pháp 3 đã tạo điều kiện thuận lợi cho các DNNVV tiếp cận các nguồn vốn, ưu tiên các DN sản xuất hàng xuất khẩu, hàng có giá trị gia tăng cao. Nhà nước đã tích cực hỗ trợ các hiệp hội DN triển khai các chương trình Xúc tiến thương mại trọng điểm, trong đó VCCI cũng là một trong những đơn vị tích cực. Điển hình là các chương trình xúc tiến hỗ trợ xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, tổ chức các ngày Việt Nam ở nước ngoài, các đoàn khảo sát thị trường. Hệ thống thông tin DN, thông tin thị trường trên các Trang Web của VCCI được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, nếu đánh giá công bằng thì tỷ lệ DNNVV tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm của Nhà nước chưa cao. Chưa có nhiều chương trình hỗ trợ xuất khẩu riêng dành cho DNNVV, đặc biệt là những chương trình liên quan đến nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm cho DNNVV để có thể xuất khẩu sang các thị trường khu vực cũng như các thị trường khó tính.

Đặc biệt trong 10 tháng đầu năm 2008  hoạt động xuất khẩu của các DN trong 6 tháng đầu năm 2008 bị ảnh hưởng rất lớn từ sự thay đổi của môi trường kinh doanh. Điều đáng lo ngại là phần lớn các ảnh hưởng đó là gây tác động xấu đến hoạt động xuất khẩu của DN. Có đến 49,18% trong số các DN xuất khẩu cho biết rằng hoạt động xuất khẩu của họ bị ảnh hưởng xấu bởi môi trường kinh doanh đầu năm nay. Có 57,5% DNNVV bị ảnh hưởng xấu khi xuất khẩu, trong khi tỷ lệ này ở các DN lớn là 40,4%. Khó khăn lớn nhất mà DNNVV xuất khẩu thường xuyên phải đối mặt đấy là sự gia tăng giá thành các chi phí đầu vào của sản xuất kinh doanh. Lạm phát cao đã kéo theo sự tăng giá của các chi phí đầu vào của DN, trong khi giá bán đầu ra cho xuất khẩu lại không thể tăng theo giá đầu vào để đảm bảo tính cạnh tranh của sản phẩm trong bối cảnh suy giảm của nền kinh tế thế giới. Ngoài ra các DN xuất khẩu còn phải đối mặt với rủi ro về tỷ giá trong giao dịch. Không kể đến việc sức mua giảm tại các thị trường nhập khẩu do sự suy giảm của nền kinh tế thế giới .

Với nhóm giải pháp 4 các chương trình hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực và cải thiện khả năng cạnh tranh của các DNNVV cũng đã được triển khai thông qua sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế và các tổ chức xúc tiến phát triển DN, các tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Thông qua chương trình như: Tín dụng hai bước của JIBC, Quỹ Hỗ trợ phát triển DNNVV (SMEDF), Các chương trình xây dựng chuỗi giá trị; Chuỗi cung ứng; Kế hoạch tổng thể phát triển công nghiệp phụ trợ ... đã giúp các DN Việt Nam đã dần dần liên kết với nhau, tiếp  cận  nguồn vốn, tiếp cận được thị trường. Theo báo cáo của NHNN, tính đến 31/7/2008, tổng số DN có quan hệ tín dụng với ngân hàng là 163.673 DN (chiếm trên 50% số DNNVV) với tổng nguồn vốn kinh doanh là 482.092 tỷ đồng; trong đó vốn tự có chiếm tỷ trọng 36,25%, vốn vay ngân hàng chiếm tỷ trọng 45,31%, còn lại vốn khác chiếm 18,44%. Tỷ lệ nợ xấu cho vay DNNVV của toàn hệ thống là 3,64% (số tuyệt đối là 10.886 tỷ đồng), tăng 1% so với năm 2007 và giảm 0,19% so với năm 2006. Kết quả kinh doanh 7 tháng đầu năm 2008 của các DNNVV có quan hệ tín dụng với các NHTM đạt 18.532 tỷ đồng. Trong 7 tháng đầu năm 2008, các DNNVV nộp ngân sách 5.721 tỷ đồng.

Dựa trên kết quả kinh doanh, trả nợ ngân hàng đúng hạn của các DNNVV hiện đang có quan hệ tín dụng với các ngân hàng thương mại nêu trên cho thấy: 23% số DN hoạt động kinh doanh có hiệu quả; 73,2% DNNVV hoạt động trung bình và 3,8% DN gặp khó khăn (trong đó có 1,42% DN có khả năng mất vốn ).

Mặc dù vậy hoạt động tín dụng ngân hàng cho các DNNVV vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc: Tỷ trọng vốn chủ sở hữu của DNNVV trên tổng nguồn vốn hoạt động của DN thấp, DN hoạt động chủ yếu bằng nguồn vốn vay ngân hàng, nên hiệu quả kinh doanh chưa cao; Công nghệ sản xuất, kinh doanh của DNNVV lạc hậu, khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường hạn chế, các báo cáo tài chinh không được kiểm toán là những trở ngại đối với công tác thẩm định và quyết định cho vay của ngân hàng. Mặt khác  đối  với các DNNVV, ngân hàng vẫn đang là kênh huy động chính. Trong khi các hạn chế về nguồn lực, thiếu tài sản thế chấp... của các DNNVV chưa được cải thiện nhiều, các quỹ Bảo lãnh tín dụng hầu như không hoạt động, thì mặt bằng lãi suất cho vay cao đã đặt gánh nặng lớn lên vai các DNNVV. Các hình thức tín dụng vi mô vẫn chưa được phổ biến rộng rãi, chưa tiếp cận được cả khu vực DNNVV- đặc biệt là khu vực DN cực nhỏ và Hộ kinh doanh cá thể.

Một lợi thế cạnh tranh của các DNNVV là trở thành nhà thầu phụ cho các DN lớn và các DN FDI. Tuy nhiên do trình độ quản lý và công nghệ yếu, gánh nặng chi phí và lãi suất cao, năng suất lao động thấp dẫn đến giá thành sản phẩm cao. Ngoài ra các DNNVV chưa ý thức được tầm quan trọng của việc đảm bảo chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng khi hợp tác với các DN lớn nên chỉ có một số ít DNNVV trở thành nhà thầu phụ cho các DN lớn. Bên cạnh đó, Việt Nam còn thiếu các hoạt động liên kết DN, tạo ra diễn đàn cho các DNNVV gặp gỡ, trao đổi và hợp tác với các DN lớn. Các chính sách của nhà nước chưa khuyến khích các DN lớn quan tâm đến DNNVV.

Nhóm giải pháp 5 liên quan đến  phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển DN nhỏ và vừa giai đoạn 2006 – 2010 là nhóm giải pháp được triển khai khá mạnh mẽ thông qua Chương trình đào tạo cho DNNVV theo Quyết định 143/2004 QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, sự yếu kém về nguồn nhân lực  vẫn là khó khăn hiện hữu đối với DNNVV, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh thu hút nhana tài hiện nay. Đội ngũ quản lý, nhân viên của DNNVV có ít kinh nghiệm, hoạt động thường không ổn định, chưa chuyên nghiệp.            

Xuất phát điểm của các DNNVV thường là từ kinh nghiệm kinh doanh thực tế của chủ DN, các yếu tố về quản lý và thực thi pháp luật còn có phần hạn chế dẫn đến tình trạng các DNNVV không định lượng được rủi ro của hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, môi trường lao động tại các DNNVV không được quan tâm đúng mức nên đã không thu hút được lao động có tay nghề. Các dịch vụ đào tạo nghề cũng chưa được quan tâm phát triển. Theo điều tra của VCCI năm 2007,  chỉ có 56% DN hài lòng với dịch vụ đào tạo nghề, gần 50 % hài lòng với dịch vụ giới thiệu việc làm. Cả hai con số này đều thấp hơn đánh giá của DN về chất lượng giáo dục phổ thông nói chung (73%).

Có thể nói Nhóm giải pháp 6 đã tạo lập môi trường tâm lý xã hội đối với khu vực DNNVV, thể hiện qua việc đã có nhiều học sinh, sinh viên đã có những mơ ước làm giàu. Sự ra đời và phát triển của gần 4 triệu hộ kinh doanh cá thể là một minh chứng rất rõ rệt về việc xã hội đã trở nên ngày càng cởi mở đối với doanh nhân. Sự kiện “Ngày Doanh nhân” hàng năm, việc tổ chức các giải thưởng bình chọn doanh nhân tiêu biểu, doanh nhân nữ ở các cấp các ngành, trung ương địa phương cho thấy ý chí kinh doanh của người Việt Nam đã được khơi dậy hết sức sáng tạo. Tại các địa phương và cả vùng sâu vùng xa các chương trình khởi sự DN cũng được triển khai một cách rộng rãi. Đặc biệt phải kể đến những đóng góp của các cơ quan thông tin đại chúng, đã góp tiếng nói tích cực, đánh giá đúng được những đóng góp của DNNVV trong quá trình phát triển kinh tế của đất nước, đặc biệt trong vấn đề tạo công ăn việc làm, ổn định xã hội đã phản ánh  được những vướng mắc mà các DNNVV hiện đang phải đối mặt.

Việc triển khai Nhóm giải pháp 7 liên quan đến việc  quản lý thực hiện Kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2006 – 2010 đã mang lại hiệu quả rất rõ rệt thể hiện qua việc kiện toàn bộ máy hỗ trợ DNNVV, đặc biệt là ở các cấp chính quyền địa phương. Thông qua việc xây dựng Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh do VCCI tiến hành từ năm 2005, các cấp chính quyền địa phương đã định hướng tới việc triển khai kế hoạch phát triển DNNVV. Hàng loạt trung tâm hỗ trợ DNNVV, trung tâm khuyến công, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, Hiệp hội DNNVV... đã được thành lập, triển khai được các chương trình hỗ trợ cho các DNNVV.

Bên cạnh những mặt được của công tác quản lý thực hiện kế hoạch phát triển DNNVV một số vấn đề đang được đặt ra đó là:

- Vai trò và trách nhiệm cụ thể  của từng cơ quan trong thực hiện triển khai kế hoạch DNNVV còn chưa rõ ràng, đôi lúc chồng chéo.

- Chưa xây dựng được cơ chế phù hợp để huy động tối đa nguồn lực (từ ngân sách nhà nước, tổ chức phi chính phủ...) cho việc hỗ trợ DNNVV. Chưa có cơ chế khuyến khích các DN lớn tham gia hỗ trợ DNNVV.

- Chưa xây dựng được hệ thống giám sát thống nhất  theo dõi DN thành lập, ngừng hoạt động, phá sản... để nắm bắt được động thái phát triển của khu vực này và có chính sách hỗ trợ phù hợp.

Là tổ chức xúc tiến phát triển DNNVV hàng đầu của Việt Nam, VCCI luôn luôn bám sát tình hình hoạt động của các DN để kịp thời đưa ra những kiến nghị tới các cơ quan Đảng và Nhà nước về những chính sách hỗ trợ phát triển, đặc biệt là đối với DNNVV. Việc tổ chức “Tuần lễ quốc gia DNNVV 2008” không chỉ mang tính chất xúc tiến thương mại mà còn góp phần hỗ trợ phát triển DN một cách  tổng thể. Đây là cơ hội để các tổ chức hỗ trợ DNNVV trong nước và quốc tế  đang hoạt động tại Việt Nam có dịp chia xẻ kinh nghiệm, đưa ra những gợi ý chính sách và xây dựng được những chương trình hỗ trợ thiết thực phục vụ cho DN phát triển.

Có đến 49,18% trong số các DN XK cho biết rằng hoạt động XK của họ bị ảnh hưởng xấu bởi môi trường kinh doanh đầu năm 2008. 57,5% DNNVV bị ảnh hưởng xấu khi XK, trong khi tỷ lệ này ở các DN lớn là 40,4%. Chỉ có 13,93% DN tận dụng được những thay đổi của môi trường kinh doanh để phát triển hoạt động XK.

Một số hoạt động xúc tiến phát triển DNNVV do VCCI thực hiện :

* VCCI đã đánh giá nhanh về tình hình hoạt động của các DN trong 6 tháng đầu năm 2008. Việc phân tích đánh giá đã chỉ ra những thế yếu của khu vực DNNVV trong điều kiện hiện nay.

* VCCI, chủ động hợp tác với Bộ Công Thương và các bộ, ngành thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển các DN công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

* Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ phát triển hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, VCCI đã tổ chức các cuộc thi sáng tạo kiểu dáng sản phẩm, tổ chức các hoạt động xúc tiến hỗ trợ hàng thủ công mỹ nghệ như hội thảo, phát triển thị trường trong và ngoài nước.

* Dự án "Giảm nghèo thông qua trợ giúp tổng thể phát triển DN nhỏ" PRISED tại các tỉnh của dự án đã nhận được sự đánh giá rất cao của chính quyền địa phương và DN tại các tỉnh.

* Hàng loạt hoạt động khác như: hội thảo, đào tạo cho DNNVV, xây dựng mối liên kết giữa các DNNVV với các DN lớn và các DN nước ngoài, cũng như tăng cường các hoạt động hỗ trợ XK cho các DNNVV và hỗ trợ phát triển doanh nhân nữ cũng được thúc đẩy mạnh mẽ.

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Nhiều doanh nghiệp ngành nhựa bị lỗ nặng (18/11/2008)

>   Đại diện Keangnam nói gì về vụ "đặt cược" 100 tỷ đồng? (18/11/2008)

>   Đủng đỉnh giảm giá cước taxi: Đổ lỗi cho kiểm định là không hợp lý (18/11/2008)

>   Niềm tin vào triển vọng nền kinh tế Việt Nam (18/11/2008)

>   Giải bài toán thừa lao động (18/11/2008)

>   Đừng “đánh cắp” lòng tin người tiêu dùng (18/11/2008)

>   Hôm nay, ga Sài Gòn bán hơn 1.000 vé tàu Tết (18/11/2008)

>   Thị trường ô tô vào “mùa cao điểm”: Chờ thời... (18/11/2008)

>   Phát triển kinh tế biển: Cảng nước sâu “lên ngôi” (18/11/2008)

>   Cước tàu biển giảm mạnh  (18/11/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật