Nhân lực ngành Du lịch đông nhưng chưa mạnh
Trong hầu hết các cuộc hội thảo, hội nghị thời gian qua, ngành Du lịch luôn đặt mục tiêu: Đến năm 2010 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Và rào cản lớn nhất cũng đã được chỉ ra: chất lượng nguồn lao động qua đào tạo chưa đủ sức thực hiện mục tiêu đó.
Theo Tổng cục Du lịch, trong những năm gần đây, nhu cầu về lao động ngành Du lịch tăng lên đáng kể. Nếu những năm 1990, toàn ngành có khoảng 20.000 lao động, thì nay đã tăng lên khoảng 1,2 triệu; trong đó, lao động trực tiếp hơn 280.000 người và gián tiếp gần 900.000. Với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của ngành Du lịch là 11-11,5%/năm, thì đến năm 2010 Việt Nam sẽ thu hút khoảng 5,5 - 6 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 25-26 triệu lượt khách nội địa và ngành Du lịch Việt Nam sẽ cần trên 330.000 lao động trực tiếp và con số này sẽ tăng lên 500.000 người vào năm 2020. Đáng lo ngại hơn, chất lượng nhân lực còn hạn chế trên nhiều mặt: Tính chuyên nghiệp thiếu, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử hạn chế. Số lao động chưa tốt nghiệp THPT chiếm khoảng 30% tổng số lao động trực tiếp và gián tiếp, chủ yếu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khu vực miền núi và các làng nghề vùng nông thôn. Tỷ lệ lao động được đào tạo từ sơ cấp, trung cấp đến cao đẳng là 47%, đại học và sau đại học trên 7%. Hơn 50% số lao động làm việc trong ngành Du lịch không biết ngoại ngữ… Hàng năm, lượng sinh viên ra trường chưa đáp ứng ngay yêu cầu công việc, phần lớn phải đào tạo lại; lực lượng cán bộ quản lý Nhà nước về du lịch còn rất mỏng, hiệu quả công tác quản lý chưa cao.
Những hạn chế trên đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng phục vụ khách du lịch, dẫn đến kìm hãm sự phát triển của ngành Du lịch Việt Nam. Đây cũng là rào cản quá trình hội nhập với du lịch các nước trong khu vực và quốc tế. Theo như ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thì chất lượng phục vụ du lịch của Việt Nam chỉ cao hơn các nước Cam-pu-chia, Lào và Mi-an-ma, còn kém xa các nước khác trong khu vực ĐNA.
Nhiều chuyên gia về du lịch trong nước và nước ngoài đều cho rằng: Để đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất thiết phải thay đổi mạnh mẽ về tư duy giáo dục đến tư duy quản lý. Tại một hội thảo về đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Du lịch mới được tổ chức đầu tháng 11, ông Steven Chua, Viện Đào tạo Du lịch Shatec - Xin-ga-po đã phát biểu: “Đào tạo một nhân viên du lịch không chỉ là dạy cho họ kỹ năng nghề mà còn rèn lối sống, trang bị các kiến thức văn hóa cần thiết. Khi có một nền tảng được đào tạo chu đáo, nhân viên du lịch sẽ đón tiếp khách hàng không chỉ bằng những câu xã giao thuần túy công việc mà còn biến mối quan hệ thương mại thành mối quan hệ chủ nhà với khách, điều sẽ lưu lại trong lòng du khách nhiều thiện cảm tốt đẹp”.
Ông Steven Chua cho biết thêm: Để phát huy hết khả năng của nguồn nhân lực, các công ty, DN du lịch cần tạo ra mối tương tác với người sử dụng lao động. Nghĩa là, không chỉ có DN đánh giá nhân viên mà nên tạo điều kiện để nhân viên đánh giá DN, nói lên lý do tại sao họ chọn DN này mà không phải là DN khác... Còn ông Vũ Quốc Trí, Giám đốc Dự án phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam cho rằng: Đặc thù của ngành Du lịch là tính liên ngành và tính xã hội cao. Lao động ngành này cần được đào tạo không chỉ về chuyên môn du lịch mà còn phải hiểu biết nhiều chuyên môn khác như: Văn hóa, ngoại ngữ, kinh tế…
Để nguồn nhân lực ngành Du lịch đạt được những yêu cầu trên, Nhà nước cần nâng cao năng lực các cơ sở đào tạo; mở rộng liên kết đào tạo đặc biệt gắn cơ sở đào tạo với doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước... Có như vậy ngành Du lịch Việt Nam mới nâng cao được chất lượng phục vụ, thu hút khách du lịch nước ngoài và phát triển bền vững.
Thanh Bình
hà nội mới
|