Thứ Sáu, 14/11/2008 06:35

Lạm phát tăng cao: Làm gì để người Việt dùng hàng Việt?

Đây là vấn đề không mới, đã được đặt ra nhiều lần cho các doanh nghiệp (DN) cũng như những người có tâm huyết với sự sống còn của hàng Việt Nam. Thế nhưng, trong bối cảnh lạm phát tăng cao, để thuyết phục người tiêu dùng tin tưởng và ủng hộ hàng Việt thì phải có sự nỗ lực rất lớn từ phía các DN.

Cơ cấu tiêu dùng thay đổi

Theo số liệu thống kê của Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), lạm phát tăng cao đã tác động một cách khá toàn diện đến hoạt động sản xuất các DN, nhưng đối với các nhà phân phối lớn như Saigon Co.op thì vấn đề này không quá lo ngại.

Doanh thu của Saigon Co.op trong 9 tháng đầu năm đã tăng khoảng 50% so với cùng kỳ (nếu loại trừ yếu tố lạm phát và việc khai trương các siêu thị mới thì doanh thu tăng trưởng xoay quanh mức 25%-30% và lượng khách cũng tăng hơn 10%).

Lạm phát cũng đã quyết định đến cơ cấu tiêu thụ hàng hóa trong toàn hệ thống Co.opMart. Biểu hiện rõ nét là giữa nhóm hàng tiêu dùng thường xuyên và không thường xuyên. Theo đó, nhóm hàng hóa thiết yếu cho tiêu dùng gia đình như thực phẩm có mức tăng trưởng 45%, thực phẩm công nghệ tăng 54%. Trong khi đó, nhóm hàng hóa không thường xuyên như may mặc, mỹ phẩm hoặc hàng xa xỉ có xu hướng co hẹp lại. Giá bán là yếu tố quyết định sự lựa chọn mua hàng của người tiêu dùng trong thời lạm phát.

Bên cạnh đó, những thông tin liên quan đến các chương trình khuyến mại, giảm giá cũng được khách hàng đặc biệt quan tâm. Điều này lý giải cho việc những năm gần đây, sức mua chung tại hệ thống các chợ truyền thống luôn trong tình trạng năm sau giảm từ 15%-20% so với năm trước, trong khi doanh số tại các siêu thị vẫn liên tục tăng.

Những số liệu của Saigon Co.op tương đối trùng khớp với một nghiên cứu hành vi tiêu dùng mới được thực hiện bởi Công ty ACNeilsen. Có tới 95% người tiêu dùng thay đổi thói quen tiêu dùng theo hướng cắt giảm chi tiêu cá nhân và vẫn duy trì chi tiêu cho gia đình.

Ông Phạm Hoàng Hà, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái thừa nhận, cho dù lạm phát không tác động nhiều đến doanh số song họ buộc phải đầu tư nhiều vốn hơn cho hàng hóa. Giá hàng hóa tăng cao nên mức vốn huy động phải tăng khoảng 40% so với cùng kỳ thì mới đảm bảo cho việc dự trữ nguồn hàng để cung cấp cho các nhà bán lẻ.

Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) lo ngại khi cho rằng, thời điểm mở cửa thị trường bán lẻ theo cam kết với WTO đã rất cận kề. Nếu chúng ta không tổ chức hệ thống phân phối một cách bài bản và không có những chương trình cổ súy chương trình “người Việt dùng hàng Việt” thì nhiều khả năng hàng Việt sẽ mất chỗ đứng ngay tại sân nhà.

Ủng hộ hàng Việt có điều kiện

Tại bàn tròn “Quan điểm và thái độ của người tiêu dùng thời lạm phát” do BSA tổ chức gần đây, chị Phương Thảo – Việt kiều Mỹ cho rằng: người tiêu dùng đồng ý ủng hộ hàng Việt nhưng cũng đòi hỏi nhà sản xuất phải đưa ra những sản phẩm tốt.

Chị Thảo kể, nhiều người Việt đang sinh sống tại Mỹ có cảm giác rất vui mỗi khi thấy hàng “Made in Vietnam” có mặt tại các siêu thị ở Mỹ. Tuy nhiên, bản thân chị và một số người đã hơi thất vọng vì có lần họ đã mua thử một loại bánh bột bắp của Việt Nam nhưng ăn không thấy ngon, làm sao ủng hộ được?

Anh Đức, một chuyên gia IT kể rằng, anh thích xài hàng ngoại vì không đơn thuần là do anh sính hàng ngoại. Điều căn bản là hàng ngoại có chất lượng tốt, xài bền. Theo anh Đức, nhà sản xuất VN cần phải cố gắng hơn nữa trong việc cải thiện chất lượng cũng như năng động và chuyên nghiệp hơn trong việc quảng bá xây dựng thương hiệu để người tiêu dùng trong nước biết và sử dụng.

Một ý kiến được khá nhiều người có mặt tại bàn tròn đồng tình đó là người tiêu dùng cần có nhiều thông tin hơn về hàng hóa, sản phẩm.

Anh Vũ Quốc Tuấn (quận 7) kể rằng, do xăng tăng giá nên gần đây có một số người chuyển từ xe gắn máy sang xe đạp điện. Đáng lưu ý, có không ít người lại không biết rằng sử dụng xe đạp điện sau một thời gian ngắn từ 7-8 tháng, bộ bình sạc điện sẽ bị suy giảm nhiều. Thực tế là nếu thay bình sẽ không tiết kiệm mà là phải trả giá khá cao.

Theo đề nghị của anh Tuấn, trong thời buổi lạm phát tăng cao, nhà sản xuất cần phối hợp với nhà phân phối cung cấp thông tin nhiều hơn cho người tiêu dùng để họ có thể sáng suốt lựa chọn sản phẩm là điều hết sức cần thiết, giúp tiết kiệm và sử dụng một cách tối ưu hơn.

Cũng có khá nhiều người tiêu dùng cho rằng, nhà sản xuất cần quan tâm hơn nữa đến các công tác bán hàng, đặc biệt là dịch vụ sau bán hàng. Chẳng hạn, việc giải quyết khiếu nại sản phẩm chưa được DN chú trọng khi xảy ra sự cố dễ dẫn đến việc mất lòng tin của người tiêu dùng, trong khi đó hệ thống pháp luật bảo vệ người tiêu dùng vẫn còn nhiều khiếm khuyết.

Việc gia nhập WTO sẽ giúp người tiêu dùng có nhiều cơ hội lựa chọn, so sánh sản phẩm. Trong bối cảnh đó, không ai khác chính các DN phải nỗ lực nhiều hơn nữa để chinh phục người tiêu dùng.

THÚY HẢI – THIÊN THỦY

sài gòn giải phóng

Các tin tức khác

>   Thương mại EU và VN tăng gấp bốn lần trong 10 năm (14/11/2008)

>   Thừa nguyên liệu cá tra cho xuất khẩu (14/11/2008)

>   Hàng xuất khẩu bình dân của VN có cơ hội vào thị trường Mỹ (14/11/2008)

>   Hợp tác với Việt Nam vẫn là ưu tiên (14/11/2008)

>   Chủ tịch nước tiếp Đoàn Hội đồng Kinh doanh châu Á (13/11/2008)

>   Campuchia hoan nghênh hiệp định miễn thị thực với Việt Nam (13/11/2008)

>   Các quan chức PCI (Nhật) nhận tội đưa hối lộ (13/11/2008)

>   Triển khai giai đoạn ba Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản (13/11/2008)

>   EU làm việc với VN về thuế chống phá giá giày da (13/11/2008)

>   "Chấm điểm" Thủ tướng và bộ trưởng (13/11/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật