Nghịch cảnh gạo ế giá cao
Vài tuần qua, thị trường lúa gạo ở vựa lúa ĐBSCL xảy ra khá nhiều nghịch lý như lúa từ Campuchia đổ về trong khi hàng trăm ngàn tấn lúa của bà con nông dân còn tồn đọng chẳng thương lái nào ngó tới, đặc biệt là gạo ế nhưng người tiêu dùng vẫn phải ăn gạo giá cao...
Giá các loại gạo chênh lệch trên 10.000 đồng/ký
Ông Nguyễn Lợi Đức, một nông dân ở xã Lương An Trà (Tri Tôn, An Giang) nói vụ hè thu rồi, gia đình ông sản xuất hơn 100 tấn lúa IR 50404 (gọi tắt là giống 504). Lúc thu hoạch, thương lái hỏi mua giá 4.800 đồng/kg, ông chê rẻ, neo lại, không bán.
Chờ mấy tháng không thấy giá lên, ông kêu bán hơn một nửa số lượng với giá 4.500 đồng/kg. Nay giá chỉ còn 3.000 đồng/kg nhưng cũng rất khó bán vì thương lái chê gạo ẩm vàng. Còn kẹt lại hơn 40 tấn, ông quyết định đành chà gạo bán chịu cho người dân nghèo địa phương, đợi tới khi thu hoạch vụ đông xuân mới thu hồi nợ. "Giống lúa 504 năng suất cao nhưng không ngon bằng gạo thơm, người dân nông thôn thường dùng, còn người thành thị đa phần mua gạo thơm, dẻo" - ông Đức nói.
Tại trung tâm chợ Cần Thơ, tuy cửa hàng nào cũng bày bán gạo giống 504, nhưng là giá thuộc loại "bèo nhất": chỉ từ 6.000 đồng/kg trở xuống. Trong khi đó, các loại gạo thơm có giá cao ngất ngưởng. Một cửa hàng trên đường Mậu Thân (quận Ninh Kiều), gạo thơm Long An bán với giá 17.000 đồng/kg; thơm Đài Loan, thơm Mỹ... cũng có giá 12.000 - 14.500 đồng/kg. Các loại gạo hơi dẻo cơm như một bụi, tài nguyên... giá rẻ nhất cũng trên 10.000 đồng/kg. Trong khoảng thời gian gần nửa giờ tại cửa hàng Hớn Lộc, chúng tôi thấy có gần 10 người khách đến mua gạo toàn các loại gạo ngon như một bụi, thơm Đài Loan, thơm Thái, thơm Long An... dù giá cao gấp đôi, gấp ba gạo 504, giá chênh lệch trên 10.000 đồng/ký.
Theo ông Nguyễn Lợi Đức, lúa ở vùng sâu còn tồn rất nhiều nhưng hầu như không còn loại lúa ngon, do đó khó bán. "Hằng ngày thương lái tìm mua lúa thơm dập dìu, nhưng mình đâu có hột nào để bán, tiếc thật" - ông Đức nói. Điều đó đặt ra một yêu cầu bức thiết về việc quy hoạch giống lúa để nông dân tránh cảnh gạo lúa đầy kho nhưng tiền thu vào chẳng bao nhiêu.
Giá gạo bị thương lái khống chế?
Giá gạo 504 tại các cửa hàng ở Cần Thơ bình quân 6.000 đồng/kg là rẻ, nhưng nếu so với giá lúa cùng loại tại các vùng sâu thì chẳng rẻ chút nào. Bởi hiện có nơi lúa 504 chỉ được mua với giá dưới 3.000 đồng/kg. Các giống lúa ngon khác giá chỉ từ 5.000 - 6.000 đồng/kg, nhưng giá gạo bán tại chợ luôn cao ít nhất gấp hơn 2 lần. Nguyên nhân là việc đội giá (không ai kiểm soát) của quá nhiều tầng nấc trung gian.
Ông Phạm Thành Thuộc (ngụ huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) lý giải: hạt gạo khi đến được tay người tiêu dùng phải qua ít nhất "4 trung gian": khi thu hoạch lúa xong, người nông dân bán lúa cho các ghe thu gom; ghe thu gom bán lại cho các nhà máy (hoặc doanh nghiệp thu mua lúa); nhà máy xay xát xong bán lại cho hàng xáo (hoặc chuyển cho các đại lý cấp 1); sau đó được chuyển đến các chợ, các cửa hàng bán lẻ. Rồi từ đây, người tiêu dùng có thể mua trực tiếp hoặc phải gián tiếp qua các cửa hàng, tiệm tạp hóa khác nữa... Mỗi lần "sang tay" qua mỗi "trung gian" như vậy phải đội giá lên ít nhất 300 đồng/kg; riêng những người bán lẻ có thể kê giá đến 1.000 đồng/kg...
Tuy nhiên, ông T.H.P - giám đốc một công ty chuyên kinh doanh xuất khẩu gạo đóng tại TP.HCM chỉ thẳng: "Thị trường gạo trong nước hiện nay đang bị khống chế bởi các thương lái, chủ buôn. Gạo xuất khẩu chủ yếu là gạo cấp thấp, trong khi tiêu dùng trong nước lại chuộng gạo thơm, chất lượng cao. Các thương lái, đại lý lợi dụng tình hình gạo xuất khẩu ế ẩm để ép giá gạo nông dân rồi lại bán gạo giá cao ra thị trường. Nếu tính chính xác giá lúa, công xay, phí vận chuyển, thuế... thì các loại gạo thơm hiện nay chỉ bán khoảng 11.000 - 11.500 đồng/kg là đã có lãi, nhưng thực tế khi đến tay người tiêu dùng thì bị đẩy lên 15.000 đồng/kg hoặc hơn". Về gạo Campuchia, ông T.H.P nói giá nhập thực ra cũng rẻ, nhưng các thương lái, đại lý đẩy giá lên một cách tùy tiện, quản lý thị trường cũng không kiểm soát được.
Bài toán "vựa lúa nhập lúa"
Ông Hồ Minh Khải - Giám đốc Công ty nông nghiệp Cờ Đỏ nói rằng công ty ông đã và đang nhắm đến thị trường nội địa với loại gạo thơm làm chủ lực. Tuy nhiên, ông Khải lo ngại chuyện cả đồng bằng ùn ùn sản xuất lúa thơm, lại dẫn đến dư thừa. Mà nếu lúa thơm tiêu thụ trong nước không hết thì khó xuất khẩu vì gạo thơm của Việt Nam không thể cạnh tranh với gạo thơm Thái Lan trên thị trường thế giới. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng do hiện nay, lúa thơm trên thị trường khan hiếm, giá cao nên nhiều nông dân đang hăm hở với nó. Nhưng đáng lo ngại - ít nhất trong thời điểm này, theo tiến sĩ Bảnh, lúa thơm có năng suất thấp hơn các giống lúa khác (cao nhất chỉ đạt 6 tấn/ha) và dễ nhiễm sâu bệnh. Lúa thơm lại thường chỉ cho gạo ngon khi được trồng ở vùng ven biển, nước lợ... Như giống lúa thơm ST3, ST5... của Sóc Trăng, nếu đem giống về vùng khác trồng thì cho gạo có chất lượng kém xa!
Lúa thơm Campuchia đang tràn vào ĐBSCL, do nước này bấy lâu nay chưa có thị trường xuất khẩu gạo. Mặt khác trồng lúa thơm ở Campuchia cần thời gian lâu hơn so với trồng theo vụ mùa của nông dân ở ĐBSCL.
Như vậy, không phải cứ đổ xô trồng lúa thơm phục vụ tiêu thụ nội địa là có hiệu quả, dù có thể xóa được nghịch cảnh "vựa lúa nhập lúa"! Còn chuyện người tiêu dùng cứ phải ăn gạo giá cao dài dài cũng không dễ khắc phục một khi sản xuất nhỏ lẻ, người nông dân cách người tiêu dùng 4 - 5 trung gian... Những chuyện này xem ra nằm ngoài tầm tay của người nông dân. Đã đến lúc, các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp phải gắn kết với nhau thật sự - cả trách nhiệm và quyền lợi - để giải "bài toán" này.
"Thị trường gạo trong nước hiện nay đang bị khống chế bởi các thương lái, chủ buôn... Các thương lái, đại lý lợi dụng tình hình gạo xuất khẩu ế ẩm để ép giá gạo nông dân rồi lại bán gạo giá cao ra thị trường". Ông T.H.P - giám đốc một công ty chuyên kinh doanh xuất khẩu gạo
Bà Dương Quỳnh Trang, Giám đốc đối ngoại siêu thị Big C cho biết: "Sức tiêu thụ của gạo ngoại trong hệ thống siêu thị Co-op chỉ chiếm từ 5%-7%/tổng lượng gạo bán ra. Như vậy có thể thấy, gạo Việt Nam vẫn thống trị trong hầu hết hệ thống siêu thị trong nước hiện nay". (N.Khanh)
Gạo giá rẻ xuống đường ở TP.HCM
Khoảng 1 tuần nay, trên các tuyến đường Tô Ký, Nguyễn Ảnh Thủ... thuộc phường Trung Mỹ Tây, Tân Chánh Hiệp - quận 12, xã Trung Chánh - huyện Hóc Môn (TP.HCM) đang mọc lên nhiều điểm bán gạo hoạt động từ sáng đến tối. Gạo trên các xe tải nhỏ được chở từ các tỉnh Long An, Tiền Giang, Tây Ninh... chuyển xuống bày bán: gạo nở xốp, gạo thơm dẻo giá 5.800 - 7.000 đồng/kg. Nhiều người đứng bán cho biết, do tình hình lúa của gia đình làm ra bị ép giá nên bàn nhau đem lúa đi xay, rồi sẵn có xe nhà chở thẳng lên TP.HCM bán cho người tiêu dùng, giá bán tuy có rẻ nhưng với nông dân giá đó cũng tạm đủ chi phí cho người trồng lúa.
Diệp Đức Minh
Nhóm PV - CTV Miền Tây - Quang Thuần
thanh niên
|