Kinh tế tháng 10: Duy trì ổn định trước những bất ổn và suy giảm của nhiều nền kinh tế trên thế giới
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), nền kinh tế nước ta hiện nay không chỉ chịu tác động bởi thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra gây thiệt hại nhiều cho sản xuất và đời sống dân cư mà còn đang bị tác động bởi những bất ổn của kinh tế thế giới, đặc biệt là khủng hoảng tài chính mang tính toàn cầu kéo theo sự suy giảm của nhiều nền kinh tế.
Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta trong tháng 10 và 10 tháng qua vẫn phát triển ổn định. Điều này càng cho thấy sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và các cấp, các ngành trong thực hiện 8 nhóm giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
* Những thách thức và kết quả bước đầu
Bên cạnh việc thu hoạch lúa mùa ở phía Bắc, các địa phương trên cả nước đang triển khai gieo trồng cây vụ đông . Tính đến giữa tháng 10, các địa phương phía Bắc đã thu hoạch được 597,9 nghìn ha lúa mùa, chiếm 50,3% diện tích gieo cấy, năng suất ước tính đạt 48,8 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha so với vụ mùa trước. Cùng thời gian này, cả nước đã gieo trồng được 375 nghìn ha cây vụ đông, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Ngành chăn nuôi cũng đã đi vào ổn định tuy tốc độ tái đàn sau dịch bệnh còn chậm do giá thức ăn và con giống vẫn ở mức cao; do làm tốt công tác phòng chống quyết liệt, dịch lợn tai xanh đã được khống chế trên phạm vi cả nước. Về thuỷ sản, sản lượng trong tháng 10 ước tăng 5,5% so với cùng kỳ và trong 10 tháng ước tăng 9,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ trong tháng này đã phải chịu ảnh hưởng liên tiếp của bão lũ. Theo báo cáo của các địa phương, thiên tai đã làm 8,7 nghìn ha lúa và hoa màu bị mất trắng; gần 2 nghìn ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản bị ngập và hư hỏng; 4,4 nghìn con gia súc và 30 nghìn con gia cầm bị chết và cuốn trôi.
Cơn "bão giá" thời gian qua cũng làm cho ngành công nghiệp gặp không ít khó khăn do chi phí “đầu vào” tăng cao. Nhờ thực hiện tốt 8 nhóm giải pháp của Chính phủ về kiềm chế lạm phát nên hiện nay giá nhiều loại nguyên, nhiên, vật liệu cho sản xuất công nghiệp đã có xu hướng tăng chậm lại. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng cũng đã hạ từ 21%/ năm xuống 19%/năm ; thật chí đối với một số đối tượng hộ sản xuất và doanh nghiệp nhỏ và vừa lãi suất cho vay trong một số lĩnh vực ưu tiên chỉ trên 16%/năm . Với những yếu tố thuận lợi bước đầu này đã giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, từng bước ổn định sản xuất. Giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) tháng 10 ước tính tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước đưa mức tăng GTSXCN trong 10 tháng tăng 15,8% so với cùng kỳ ; trong đó, khu vực kinh tế Nhà nước tăng 5,5% khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng 21,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,8%. Nhiều địa phương có quy mô sản xuất công nghiệp lớn vẫn duy trì được tốc độ tăng tương đối cao. Hiện nay, 6/12 tỉnh, thành phố lớn có mức tăng GTSXCN từ trên 16% đến trên 20%; 5 tỉnh thành phố có mức tăng thấp từ 12% đến 15,3% ( Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong tốp này); riêng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giảm 2,1%.
* Ổn định thị trường và lưu thông hàng hoá
Thống kế của Bộ KHĐT cho thấy: Giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 giảm 0,19% so với tháng trước và đây là lần giảm đầu tiên kể từ đầu năm trở lại đây. Tuy nhiên, giá tiêu dùng bình quân 10 tháng năm 2008 so với 10 tháng năm 2007 vẫn tăng 23,15% .Giá vàng và đô la Mỹ trong nước đang chịu tác động lớn của thị trường thế giới. Giá vàng tháng 10/2008 tăng 3,21% so với tháng trước, tăng 12,53% so với tháng 12 năm 2007 và tăng 25,15% so với cùng kỳ năm trước. Giá đô la Mỹ giảm 0,05% so với tháng trước, tăng 2,95% so với tháng 12 năm trước và tăng 2,46% so với cùng kỳ năm 2007.
Diễn biến giá cả như vậy nhưng thị trường thương mại, dịch vụ và du lịch tháng này vẫn ổn định; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng ước tính đạt 87,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,1% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng năm 2008, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 782,3 nghìn tỷ đồng, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước. Theo Bộ KHĐT, nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng năm nay tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó kinh doanh thương nghiệp chiếm 82,4% tổng mức và tăng 31,2%; khách sạn, nhà hàng chiếm 11,3%, tăng 25,5%; dịch vụ chiếm 5%, tăng 30,3%; du lịch chiếm 1,3%, tăng 46,1%. Thành phố Hồ Chí Minh đạt tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng lớn nhất với 185,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,7% tổng số cả nước, tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2007; Hà Nội đạt 103,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,2%, tăng 31,7%.
Mặc dù lượng và giá một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu bị giảm trên thị trường thế giới, nhưng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 10 vẫn ước tính đạt 5,1 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước và trong 10 tháng ước đạt 53,8 tỷ USD, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 10/2008 ước tính đạt 5,8 tỷ USD và 10 tháng ước đạt 70,1 tỷ USD, tăng 42,6% so với cùng kỳ năm trước. Do vậy, mức nhập siêu tháng 10 cao hơn của tháng trước khiến cho nhập siêu trong 10 tháng tăng 66,2% so với cùng kỳ năm trước, bằng 30,3% tổng kim ngạch hàng hoá xuất khẩu.
Với diễn biến thị trường thế giới và trong nước trong thời gian gần đây, nhiều chuyên gia nhận định: Giá cả có xu hướng giảm trên cả thị trường trong và ngoài nước và khả năng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới do suy thoái kinh tế, nhu cầu giảm sút. Do vậy, CPI hai tháng cuối năm nay sẽ khó có khả năng tăng cao, thậm chí không tăng mặc dù theo quy luật mùa vụ thì CPI thường tăng mạnh vào các tháng cuối năm.
* Đà phát triển cho năm sau
Bộ KHĐT cho biết: Với 9,9 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước đã được thực hiện trong tháng 10 đã đưa lượng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện trong 10 tháng qua lên 75,6 nghìn tỷ đồng, đạt 77,1% kế hoạch năm, trong đó vốn Trung ương đạt 72,9%; vốn địa phương đạt 79,2%. Tính tới thời điểm này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đạt 115,9% kế hoạch năm, và 5 bộ khác co mức thực hiện đạt từ 70% -80% kế hoạch năm. Một số địa phương có tiến độ giải ngân nhanh là: Lâm Đồng (99,6%), Quảng Trị (91,9%); Thái Nguyên (89,8% )...;
Lượng vốn Đầu tư trực tiếp của nước ngoài (ĐTNN) được giải ngân theo các dự án đã đạt mức cao nhất từ trước tới nay, ước đạt 9,1 tỷ USD trong 10 tháng qua, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, bên Việt Nam chiếm từ 10-12%.
Tuy nhiên , mức giải ngân này nhìn chung vẫn còn thấp so với nhu cầu phát triển. Do vậy, một trong những nhiệm vụ hàng đầu, cấp bách hiện nay là khơi thông giải ngân các nguồn vốn và thúc đẩy tiến độ các công trình, dự án để tạo đà phát triển cho năm 2009 và các năm tiếp theo.
Trước các diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế toàn cầu và các kết quả đạt được trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư đạt được trong 10 tháng năm 2008, Bộ KHĐT nhận định: Nền kinh tế nước ta sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do hậu quả khủng hoảng kinh tế thế giới. Theo Bộ, để đẩy mạnh sản xuất trong nước những tháng cuối năva và duy trì ổn định được nền kinh tế, các cấp, các ngành cần tập trung làm tốt những việc sau: Kiểm soát chặt chẽ giá cả, bảo đảm cung cầu hàng hoá, dịch vụ hợp lý để tránh sự tăng giá ảo trong thời gian áp Tết; tích cực khai thác mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hoá nhằm kích thích phát triển sản xuất trong nước; tập trung nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới; tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách xã hội, bảo đảm quyền lợi và từng bước nâng cao đời sống dân cư.
"Làm tốt công tác dự báo để đối phó kịp thời với những diễn biến bất lợi của thị trường, thời tiết có thể xảy ra nhằm hạn chế tối đa thiệt hại " đó là điều được nhấn mạnh nhất.
ttxvn
|